Như đã đề cập trong bài 1, việc thi công cao tốc đang để lộ ra nhiều bất cập trong thiết kế, xây dựng, do đó theo các chuyên gia, cần sớm khắc phục để hoàn thiện cũng như xây dựng tầm nhìn cho các cao tốc sau này.
Bài 2: Xây dựng tầm nhìn quy hoạch
Phát triển hạ tầng giao thông là 1 trong 3 đột phá chiến lược của Việt Nam với phương châm "giao thông đi trước mở đường" đã giúp nhiều địa phương trong cả nước phát triển kinh tế-xã hội.
Với khu vực các tỉnh phía Nam, hạ tầng giao thông với nhiều dự án nội vùng và liên vùng trên cơ sở các tuyến cao tốc, quốc lộ mới đang dần được hoàn chỉnh giúp các tỉnh khu vực phía Nam xích lại gần hơn với trung tâm kinh tế lớn là Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, sau khi hoạt động, các công trình cao tốc xảy ra nhiều bất cập như chưa mưa đã ngập, không có trạm dừng nghỉ... cần sớm khắc phục để hoàn thiện cũng như xây dựng tầm nhìn cho các cao tốc sau này.
Khi cao tốc ngập
Đi vào hoạt động từ cuối tháng 4/2023, Cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết đã rút ngắn hành trình từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các trung tâm du lịch như Mũi Né-Bình Thuận, Ninh Thuận, Nha Trang-Khánh Hòa. Ngay sau đó, vào tháng 5/2023, Cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết cũng đi vào vận hành, kết nối với Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây, tạo cho tỉnh Bình Thuận một trục giao thông hiện đại, giúp tháo gỡ điểm nghẽn về giao thông trong thời gian qua. Đồng thời, kết nối Bình Thuận với các vùng miền trong cả nước, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, ông Phan Hoàng Phương, Trưởng phòng Giao thông Đô thị và Nông thôn, Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, Chính phủ đã đầu tư cải thiện mạng lưới đường bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long với gần 187km đường cao tốc, 2.669km đường quốc lộ và 4.559km đường tỉnh.
Riêng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương, Trung Lương-Mỹ Thuận nếu được đầu tư hoàn chỉnh toàn tuyến sẽ giúp giảm áp lực cho tuyến Quốc lộ 1A, rút ngắn thời gian di chuyển từ các tỉnh miền Tây đi Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại. Từ đó, góp phần đẩy mạnh kết nối liên vùng, tạo không gian để phát triển kinh tế-xã hội cho 21 triệu người dân Đồng bằng Sông Cửu Long.
Tuy nhiên, trên các tuyến cao tốc đã xuất hiện nhiều hạn chế, bất cập. Theo đó, chỉ sau ba tháng từ khi thông xe vào cuối tháng 4/2023, những cơn mưa lớn vào cuối tháng 7/2023 đã khiến khoảng 100 m cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết đoạn qua xã Sông Phan, huyện Hàm Tân bị ngập sâu 0,7m làm giao thông ùn tắc kéo dài.
[Bất cập quy hoạch cao tốc: Lắp mảnh ghép thành hệ thống hoàn chỉnh]
Bên cạnh đó, sau khi hai đoạn Cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây đi vào hoạt động trong quý 2/2023, nhu cầu đi cao tốc từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Phan Thiết, Vĩnh Hảo tăng cao khiến tình trạng quá tải của cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây càng trở nên trầm trọng.
Cùng "cảnh ngộ" đó, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương, tuyến đường huyết mạch ở cửa ngõ phía Tây của Thành phố Hồ Chí Minh kết nối các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, cũng thường xuyên bị quá tải vào dịp Lễ, Tết.
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Long An Trần Thiện Trúc cho biết, từ năm 2019, tuyến đường dừng thu phí, lượng xe đi qua tăng khoảng 30% với hơn 50.000 lượt xe/ngày đêm khiến cao tốc hay xảy ra ùn tắc, tai nạn.
Cũng các tuyến cao tốc trọng điểm, kết nối liên vùng trên thêm một vấn đề nữa là thiếu trạm dừng nghỉ. Tính đến thời điểm hiện tại, cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết-Dầu Giây dài hơn 200km mới đi vào hoạt động nhưng không có trạm dừng nghỉ. Đi tiếp cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây đến Km 41 mới có một trạm dừng nghỉ. Như vậy, các phương tiện phải đi suốt tuyến cao tốc dài 240km mới thấy được một trạm dừng nghỉ.
Riêng Cao tốc Lộ Tẻ-Rạch Sỏi có chiều dài hơn 50km, với tổng vốn đầu tư 6.300 tỷ đồng, dù mới thông xe hơn hai năm nay, nhưng mặt đường hiện có nhiều đoạn xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến quá trình lưu thông cho các phương tiện. Đoạn hư hỏng nặng nhất là từ Quốc lộ 91 đấu nối vào Cao tốc Lộ Tẻ-Rạch Sỏi và cầu Vàm Cống với chiều dài khoảng 2 km mặt đường không còn chỗ lành để các phương tiện di chuyển.
Đề xuất phương án phù hợp
Trước tình trạng ngập úng khi có mưa lớn trên Cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết, nhằm đảm bảo tính khách quan trong tìm kiếm nguyên nhân, Ban Quản lý dự án Thăng Long và các bên liên quan thuê đơn vị tư vấn độc lập, chuyên ngành về tính toán thủy lực, thủy văn để khảo sát, làm cơ sở đề xuất phương án phù hợp.
Theo chuyên gia thủy văn-thủy lực Phó Giáo sư-Tiến sỹ Triệu Ánh Ngọc, để hạn chế những rủi ro liên quan đến ngập úng trên các tuyến cao tốc, cần phải có điều tra, khảo sát, tính toán, kiểm tra lại dòng chảy lũ trên quan điểm quản lý tổng hợp lưu vực trên toàn tuyến nhằm khắc phục các điểm đã và đang xảy ra ngập.
Vừa qua, Ban Quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông Vận tải) đã làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang và Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An về dự án đầu tư mở rộng đường bộ cao tốc đoạn Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương. Theo đó, tuyến cao tốc này sẽ được thực hiện theo hình thức đầu tư công, mở rộng thêm 4 làn xe để đạt quy mô 8 làn xe cao tốc và 2 làn dừng khẩn cấp. Dự kiến, dự án sẽ khởi công trong năm 2025 và tổ chức thi công, hoàn thành trong năm 2027.
Theo quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tại Quyết định 1454/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, thời gian tới tiếp tục tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc, đặc biệt là các trục có nhu cầu vận tải cao như: Trục Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ, trục N2 đoạn từ Cao Lãnh về Thành phố Hồ Chí Minh tạo kết nối thuận lợi vùng Đồng bằng sông Cửu Long với vùng Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh.
Về tình trạng thiếu trạm dừng nghỉ trên các tuyến Cao tốc Bắc-Nam mới đưa vào sử dụng, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các Ban quản lý dự án, trong khi chờ chọn nhà đầu tư, trước mắt sẽ nghiên cứu mở các điểm dừng nghỉ tạm.
Các điểm dừng nghỉ tạm sẽ phần nào giải quyết nhu cầu bức thiết nhất của tài xế, người dân đi cao tốc, như đi vệ sinh, dừng xe nghỉ khi mệt mỏi, nhưng có thể nó chưa được sạch đẹp, chưa có dịch vụ nào đáng kể.
Với các dự án thành phần Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn 2), rút kinh nghiệm từ triển khai giai đoạn 1, sẽ đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ cùng với triển khai dự án. Từ đó, đảm bảo khi các dự án cao tốc này đi vào khai thác sẽ có trạm dừng nghỉ đưa vào sử dụng đồng thời.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng phê duyệt quy hoạch 36 trạm dừng nghỉ trên Cao tốc Bắc-Nam phía Đông (bình quân 59km có 1 trạm dừng); trong đó, có 7 trạm dừng đã đưa vào khai thác và 2 trạm đang xây dựng; số trạm dừng còn lại (27 trạm) sẽ triển khai đấu thầu mời đầu tư trong thời gian tới./.
Bài 1: Lắp mảnh ghép thành hệ thống hoàn chỉnh
Bài 3: Những hệ lụy sau khi thi công Cao tốc Bắc-Nam đoạn qua Thanh Hóa
Bài 4: Chiến lược dài hạn và khung pháp lý cho cao tốc: Nhìn từ Nhật Bản
Bài 5: Bất cập quy hoạch cao tốc - Không chỉ tính đến hiệu quả ngắn hạn