Đi tìm lý do ngành logistics TP.HCM phát triển chưa xứng tầm

Hội tụ các điều kiện thuận lợi để tiếp tục bứt phá, tăng trưởng nhanh và bền vững, nhưng ngành logistics TP Hồ Chí Minh vẫn chưa phát huy được hết các tiềm năng để phù hợp với xu thế phát triển.
 Đi tìm lý do ngành logistics TP.HCM phát triển chưa xứng tầm ảnh 1Kho bãi chứa container tại Cảng Cát Lái, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Logistics là ngành dịch vụ quan trọng trong việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho doanh nghiệp, người tiêu dùng. Đây là một trong những "mắt xích" không thể thiếu trong guồng quay của nền kinh tế.

Thành phố Hồ Chí Minh gắn liền với 7 tỉnh, thành phố trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và được định hướng trở thành đầu mối giao thông kết nối khu vực Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ, với khu vực và quốc tế.

Chính vì vậy, thành phố chủ trương phát triển ngành logistics hội nhập, hiện đại, trở thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, hạ tầng giao thông vận tải.

Lợi thế phát triển logistics

Theo đánh giá của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, không chỉ là thị trường tiêu thụ lớn nhất nước, Thành phố Hồ Chí Minh còn là trung tâm phân phối, cung ứng hàng hóa lớn nhất phía Nam.

Nằm giữa các trục đường bộ Đông-Tây, Bắc-Nam cùng với hệ thống hải cảng lớn như Cát Lái, Hiệp Phước, Bến Nghé, Tân Thuận... nên hầu hết hàng hóa giao thương giữa các tỉnh/thành hàng hóa xuất nhập khẩu ở khu vực phía Nam đều đi qua Thành phố Hồ Chí Minh.

[Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam]

Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh còn nằm cạnh các tuyến hàng hải trọng yếu trên biển đông, nơi mỗi năm có trên 140.000 lượt tàu trọng tải trên 100.000 tấn đi qua, vừa có "hậu phương" đất liền thuận lợi, có thể kết nối lưu chuyển hàng hóa đa phương thức với nhiều nước.

Không chỉ có thế mạnh về vị trí địa lý, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã định hình được hướng đi và đang tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của ngành như tập trung hình thành hệ thống trung tâm logistics theo tiêu chuẩn quốc tế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao...

Theo Đề án Phát triển Logistics Thành phố Hồ Chí Minh đến 2025 và tầm nhìn 2030 của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, căn cứ vào nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa trong khu vực và xuất nhập khẩu, đồng thời trên cơ sở rà soát nguồn quỹ đất hiện có trên địa bàn, Thành phố Hồ Chí Minh cần có 7 trung tâm logistics đạt chuẩn.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp thành phố đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030.

Bên cạnh đó, tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP thành phố đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%, góp phần kéo giảm chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn khoảng 10-15%.

Hội tụ các điều kiện thuận lợi để tiếp tục bứt phá, tăng trưởng nhanh và bền vững, nhưng ngành logistics vẫn chưa phát huy được hết các tiềm năng để phù hợp với xu thế phát triển.

Điểm nghẽn

Hai điểm nghẽn lớn được xác định đang cản trở ngành logistics Thành phố Hồ Chí Minh là hạ tầng logistics và việc phát triển nguồn nhân lực.

Thực tế hiện nay cho thấy hệ thống đường bộ, đặc biệt hệ thống đường vành đai 2,3,4 chưa hoàn chỉnh; thường tắc nghẽn các tuyến đường bộ đến cảng Cát Lái, ICD (cảng cạn) Trường Thọ.

Đặc biệt, hệ thống đường giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của thành phố.

Những tuyến đường vành đai kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Đông-Tây Nam Bộ triển khai còn chậm dẫn đến hoạt động giao thương chưa tương xứng với tiềm năng khu vực phía Nam.

Tuyến Bắc-Nam kết nối kém với cảng biển, cảng hàng không; sản lượng thấp; tiêu chuẩn kỹ thuật lạc hậu; thiếu vốn đầu tư nâng cấp, chuyển đổi.

Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, các ga hàng không đã hết công suất và chưa phát triển theo mô hình ga cảng hàng không nối dài.

Trong khi giao thông đường bộ chưa đáp ứng kết nối cảng với các khu công nghiệp, nơi sản xuất, kho hàng, thì vận tải đa phương thức chưa thể phát huy hiệu quả, vì thiếu kết nối giữa các phương thức giao thông khác như hàng không, đường sắt, đường bộ và đường thủy. Việc đầu tư các phương thức này lại đang thiếu đồng bộ, không theo kịp quy hoạch.

Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 1.505 nhà kho, đa số đều có diện tích nhỏ, xu hướng kho thu hẹp và chuyển dịch sang các tỉnh lân cận.

Hệ thống kho lạnh trên địa bàn thành phố cũng chưa phát triển, ít người đầu tư, kinh doanh... trong khi nhu cầu kho lạnh khá cao, dẫn đến khó thuê được kho lạnh và cước lưu kho cao.

Hoạt động vận tải vốn là mắt xích quan trọng trong lưu thông hàng hóa, tác động trực tiếp đến hiệu quả của logistics đối với hoạt động xuất nhập khẩu lẫn thương mại điện tử.

Nhưng Thành phố Hồ Chí Minh chưa có trung tâm logistics đáp ứng đầy đủ tiêu chí theo Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 03/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến 2020, định hướng đến năm 2030.

Đối với việc phát triển nguồn nhân lực, Thành phố Hồ Chí Minh là nơi tập trung đến 54% tổng số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp của cả nước nên thành phố là môi trường hành nghề logistics lớn nhất nước, cung cấp nhân lực logistics cho nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tuy nhiên, kết quả đánh giá về hiện trạng công tác đào tạo thì mối liên kết giữa hệ thống trường đào tạo với doanh nghiệp logsitics còn chưa chặt chẽ, thiếu sự tương tác, kết nối để nắm bắt nhu cầu từ đào tạo đến đầu ra phục vụ cho ngành.

Để logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn

Tại tọa đàm về tiềm năng và cơ hội phát triển ngành logistics Thành phố Hồ Chí Minh do Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào chiều 13/4, bà Đặng Minh Phương, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết năm 2022 và quý 1/2023 vận tải kho bãi là một trong những ngành dịch vụ có mức tăng trưởng âm, phản ánh khó khăn chung của kinh tế và của các doanh nghiệp ngành logistics.

 Đi tìm lý do ngành logistics TP.HCM phát triển chưa xứng tầm ảnh 2Cảng Phước Long ICD, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Theo bà Đặng Minh Phương, để cải thiện hoạt động logistics, cần đẩy mạnh hạ tầng kết nối thông qua quy hoạch các tuyến cao tốc, quốc lộ, hệ thống ICD, cụm cảng, bến thủy nội địa, các tuyến đường giao thông kết nối cảng với các khu công nghiệp.

Ngoài ra, việc kết nối hạ tầng vùng là một bài toán khó, đòi hỏi các địa phương trong vùng phải cùng chung tay, phát huy tiềm lực của mỗi địa phương mình và cùng nhau đóng góp các sáng kiến nhằm hoàn thiện, thúc đẩy hoạt động logistics vùng phát triển.

Cần có chính sách phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng, trong đó tập trung phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, đường vành đai.

Đồng thời, cần tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không, tạo thuận lợi hơn nữa cho dịch vụ logictics phát triển, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Với tiềm năng phát triển dịch vụ cảng biển và logistics, Thành phố Hồ Chí Minh cần hình thành các doanh nghiệp dịch vụ logistics đầu tàu, ứng dụng các công nghệ mới trong hoạt động logistics.

Hiện nay, quá trình chuyển đổi số ở các cơ quan nhà nước cũng giúp các thủ tục hành chính về logistics đơn giản, nhanh chóng.

Thực tế đó cho thấy các doanh nghiệp dịch vụ logistics cần thiết phải có những giải pháp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics nhằm khẳng định vị thế của mình trên thị trường trong và ngoài nước.

Các chuyên gia cho rằng công nghệ số sẽ giúp ngành logistics vượt qua các thách thức bằng cách tối ưu hóa quy trình, giao tiếp từ đầu đến cuối, quản lý chuỗi cung ứng, cải thiện trải nghiệm của khách hàng và kiểm soát chi phí.

Không chỉ cần hợp tác vùng, Thành phố Hồ Chí Minh còn cần đẩy mạnh các hoạt động liên doanh, liên kết, hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ.

Thành phố cần học hỏi phương pháp quản lý tiên tiến của các nước có ngành logistics phát triển nhằm tận dụng công nghệ, nguồn vốn cũng như thị trường để đẩy mạnh phát triển ngành logistics khu vực và trong nước phát triển.

Đặc biệt, cần chú trọng trong lĩnh vực đào tạo, logistics số, logistics thương mại điện tử... nhằm nâng cao năng lực, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh và làm chủ một số chuỗi giá trị của doanh nghiệp trong lĩnh vực này thời gian tới.

Để giải bài toán về nguồn nhân lực, Thành phố Hồ Chí Minh xác định hai nhiệm vụ chiến lược.

Thứ nhất là đẩy nhanh đào tạo ngắn hạn cho doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ nhằm bổ sung lượng lao động đang thiếu hụt.

Thứ hai là tập trung đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu để có được đội ngũ và chất lượng nguồn nhân lực ngang bằng trình độ quốc tế. Các doanh nghiệp logistics phải chú trọng huấn luyện đội ngũ quản lý có năng lực.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh liên kết với các tỉnh để đào tạo lao động./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục