Đi tìm nguyên nhân của các vụ ngộ độc rượu gây tử vong thương tâm

Ngộ độc cấp tính thường phải nhập viện do uống quá nhiều rượu hoặc uống phải rượu giả được pha chế từ cồn công nghiệp chứa độc tố Methanol gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần mức cho phép.
Đi tìm nguyên nhân của các vụ ngộ độc rượu gây tử vong thương tâm ảnh 1Nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy theo dõi, điều trị tích cực cho bệnh nhân ngộ độc rượu nặng. (Ảnh: TTXVN phát)

Anh C.A.P (43 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) đã được cấp cứu kịp thời tại Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh trong khi ngộ độc rượu nặng với nồng độ cồn trong máu rất cao.

Thời điểm nhập viện, anh P. tự thở được nhưng rối loạn tri giác, đừ, mờ mắt.

Người nhà cho biết ngày 16/4, anh P. ăn cơm tại nhà một bạn và có uống rượu. Sau bữa cơm, anh P. về nhà nghỉ ngơi, đến tối cùng ngày có dấu hiệu mệt.

Sang đến ngày hôm sau, anh bị nôn ói nhiều và nhập viện tại Bình Dương.

Cùng thời điểm, một người bạn cùng ăn cơm với anh P. cũng bị ói, mệt và được đưa đến bệnh viện nhưng tử vong sau đó. Bác sỹ tại đây nghi ngờ anh P. bị ngộ độc rượu nên chuyển lên tuyến trên.

[TP.HCM: 3 người trong gia đình nhập viện, một tử vong do ngộ độc rượu]

Không may mắn như anh P., ông T (sống tại quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh) được đưa vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quân y 175 trong tình trạng mệt mỏi, đau đầu, nôn ói nhiều, rối loạn thị giác.

Kết quả xét nghiệm máu cho thấy nạn nhân bị rối loạn chức năng đa cơ quan, đặc biệt là tình trạng toan chuyển hóa nặng, tăng khoảng trống anion, tăng khoảng trống áp suất thẩm thấu máu, trong khi nồng độ ethanol trong máu không cao.

Sau khi xem xét các biểu hiện, triệu chứng, các bác sỹ nghĩ đến nguyên nhân gây bệnh cho ông T là ngộ độc methanol.

Dù được các bác sỹ tận tình cứu chữa nhưng ông T. đã không qua khỏi.

Uống rượu không nhãn mác

Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), nhận định gần đây số lượng bệnh nhân ngộ độc cồn công nghiệp methanol đang tăng lên có thể do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do các loại rượu trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ - là rượu giả, được pha trộn cồn công nghiệp methanol.

Một nguyên nhân khác nữa là có một số bệnh nhân uống cồn y tế do nghĩ cồn y tế là an toàn nhưng những loại cồn y tế này lại không đảm bảo và cũng được sản xuất, đóng chai từ cồn công nghiệp methanol, là nguyên nhân gây ngộ độc. Đây là vấn đề quản lý hóa chất, quản lý cồn công nghiệp methanol.

“Do công tác quản lý của chúng ta chưa chặt chẽ nên các hóa chất này tuồn vào tay kẻ xấu để đóng chai, đóng lọ thành các loại rượu trôi nổi không rõ nguồn gốc và người dân uống phải. Không chỉ có thế, cồn công nghiệp methanol còn được đóng vào chai làm cồn sát trùng y tế, người dân cứ nghĩ cồn dùng trong y tế là an toàn nên uống được,” tiến sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), chỉ rõ.

Theo các chuyên gia, các loại rượu chứa cồn công nghiệp gây ngộ độc thường do những người kinh doanh rượu phi pháp mua cồn công nghiệp methanol về đóng chai hoặc pha thành các loại rượu rởm, trà trộn với các loại rượu truyền thống để thu lợi bất chính và gây ngộ độc.

Uống rượu ngâm tùy tiện

Đặc biệt, hiện nay, nhiều người dân tự ý ngâm rượu với rễ cây, lá cây, phủ tạng động vật… để uống.

Điển hình, bệnh nhân Trương Văn Đ (60 tuổi, Nghệ An) có tiền sử uống rượu nhiều năm. Do bị đau xương khớp lâu năm, theo lời mách của một "bà dân tộc," nên ông lên rừng đào rễ cây mú từn (tên gọi địa phương) về ngâm rượu để uống, khoảng 50ml/ngày.

Sau 10 ngày sử dụng sản phẩm rượu ngâm, ông Đ. xuất hiện triệu chứng chóng mặt, choáng váng, buồn nôn, huyết áp tăng cao.

Đi tìm nguyên nhân của các vụ ngộ độc rượu gây tử vong thương tâm ảnh 2Sử dụng các loại rượu ngâm thảo dược cũng cần có sự chỉ định của bác sỹ để tránh ngộ độc. (Nguồn: Sức khỏe và Đời sống)

Ông Đ. được gia đình đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu nhưng tình trạng càng tăng nặng, xuất hiện cơn co quắp chân tay khoảng 30 phút nên ông đã được chuyển lên tuyến cao hơn và tiếp tục được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Cũng bị ngộ độc do uống rượu ngâm rễ cây rừng được điều trị tại Trung tâm Chống độc là bệnh nhân Lê Bá T (50 tuổi, cũng ở Nghệ An).

Bệnh nhân có tiền sử uống rượu thường xuyên, khoảng 500ml/ngày. Bệnh nhân làm nghề đi biển, trước khi vào viện 5 ngày, bệnh nhân cũng uống rượu ngâm rễ cây rừng theo lời mách của một “bà dân tộc” để chữa bệnh xương khớp, khoảng 150ml/ngày.

Vợ bệnh nhân cho biết sau 3 ngày uống rượu ngâm rễ cây, bệnh nhân xuất hiện chóng mặt, đau bụng thượng vị, buồn nôn nhưng bệnh nhân vẫn đi biển.

Trên tàu, bệnh nhân xuất hiện đau bụng dữ dội, buồn nôn và nôn nhiều nên được đưa đi cấp cứu và chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Tiến sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, cho biết xét nghiệm mẫu rượu bệnh nhân mang đến và xét nghiệm máu của bệnh nhân phát hiện Salicylate có nguồn gốc từ rễ cây.

Đây là một loại thuốc giảm đau có trong nhiều loại cây cỏ tự nhiên, có thể được dùng để chữa giảm đau, tuy nhiên nó có độc tính nhất định nếu việc kiểm soát không đảm bảo về liều lượng, cách dùng. Do đó nếu chúng ta uống các loại rượu ngâm một cách “thoải mái” như thế này thì rất dễ bị ngộ độc.

“Ngộ độc Salicylate có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề cho sức khỏe. Bệnh nhân chóng mặt, buồn nôn, ù tai, co giật, hôn mê, tụt huyết áp, có tổn thương não và tổn thương thận, rất dễ bị tử vong,” Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết.

Uống rượu có nhãn mác nhưng vẫn là... "rượu giả"

Trung tâm Chống độc tiếp nhận một bệnh nhân nam (32 tuổi) được chẩn đoán ngộ độc cồn công nghiệp methanol từ tuyến dưới chuyển lên.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử giãn, huyết áp tụt. Xét nghiệm cho thấy nồng độ methanol trong máu rất cao 141mg/dL, nhiễm toan chuyển hóa nặng.

Kết quả chụp CT cho thấy bệnh nhân có tổn thương não lan tỏa rất nặng, mặc dù đã được giải độc cấp cứu và hồi sức tích cực nhưng không hồi phục và đã tử vong.

Đi tìm nguyên nhân của các vụ ngộ độc rượu gây tử vong thương tâm ảnh 3Các bác sỹ Bệnh viện Nhân dân Gia Định, thành phố Thủ Đức cấp cứu cho các trường hợp ngộ độc rượu. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo lời kể của người nhà, 3 ngày trước khi vào viện, bệnh nhân có mua rượu đầy đủ nhãn mác từ một quán tạp hóa về uống cùng 3 người khác. Một ngày sau, bệnh nhân đau đầu, nhìn mờ, chậm chạp dần và rơi vào hôn mê.

Bệnh nhân được đưa vào tuyến tỉnh điều trị sau đó được chuyển lên Trung tâm Chống độc. Xét nghiệm rượu bệnh nhân đã uống (do gia đình cung cấp mẫu) cho thấy nồng độ cồn công nghiệp methanol là 20,21%, trong khi nồng độ rượu thông thường ethanol chỉ 11,42%.

Loại sản phẩm có tên và nhãn mác riêng, thông tin đăng ký và địa chỉ rất rõ nên rất nguy hiểm vì dễ gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng vì “qua mặt” được tiêu chí “sản phẩm có tên, thông tin, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.” Sản phẩm có nhãn mác và thông tin như thế này càng dễ đánh lừa được tất cả người tiêu dùng, kể cả những “người tiêu dùng thông thái.”

Làm gì để tránh ngộ độc rượu?

Để phòng tránh ngộ độc cồn công nghiệp methanol, người dân hãy lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ đảm bảo, rõ ràng như các loại rượu chắc chắn được nấu theo cách truyền thống hoặc sản phẩm chính thức được đăng ký của các công ty, đảm bảo từ khâu sản xuất, phân phối, có mã hàng, có hóa đơn, đảm bảo có thể truy xuất người sản xuất, người phân phối để họ sẵn sàng chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, như trường hợp của bệnh nhân nam (32 tuổi) điều trị tại bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân mua rượu có tên, thông tin, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Điều này gây khó cho người tiêu dùng.

Nỗ lực của người tiêu dùng là chưa đủ khi mà mỗi năm Việt Nam có tới gần 300 triệu lít rượu thủ công được đưa ra thị trường với tình trạng “3 không” - không nguồn gốc xuất xứ, không tem nhãn, không công bố chất lượng, theo số liệu của Bộ Công thương.

Trong những trường hợp này thì đòi hỏi cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.

Tại Việt Nam, lượng rượu tiêu thụ mỗi năm là rất lớn, đa dạng về chủng loại và chất lượng, trong số đó rất nhiều loại rượu giả, rượu lậu, rượu tự pha không công bố tiêu chuẩn sản phẩm đang được lưu hành tự do trên thị trường dẫn đến tình trạng ngộ độc rượu ngày càng có xu hướng gia tăng.

Các địa phương cần thống kê các cơ sở sản xuất rượu thủ công và xác định rõ đối tượng thuộc diện phải quản lý, cấp phép.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý trường hợp sản xuất số lượng lớn nhưng lại đăng ký không nhằm mục đích kinh doanh hoặc không có giấy phép. Cùng với đó, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đăng ký Giấy phép sản xuất và truyền thông nâng cao nhận thức cho hộ sản xuất rượu thủ công.

Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) và Cục Quản lý thị trường cần phối hợp tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu.

Bên cạnh đó, chú trọng kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, đặc biệt các cơ sở nấu rượu thủ công. Việc này nhằm ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không đảm bảo an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác gây ra nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng đưa ra lưu thông trên thị trường.

Bên cạnh đó, cần tăng cường truyền thông bằng các hình thức mới mẻ, sáng tạo, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu, không lạm dụng rượu và bảo đảm an toàn khi lựa chọn, sử dụng rượu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục