Đi tìm lời giải về nguyên nhân xuất hiện các cơn hoảng loạn

Cơn hoảng loạn xảy ra một cách bất ngờ khi không có một mối đe dọa hoặc mối nguy hiểm nào rõ ràng xuất hiện. Trong một số trường hợp, bạn có thể nhầm lẫn các triệu chứng của nó với cơn đau tim.
Đi tìm lời giải về nguyên nhân xuất hiện các cơn hoảng loạn ảnh 1Cơn hoảng loạn xảy ra một cách bất ngờ khi không có một mối đe dọa hoặc mối nguy hiểm nào rõ ràng xuất hiện. (Nguồn: Pennstatehealthnews)

Debra Low đã trải qua những cơn hoảng loạn khi cô bắt đầu đi làm. Vào thời điểm đó, cô không biết những “trải nghiệm mãnh liệt” đó là gì: tim bắt đầu đập thình thịch, lồng ngực thắt lại và đầu óc quay cuồng hoặc trở nên trống rỗng.

Cô cũng cảm thấy khó thở và bị thôi thúc với ý nghĩ phải rời ngay khỏi nơi bản thân đang hiện diện.

Người phụ nữ 34 tuổi sống ở Singapore chia sẻ: “Tôi cảm thấy như mình sắp mất trí. Tôi từng có quãng thời gian phải kìm nén cảm xúc hoặc gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc của mình. Tôi nhớ lại giai đoạn cực kỳ tồi tệ đó. Khi ấy, tôi không thể thở bình thường và nghĩ rằng tính mạng của mình đang gặp nguy hiểm. Sau đó, tôi phải đến bệnh viện để được giúp đỡ.”

Đến năm 2016, Low mới tìm ra lý do đứng đằng sau những cơn hoảng loạn của mình. “Lúc ấy tôi chỉ mới bắt đầu làm việc tại một công ty đa quốc gia. Công việc nhiều và áp lực. Có những vấn đề tôi không thể giải quyết được," cô nhớ lại. “Một hôm, tôi đang ngồi trước máy tính để làm việc nhưng không nghĩ được gì cả. Đó chỉ là một vấn đề đơn giản nhưng đầu óc tôi trống rỗng. Sự việc đó chính là giọt nước tràn ly."

[LHQ kêu gọi thế giới ưu tiên giải quyết khủng hoảng sức khỏe tâm thần]

Low tìm gặp bác sỹ tâm lý. Họ chẩn đoán cô mắc chứng trầm cảm, lo lắng và rối loạn điều chỉnh.

Họ giải thích rằng những cơn hoảng loạn của cô được kích hoạt bởi sự căng thẳng tột độ trong công việc và những sự cố liên quan đến sang chấn mà cô đã trải qua thời thơ ấu. Ngủ không đủ giấc cũng là một tác nhân khác.

Bác sỹ khuyên cô nên bình tĩnh và tìm một công việc phù hợp hơn với mình. Cô cũng được kê đơn thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), một loại thuốc chống trầm cảm làm tăng mức độ serotonin, một chất hóa học “dễ chịu” có ảnh hưởng tích cực đến tâm trạng, cảm xúc và giấc ngủ.

Để tích cực điều trị bệnh, Low đã xin nghỉ phép và tạm dừng làm việc một thời gian.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, vào năm 2019, có khoảng 301 triệu người phải sống chung với chứng rối loạn lo âu. Có nhiều loại rối loạn lo âu, gồm các cơn hoảng loạn.

Cơn hoảng loạn là gì?

Cơn hoảng loạn (panic attack) là 1 cơn sợ hãi hoặc lo sợ dữ dội xuất hiện đột ngột, đạt đỉnh trong vòng vài phút, có lúc kéo dài đến vài giờ. Trong cơn hoảng loạn, bệnh nhân có ít nhất 4 trong 13 triệu chứng sau: đánh trống ngực, tim đập mạnh hoặc nhịp tim tăng nhanh; đổ mồ hôi; run hoặc rung lắc tay chân; cảm giác khó thở hoặc ngột ngạt; cảm giác nghẹt thở; đau hoặc khó chịu ở ngực; buồn nôn hoặc chướng bụng; cảm thấy choáng váng, loạng choạng, đầu óc quay cuồng hoặc ngất xỉu; cảm giác nóng hoặc ớn lạnh; dị cảm (cảm giác tê hoặc kiến bò); tri giác sai thực tại hoặc giải thể nhân cách; sợ mất kiểm soát hoặc “sợ phát điên”; sợ chết.

Cơn hoảng loạn xảy ra một cách bất ngờ khi không có một mối đe dọa hoặc mối nguy hiểm nào rõ ràng xuất hiện. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể nhầm lẫn các triệu chứng của cơn hoảng loạn với triệu chứng của cơn đau tim.

Nếu không được điều trị, cơn hoảng loạn sẽ khiến cho bệnh nhân sợ hãi những nơi công cộng, do các cơn hoảng loạn tái đi tái lại ở những nơi này. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy bệnh nhân mắc chứng rối loạn hoảng loạn.

Một số dấu hiệu cho thấy người ta có thể bị rối loạn hoảng loạn là: họ thường xuyên trải qua các cơn hoảng loạn. Họ cũng đang phải thay đổi lối sống hoặc hành vi do sợ phải trải qua một cơn hoảng loạn nữa. Ngoài ra, họ cũng lo lắng về việc sẽ rơi vào một cơn hoảng loạn.

Trên thế giới, có 35-50% người trưởng thành sẽ trải qua cơn hoảng loạn vào một thời điểm nào đó trong đời. Thường gặp ở nữ hơn nam nhưng đặc điểm lâm sàng của cơn hoảng loạn không có sự khác biệt giữa hai giới.

Cơn hoảng loạn có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở tuổi trưởng thành và trung niên, tuổi trung bình khởi phát cơn là 22-23 tuổi, ít gặp ở trẻ em và người già.

Hãy điều trị khi có dấu hiệu

Tiến sỹ Lim Boon Leng, bác sỹ tâm lý tại Singapore, cho biết cơn hoảng loạn có thể đến và thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, bất kể tuổi tác, giới tính và xuất thân. Các yếu tố như tiền sử gia đình mắc chứng rối loạn lo âu, từng bị lạm dụng thể chất hoặc tình dục trong quá khứ, hoặc các sự kiện đau thương có thể làm tăng tính nhạy cảm.

Phụ nữ dễ bị rối loạn lo âu và có nhiều khả năng lên cơn hoảng loạn hơn.

Một cơn hoảng loạn sẽ khiến chúng ta có cảm giác như thế nào? Lim miêu rả rằng nó như một sự dâng trào đột ngột của nỗi sợ hãi hoặc cảm giác khó chịu, thường đạt đến đỉnh điểm trong vòng vài phút. Nhiều người nghĩ rằng họ đang bị đau tim hoặc đột quỵ hoặc họ sắp ngất xỉu.

Đi tìm lời giải về nguyên nhân xuất hiện các cơn hoảng loạn ảnh 2Trong một số trường hợp, bạn có thể nhầm lẫn các triệu chứng của cơn hoảng loạn với triệu chứng của cơn đau tim. (Nguồn: Eastidahonews)

Ông lưu ý rằng cơn hoảng loạn khác với rối loại lo âu. “Cơn hoảng loạn là một thuật ngữ tâm thần chính thức và có một định nghĩa cụ thể. Nó phải đi kèm với một số triệu chứng thể chất cũng như các khía cạnh nhận thức tiêu cực,” ông nói.

Rối loại lo âu là một thuật ngữ chung chung thường được sử dụng để mô tả phản ứng đối với căng thẳng hoặc các mối đe dọa nhận thức, phát triển dần dần và thường không đạt đến cường độ giống như một cuộc cơn hoảng loạn.

Không giống như chứng ám ảnh sợ hãi, các cơn hoảng loạn không có tác nhân bên ngoài, trong đó một người sợ hãi một cách phi lý và cứ thế thúc đẩy sự lo lắng.

Lim cho biết thêm: “Có thể có những tác nhân bên trong gây ra các cơn hoảng loạn. “Những người trải qua cơn hoảng loạn có xu hướng cảnh giác cao với những thay đổi thể chất trong cơ thể họ, chẳng hạn như nhịp tim hoặc nhịp thở.

Ví dụ, khi nhận thấy nhịp tim tăng lên - có thể là một thay đổi khá bình thường - não của họ vẫn sẽ gửi đi một tín hiệu nguy hiểm và khiến họ bắt đầu lo lắng về việc bị đau tim. Từ đây một cơn hoảng loạn sẽ được kích hoạt.

Trợ giúp chống hoảng loạn là điều cần thiết. Lim nói rằng bệnh nhân nên tìm kiếm các biện pháp điều trị hoặc tư vấn chuyên nghiệp. Họ có thể sử dụng các loại thuốc kê đơn, chẳng hạn như thuốc nhóm SSRI (gồm các thuốc như sertraline, paroxetine, fluoxetine, citalopram...), hoặc thuốc benzodiazepin giúp làm dịu hoặc an thần bằng cách tăng mức độ chất Gaba trong não.

Gaba là chất dẫn truyền thần kinh có tác dụng an thần. Nó sẽ làm chậm hoạt động trong não và giảm triệu chứng lo âu.

Trong khi đó, các loại thuốc benzodiazepin phổ biến bao gồm diazepam (Valium) và alprazolam (Xanax).

"Nếu ai đó mà bạn quen đang phải chịu đựng cơn hoảng loạn, hãy thể hiện sự ủng hộ và đồng cảm với họ," Lim nói.

Low vượt qua cơn hoảng loạn như thế nào?

Quay trở lại với câu chuyện của Low, trị liệu đã giúp cô hiểu được các yếu tố kích hoạt cơn hoảng loạn, và đã quản lý tốt hơn các cơn hoảng loạn đó.

Khi cảm thấy một cơn hoảng loạn sắp xuất hiện, cô sẽ tập trung điều chỉnh hơi thở của mình.

Ngoài ra, cô còn tập thiền, tự hỏi bản thân những câu hỏi như “tại sao mình lại phản ứng theo cách thức này?”

Đi tìm lời giải về nguyên nhân xuất hiện các cơn hoảng loạn ảnh 3Dành thời gian cho thiên nhiên, đi dạo giúp Debra Low giảm căng thẳng. (Nguồn: Jan Kok)

Dành thời gian cho thiên nhiên, đi dạo và vẽ tranh đều giúp Low giảm căng thẳng.

“Tôi đã đọc về các cơ chế đối phó và tiếp tục rèn luyện tư duy của mình để có thể đối phó tốt hơn với cơn hoảng loạn sắp xảy ra," cô chia sẻ. “Tôi vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng việc nhận ra các yếu tố kích hoạt, chú ý đến các triệu chứng và thực hành các chiến lược đối phó đã giúp ích rất nhiều cho quá trình hồi phục của bản thân”.

Khoảng 15% dân số Việt Nam mắc các rối loạn tâm thần

Theo một thống kê năm 2019, Việt Nam có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần liên quan tới stress, đặc biệt tỷ lệ này ngày càng cao trong cộng đồng.

Tiến sỹ Dương Minh Tâm, Trưởng phòng điều trị các rối loạn liên quan đến stress, Viện sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), phân tích hiện nay rất nhiều người bị mắc stress do các nguyên nhân khác nhau, có thể là sức ép trong công việc, học tập, thất vọng trong sự nghiệp, mâu thuẫn trong gia đình, xã hội…

Các rối loạn bệnh có liên quan đến stress như lo âu, ám ảnh, hoảng sợ, lo âu lan toả, rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm…

Bên cạnh đó, rối loạn tình dục, giấc ngủ, rối loại ăn uống đều liên quan tới tâm thần. Nhiều ca sỹ, diễn viên nổi tiếng cũng gặp các sự cố về sức khỏe tâm thần mà căn nguyên gốc liên quan đến stress.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: "Năm 2019, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính cứ 8 người thì có 1 người đang sống chung với rối loạn tâm thần. Ở các nước có thu nhập thấp, hơn 75% rối loạn tâm thần không được điều trị."

Hàng năm, gần 3 triệu người chết do lạm dụng chất kích thích. Cứ sau 40 giây lại có một người chết do tự sát. Khoảng 50% các rối loạn tâm thần bắt đầu từ năm 14 tuổi.

Tình hình ngày càng tồi tệ hơn khi thế giới trải qua đại dịch COVID-19. Nó đã gây ra cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu, làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng ngắn và dài hạn, phá hủy sức khỏe tâm thần của hàng triệu người.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), ở Việt Nam hiện nay chủ yếu chuyên khoa tâm thần (ở các bệnh viện tuyến Trung ương và tỉnh) cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Cả nước hiện có 43 bệnh viện tâm thần hoặc có chuyên khoa tâm thần. Các trạm y tế xã phường chủ yếu thực hiện khám bệnh, kê đơn điều trị theo các chỉ định của tuyến trên. Hơn thế nữa trị liệu chủ yếu là dùng thuốc. Tâm lý trị liệu và các biện pháp không dùng thuốc chưa được phát triển đầy đủ.

Đề cập tới giải pháp để xây dựng hệ thống điều trị tốt hơn, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị cần đẩy nhanh việc xây dựng các văn bản luật pháp, chính sách, hướng dẫn chuyên môn để tăng cường chăm sóc sức khỏe tâm thần bao gồm cả chuyên khoa sâu và chăm sóc sức khỏe tâm thần cơ bản trong các cơ sở y tế khác và tại cộng đồng, cả chữa trị bằng thuốc và không bằng thuốc.

Đối với người dân, cần tăng cường nhận thức về sức khỏa tâm thần để tự chăm sóc cho mình, cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp.

"Ai cũng có thể mắc rối loạn tâm thần, ít nhất là ở một giai đoạn, thời điểm nào đó của cuộc đời," Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, đồng thời cho rằng không nên có sự kỳ thị đối với người rối loạn tâm thần. Bên cạnh đó cần thực hiện lối sống lành mạnh, có chế độ làm việc, học tập và nghỉ ngơi phù hợp, tự theo dõi sức khỏe và có những sẻ chia với mọi người xung quanh./.

6 lời khuyên để đối phó với một cơn hoảng loạn:
1. Tập trung hít thở sâu và chậm.
2. Tự “tiếp đất” bằng cách chạm vào các đồ vật ở gần và tập trung vào kết cấu của chúng.
3. Nhắc nhở bản thân rằng cơn hoảng loạn chỉ là tạm thời và sẽ qua đi.
4. Lặp lại một cụm từ an ủi bạn.
5. Chuyển sự chú ý của bạn đến các mùi, hình ảnh và âm thanh khác nhau.
6. Điều này tương tự như số 1, nhưng cần thực hành trước. Học cách thở bằng bụng: hít vào chậm và sâu bằng mũi, cảm thấy bụng của bạn chứa đầy không khí và phồng lên như một quả bóng, sau đó từ từ và nhẹ nhàng thở ra qua đôi môi mím lại, như thể bạn đang thổi bong bóng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục