Một bản nhỏ của huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình chỉ với mấy chục nóc nhà nhưng vào thời gian cao điểm, quá nửa trong số này phải gánh chịu tai ương bệnh tật. Nhiều lời đồn đại về mó nước (mạch nước) hại người đã được đưa ra nhưng đến nay, tất cả vẫn chỉ là nghi vấn.
Trong thời gian chờ một câu trả lời từ phía cơ quan chức năng, nhiều cảnh đau lòng vẫn cứ day dứt không thôi nơi góc rừng Tây Bắc.
Bài 1: Lời nguyền mó nước và nỗi cô đơn giữa đất bằng
Trời bắt đầu chập choạng tối. Ánh sáng cuối ngày khẽ hắt qua đỉnh ngọn đồi xa xa rồi vụt tắt. Ngồi trước cửa căn nhà mái bằng đã bám đầy rêu, Lò Văn Điều cứ thở dài mãi không dứt. Bên trái nhà sàn sau lưng, người em trai của Điều lại bắt đầu trái tính, gào khóc, chửi bới như 10 năm nay anh vẫn thế.
Nhìn vào gã đàn ông đã ngoại tứ tuần bần thần trước mặt, chúng tôi mới thấm thía nỗi đau của những căn bệnh lạ hàng chục năm nay vẫn chùm kín cuộc đời của cái bản Vắt (xã Đồng Bảng, Mai Châu, Hòa Bình) nhỏ bé này.
Người đàn ông mười năm nổi điên trong cũi
Trước khi lên đường vào bản Vắt, chúng tôi đã được nghe rất nhiều lời đồn đại về một bản mà đến quá nửa nóc nhà có người mắc các chứng bệnh câm điếc, mù lòa, thần kinh.
Câu chuyện chúng tôi được nghe kể nhiều nhất là, ở trung tâm bản, có một mó nước rất lạ. Không biết chảy đến từ nơi nào, nhưng nước trong mó quanh năm trong vắt, mùa đông thì ấm, mùa hè lại mát. Theo lời đồn đại, cũng chính con nước ấy là nguyên nhân dẫn đến những căn bệnh quái ác hơn chục năm vẫn hoành hành trong bản. Từng có bà thầy bói đi ngang phán rằng, dân bản đang phạm vào long mạch, rằng nơi con mó chảy qua phạm vào thế “đuôi rồng”...
Chủ nhiệm hợp tác xã xã Đồng Bảng nghe những lời đồn ấy qua miệng những người khách lạ thì khẽ thở dài, đôi mắt vẫn hướng về căn nhà sàn nhỏ sau vườn. Lò Văn Điều, ngồi tư lự, bảo: “Đã bao năm, dân bản uống nước trong mó, tắm giặt và lớn lên cùng cái mó nước ấy nhưng có khi bệnh cũng từ đây mà ra cả.”
Nói đoạn, Điều chỉ tay vào căn nhà sàn trống huếch hoác sau vườn mà rằng, chính người em trai ruột của anh cũng bị nhốt trong cũi gỗ vì bệnh tâm thần.
Anh Lò Văn Suất, năm nay mới 33 tuổi đời nhưng đã có 10 năm trời oằn mình gánh “lời nguyền bản Vắt.” Dẫn chúng tôi lên căn nhà Suất ở, Điều cứ dặn mãi, tuyệt đối hai nhà báo không được đến gần. Bởi cứ thấy người lạ, Suất sẽ lại giận dữ, chửi bới không thôi.
Căn nhà tranh tối tranh sáng nằm hút sâu trong mảnh vườn đầy đá sỏi. Mẹ của Suất, cụ Lò Thị Tuyết, ngồi dựa vào cánh cửa bếp, lẳng lặng nhìn vào gian trong, nơi đứa con út vẫn đang vật lộn với những ảo tưởng của riêng mình. Tấm liếp che sơ sài được Điều dỡ ra. Một cảnh tượng thương tâm chưa từng thấy đập vào mắt những kẻ đường xa.
Trong trái nhà rộng chỉ chừng 10 m2 trống không chỉ chình ình một chiếc cũi gỗ lớn đã xỉn màu. Bên trong, gã đàn ông trung tuổi, đầu tóc rối bù, mắt vằn đỏ, người quấn trong chiếc chăn bộ đội cũ kỹ đang thu lu ngồi… chửi. Hết chửi người anh trai đã dám nhốt gã lại quàng sang chửi đời. Chưa đã mồm, gã lại chửi thẳng người đã sinh ra gã.
Nghe những lời này, cụ Tuyết cúi gằm mặt, những nếp nhăn ép lại. Cụ bảo, trước khi phát bệnh, Suất đã có thời gian dài làm trong Đoàn thanh niên xã. Căn nhà sàn thênh thang này cũng là từ công sức của Suất mà ra.
Nhưng một ngày nọ, tai họa bỗng dưng ập đến. Cụ Tuyết vẫn không sao quên được ngày Suất vùng vằng, bất thần kề dao vào cổ cụ. Nức nở trong tiếng hờ khan, cụ bảo: “Lúc đấy, nó không còn nhận ra ai với ai nữa. Cứ cầm dao rừng dọa hết người này đến người khác, chỉ khi đêm về mới chịu yên.”
Đau khổ hơn, người vợ sắp cưới của Suất cũng hốt hoảng bỏ đi lấy chồng.
Để ngăn không cho em trai phá phách, năm 2000, Lò Văn Điều đã đóng một cãi cũi lớn, cao ngang thân người để nhốt Suất vào. Từ đó đến nay, Suất chỉ biết ngồi khom mình trong lòng cũi gỗ. Mọi việc vệ sinh đều diễn ra trong lòng cũi gỗ. Ngày ngày, chỉ người mẹ lưng còng gập mới dám lại gần, mang cơm ăn, nước uống cho con.
Đèn máy ảnh vụt lóe lên trong căn phòng nhốt Suất. Gã đàn ông người Mường giật mình, lồng lộn trong cũi. Chúng tôi chia tay gã trong một tràng chửi dài không dứt.
Trở thành ốc đảo vì tin đồn
Vừa dẫn đường cho chúng tôi, Lò Văn Điều vừa thở dài thườn thượt. Anh bảo, không chỉ Suất, từ rất lâu, nhiều người dân khác của bản Vắt cũng phải gồng mình gánh bệnh vì sử dụng nước ở mó.
Chúng tôi ghé thăm gia đình anh Vì Văn Thến. Nhà anh Thến có bà mẹ già năm nay 82 tuổi bị mù cách đây 10 năm.
Bản thân Thến lại bị liệt nửa người bẩm sinh. Mỗi khi trái nắng trở trời, Thến lại đau nhức khắp người, không làm gì được. Toàn bộ cuộc sống của hai mẹ con trông chờ vào những buổi đi nương lúc có lúc không của Thến.
Gia cảnh nhà Thến bi đát là vậy nhưng có lẽ chưa thấm vào đâu so với gia đình chị Lò Thị Nguyệt. Trong căn nhà lá tuyềnh toàng dột nát giờ chỉ còn mình chị. Năm 1990 bố chị, ông Hà Văn Xường tự nhiên bị bại liệt. Chán chường ông tìm đến cái chết bằng cách tự tử. Ba năm sau đến lượt người mẹ tội nghiệp của chị cũng qua đời. Tưởng như nhà còn hai chị em nương tựa vào nhau thì đầu năm 2004 người em trai Lò Văn Khôi vừa mới nhập ngũ được mấy tháng bỗng phát bệnh thần kinh, không lâu sau cũng chết.
Vào thời gian cao điểm, trong số 40 nóc nhà bản Vắt thì đã có đến 21 gia đình hứng chịu “lời nguyền” bệnh tật. Có những nhà, cả mấy thế hệ đều mắc các chứng bệnh khác nhau.
Người dân bắt đầu tin vào việc mó nước mình dùng hàng ngày thực sự có vấn đề và dần chuyển ra khỏi vùng bản cũ. Nhưng, dù đã chuyển ra cách xa mó và dùng giếng khoan, nỗi sợ hãi vẫn không thôi ám ảnh họ. Còn đối với những người kiên tâm bám trụ, họ vẫn phải sống dựa vào nguồn nước duy nhất này.
Điều đau đớn nhất, những lời đồn đại đã vô tình đẩy cả bản Vắt trở thành một ốc đảo giữa đất bằng. Ngay hôm đầu chúng tôi vào bản, khi hỏi về chuyện mó nước, tất cả mọi người đều giấu. Họ bảo, hầu hết những trường hợp bị bệnh trước đây đều là dân chuyển từ nơi khác đến.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch xã Đồng Bảng, Vì Văn Lương, sở dĩ người dân giấu vì sợ không ai dám đến làng, thanh niên lớn lên không ai dám lấy. Vùng Bản Vắt cũ bỗng dưng bị cô lập, dù chỉ nằm cách quốc lộ 6 chừng vài trăm mét. Tiếng đồn bản điên, bản dị tật khiến cho người trong bản đi đâu cũng bị dính tiếng xấu. Nhiều người, đến độ tuổi trưởng thành như chị Lò Thị Nguyệt, nhưng chỉ vì nhà có ba người tử vong vì bệnh tật nên không ai dám hỏi.
Cả bản, cứ như thế, nhiều năm nay chìm dần vào trong màn sương phủ của một lời nguyền từ mó nước. Trong buổi làm việc với chủ tịch xã Vì Văn Lương, ông Lương khẳng định, trước đây đã từng có một đoàn kiểm tra của tỉnh về lấy mẫu nước. Tuy nhiên cho đến tận thời điểm này, xã vẫn chưa nhận được câu trả lời nào.
Câu chuyện về mó nước bản Vắt lại chuyển sang một đoạn trường mới...
Bài 2: Loay hoay đi tìm lời giải cho bệnh lạ
Trong thời gian chờ một câu trả lời từ phía cơ quan chức năng, nhiều cảnh đau lòng vẫn cứ day dứt không thôi nơi góc rừng Tây Bắc.
Bài 1: Lời nguyền mó nước và nỗi cô đơn giữa đất bằng
Trời bắt đầu chập choạng tối. Ánh sáng cuối ngày khẽ hắt qua đỉnh ngọn đồi xa xa rồi vụt tắt. Ngồi trước cửa căn nhà mái bằng đã bám đầy rêu, Lò Văn Điều cứ thở dài mãi không dứt. Bên trái nhà sàn sau lưng, người em trai của Điều lại bắt đầu trái tính, gào khóc, chửi bới như 10 năm nay anh vẫn thế.
Nhìn vào gã đàn ông đã ngoại tứ tuần bần thần trước mặt, chúng tôi mới thấm thía nỗi đau của những căn bệnh lạ hàng chục năm nay vẫn chùm kín cuộc đời của cái bản Vắt (xã Đồng Bảng, Mai Châu, Hòa Bình) nhỏ bé này.
Người đàn ông mười năm nổi điên trong cũi
Trước khi lên đường vào bản Vắt, chúng tôi đã được nghe rất nhiều lời đồn đại về một bản mà đến quá nửa nóc nhà có người mắc các chứng bệnh câm điếc, mù lòa, thần kinh.
Câu chuyện chúng tôi được nghe kể nhiều nhất là, ở trung tâm bản, có một mó nước rất lạ. Không biết chảy đến từ nơi nào, nhưng nước trong mó quanh năm trong vắt, mùa đông thì ấm, mùa hè lại mát. Theo lời đồn đại, cũng chính con nước ấy là nguyên nhân dẫn đến những căn bệnh quái ác hơn chục năm vẫn hoành hành trong bản. Từng có bà thầy bói đi ngang phán rằng, dân bản đang phạm vào long mạch, rằng nơi con mó chảy qua phạm vào thế “đuôi rồng”...
Chủ nhiệm hợp tác xã xã Đồng Bảng nghe những lời đồn ấy qua miệng những người khách lạ thì khẽ thở dài, đôi mắt vẫn hướng về căn nhà sàn nhỏ sau vườn. Lò Văn Điều, ngồi tư lự, bảo: “Đã bao năm, dân bản uống nước trong mó, tắm giặt và lớn lên cùng cái mó nước ấy nhưng có khi bệnh cũng từ đây mà ra cả.”
Nói đoạn, Điều chỉ tay vào căn nhà sàn trống huếch hoác sau vườn mà rằng, chính người em trai ruột của anh cũng bị nhốt trong cũi gỗ vì bệnh tâm thần.
Anh Lò Văn Suất, năm nay mới 33 tuổi đời nhưng đã có 10 năm trời oằn mình gánh “lời nguyền bản Vắt.” Dẫn chúng tôi lên căn nhà Suất ở, Điều cứ dặn mãi, tuyệt đối hai nhà báo không được đến gần. Bởi cứ thấy người lạ, Suất sẽ lại giận dữ, chửi bới không thôi.
Căn nhà tranh tối tranh sáng nằm hút sâu trong mảnh vườn đầy đá sỏi. Mẹ của Suất, cụ Lò Thị Tuyết, ngồi dựa vào cánh cửa bếp, lẳng lặng nhìn vào gian trong, nơi đứa con út vẫn đang vật lộn với những ảo tưởng của riêng mình. Tấm liếp che sơ sài được Điều dỡ ra. Một cảnh tượng thương tâm chưa từng thấy đập vào mắt những kẻ đường xa.
Trong trái nhà rộng chỉ chừng 10 m2 trống không chỉ chình ình một chiếc cũi gỗ lớn đã xỉn màu. Bên trong, gã đàn ông trung tuổi, đầu tóc rối bù, mắt vằn đỏ, người quấn trong chiếc chăn bộ đội cũ kỹ đang thu lu ngồi… chửi. Hết chửi người anh trai đã dám nhốt gã lại quàng sang chửi đời. Chưa đã mồm, gã lại chửi thẳng người đã sinh ra gã.
Nghe những lời này, cụ Tuyết cúi gằm mặt, những nếp nhăn ép lại. Cụ bảo, trước khi phát bệnh, Suất đã có thời gian dài làm trong Đoàn thanh niên xã. Căn nhà sàn thênh thang này cũng là từ công sức của Suất mà ra.
Nhưng một ngày nọ, tai họa bỗng dưng ập đến. Cụ Tuyết vẫn không sao quên được ngày Suất vùng vằng, bất thần kề dao vào cổ cụ. Nức nở trong tiếng hờ khan, cụ bảo: “Lúc đấy, nó không còn nhận ra ai với ai nữa. Cứ cầm dao rừng dọa hết người này đến người khác, chỉ khi đêm về mới chịu yên.”
Đau khổ hơn, người vợ sắp cưới của Suất cũng hốt hoảng bỏ đi lấy chồng.
Để ngăn không cho em trai phá phách, năm 2000, Lò Văn Điều đã đóng một cãi cũi lớn, cao ngang thân người để nhốt Suất vào. Từ đó đến nay, Suất chỉ biết ngồi khom mình trong lòng cũi gỗ. Mọi việc vệ sinh đều diễn ra trong lòng cũi gỗ. Ngày ngày, chỉ người mẹ lưng còng gập mới dám lại gần, mang cơm ăn, nước uống cho con.
Đèn máy ảnh vụt lóe lên trong căn phòng nhốt Suất. Gã đàn ông người Mường giật mình, lồng lộn trong cũi. Chúng tôi chia tay gã trong một tràng chửi dài không dứt.
Trở thành ốc đảo vì tin đồn
Vừa dẫn đường cho chúng tôi, Lò Văn Điều vừa thở dài thườn thượt. Anh bảo, không chỉ Suất, từ rất lâu, nhiều người dân khác của bản Vắt cũng phải gồng mình gánh bệnh vì sử dụng nước ở mó.
Chúng tôi ghé thăm gia đình anh Vì Văn Thến. Nhà anh Thến có bà mẹ già năm nay 82 tuổi bị mù cách đây 10 năm.
Bản thân Thến lại bị liệt nửa người bẩm sinh. Mỗi khi trái nắng trở trời, Thến lại đau nhức khắp người, không làm gì được. Toàn bộ cuộc sống của hai mẹ con trông chờ vào những buổi đi nương lúc có lúc không của Thến.
Gia cảnh nhà Thến bi đát là vậy nhưng có lẽ chưa thấm vào đâu so với gia đình chị Lò Thị Nguyệt. Trong căn nhà lá tuyềnh toàng dột nát giờ chỉ còn mình chị. Năm 1990 bố chị, ông Hà Văn Xường tự nhiên bị bại liệt. Chán chường ông tìm đến cái chết bằng cách tự tử. Ba năm sau đến lượt người mẹ tội nghiệp của chị cũng qua đời. Tưởng như nhà còn hai chị em nương tựa vào nhau thì đầu năm 2004 người em trai Lò Văn Khôi vừa mới nhập ngũ được mấy tháng bỗng phát bệnh thần kinh, không lâu sau cũng chết.
Vào thời gian cao điểm, trong số 40 nóc nhà bản Vắt thì đã có đến 21 gia đình hứng chịu “lời nguyền” bệnh tật. Có những nhà, cả mấy thế hệ đều mắc các chứng bệnh khác nhau.
Người dân bắt đầu tin vào việc mó nước mình dùng hàng ngày thực sự có vấn đề và dần chuyển ra khỏi vùng bản cũ. Nhưng, dù đã chuyển ra cách xa mó và dùng giếng khoan, nỗi sợ hãi vẫn không thôi ám ảnh họ. Còn đối với những người kiên tâm bám trụ, họ vẫn phải sống dựa vào nguồn nước duy nhất này.
Điều đau đớn nhất, những lời đồn đại đã vô tình đẩy cả bản Vắt trở thành một ốc đảo giữa đất bằng. Ngay hôm đầu chúng tôi vào bản, khi hỏi về chuyện mó nước, tất cả mọi người đều giấu. Họ bảo, hầu hết những trường hợp bị bệnh trước đây đều là dân chuyển từ nơi khác đến.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch xã Đồng Bảng, Vì Văn Lương, sở dĩ người dân giấu vì sợ không ai dám đến làng, thanh niên lớn lên không ai dám lấy. Vùng Bản Vắt cũ bỗng dưng bị cô lập, dù chỉ nằm cách quốc lộ 6 chừng vài trăm mét. Tiếng đồn bản điên, bản dị tật khiến cho người trong bản đi đâu cũng bị dính tiếng xấu. Nhiều người, đến độ tuổi trưởng thành như chị Lò Thị Nguyệt, nhưng chỉ vì nhà có ba người tử vong vì bệnh tật nên không ai dám hỏi.
Cả bản, cứ như thế, nhiều năm nay chìm dần vào trong màn sương phủ của một lời nguyền từ mó nước. Trong buổi làm việc với chủ tịch xã Vì Văn Lương, ông Lương khẳng định, trước đây đã từng có một đoàn kiểm tra của tỉnh về lấy mẫu nước. Tuy nhiên cho đến tận thời điểm này, xã vẫn chưa nhận được câu trả lời nào.
Câu chuyện về mó nước bản Vắt lại chuyển sang một đoạn trường mới...
Bài 2: Loay hoay đi tìm lời giải cho bệnh lạ
Lưu Thành (Vietnam+)