Đi tìm hệ giá trị cơ bản 'định dạng' người Việt Nam trong thời kỳ mới

Các hệ giá trị sẽ định hướng, điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân một cách rõ ràng, tránh bị lạc lối, mất phương hướng trước sự chi phối của nhiều yếu tố trong xã hội hiện đại.
Bản sắc văn hóa truyền thống là trở thành thành trì bền vững nhất bảo vệ những giá trị Việt trước một xu thế hội nhập không thể cưỡng lại. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Một năm trước đây, ngay cả những người lạc quan nhất cũng không dám khẳng định khi nào thì dịch bệnh COVID-19 kết thúc và các hoạt động văn hóa, giải trí trở lại với đời sống.

Nay, các sự kiện âm nhạc, liên hoan nghệ thuật, giao lưu, hợp tác giữa Việt Nam và thế giới đã trở lại rầm rộ. Qua đó, chúng ta thấy rằng văn hóa không phải là một “kho tàng trong tủ kính” mà là một yếu tố chuyển động, luôn sẵn sàng giao thoa với nước ngoài.

Trong bối cảnh đó, vấn đề xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam đang được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.

Xây dựng ‘thành trì’ bảo vệ giá trị Việt

Trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến yêu cầu xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia-dân tộc.

Tròn một năm sau, Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" sẽ lại được tổ chức để nhìn lại một năm thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư và để đưa các khái niệm về hệ giá trị trở nên gần gũi hơn trong đời sống.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng hội thảo có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi việc xác định hệ giá trị văn hóa Việt Nam là một công việc vô cùng khó khăn, tuy nhiên, khó hơn nữa là việc triển khai thực thi những giá trị đó trong đời sống thực tiễn.

Hiện nay, cũng như mọi quốc gia, Việt Nam đang sống trong một thế giới mà nhiều “biên giới” đã và đang bị xóa nhòa. Bởi thế, bản sắc văn hóa truyền thống phải trở nên rõ ràng nhất, sâu sắc nhất, nhân văn nhất và phù hợp với tinh thần sống của đất nước mới trở thành năng lượng sống cho một dân tộc và trở thành "thành trì" bền vững nhất bảo vệ những giá trị Việt trước một xu thế hội nhập không thể cưỡng lại.

[Bước tiến trong tạo động lực phát huy sức mạnh nội sinh của văn hóa]

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều quan niệm rằng khi một quốc gia đánh mất bản sắc văn hóa của mình, quốc gia đó sẽ bị các lối sống và tư tưởng khác xâm lược.

Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác lập bản chất và đường đi của một nền văn hóa mới. Điều cần thiết lúc này là các tầng lớp trí thức phải có khả năng đưa tư tưởng của Nghị quyết trở thành hơi thở đời sống trong mỗi con người, mỗi gia đình và toàn đất nước.

Đó là vai trò và ý nghĩa của Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" lần này.

Phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đánh giá tầm quan trọng của hội thảo, phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội cho rằng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam, hệ giá trị gia đình Việt Nam là những hệ giá trị cơ bản để thống nhất nhận thức, định hướng phát triển văn hóa của đất nước.

Các hệ giá trị này cũng định hướng, điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân một cách rõ ràng, tránh bị lạc lối, mất phương hướng trước sự chi phối của nhiều yếu tố trong xã hội hiện đại.

Ông Bùi Hoài Sơn cho hay ba hệ giá trị nêu trên đã từng được đưa ra và bàn luận suốt hơn chục năm qua, nhưng đây là chủ đề khó và phức tạp.

“Những hệ giá trị này giúp chúng ta hiểu điều gì nên làm/không nên làm, phải làm/không được phép làm, cũng làm cơ sở như hình thành nên dư luận xã hội ủng hộ giá trị tích cực của xã hội,” ông Bùi Hoài Sơn chia sẻ.

Khơi dậy khát vọng cống hiến

Với những ý nghĩa đó, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật trung ương kỳ vọng rằng hội thảo sắp tới sẽ trau dồi và nâng cao chiều sâu và bản lĩnh văn hóa, vốn sống, vốn hiểu biết, trách nhiệm công dân, trách nhiệm người nghệ sỹ trước đất nước và nhân dân mình.

“Thực tiễn đó đặt ra yêu cầu cần có những giải pháp mang tính hệ thống, đồng bộ, bài bản, hiệu quả nhằm tập hợp, đoàn kết, phát huy vai trò, đóng góp của đội ngũ văn nghệ sỹ vào sự nghiệp xây dựng và phát triển phát triển văn học, nghệ thuật trong thời gian tới,” phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ nói.

Đóng góp ý kiến về nội dung hội thảo, ông Nguyễn Thế Kỷ quan tâm đến việc khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa lý tưởng, khát vọng sáng tạo, cống hiến, cùng các cơ quan văn nghệ và đội ngũ văn nghệ sỹ xác định một cách đúng đắn, rõ ràng mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới.

Hội thảo cũng cần bổ sung, hoàn thiện hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam; tiếp tục tuyên truyền, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ chỉ đạo, quản lý về văn hóa, văn nghệ về bản chất, đặc trưng, vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật nói chung, đội ngũ văn nghệ sỹ nói riêng; tiếp tục đổi mới cơ chế phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng tài năng văn học, nghệ thuật, đặc biệt là những tài năng trẻ và ở những lĩnh vực đặc thù.

Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật trung ương. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Ngoài ra, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ cũng kiến nghị Nhà nước quan tâm hơn nữa đến chế độ, chính sách cho lĩnh vực văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sỹ như chế độ lương, phụ cấp, các điều kiện hoạt động cần thiết vì nhiều năm nay, lĩnh vực này chưa được quan tâm đúng mức.

Chia sẻ với báo chí về hội thảo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng đây là một việc làm rất cụ thể để tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các nghị quyết chuyên đề của Trung ương về văn hóa, gắn với đó là xem xét để tập trung thực hiện có chất lượng hơn, có chiều sâu hơn về kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức vào năm ngoái.

“Mong muốn của chúng tôi qua hội thảo này là rút ra được các nội hàm, các thành tố ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ để triển khai trong toàn nhân dân,” Bộ trưởng cho biết.

"Tư lệnh" ngành văn hóa cho rằng sau khi các thành tố được xác định, các nội hàm được làm rõ thì trách nhiệm của bộ là tham mưu cho cấp ủy Đảng, cho chính quyền để triển khai xây dựng các hệ giá trị này.

“Quan điểm là phải làm từ thấp đến cao, làm từ dễ đến khó, làm từ hệ giá trị của con người, của gia đình, tiến đến hệ giá trị văn hoá và cao hơn nữa là hệ giá trị của quốc gia. Như vậy, có thể nói đây là cuộc cách mạng lâu dài, bền bỉ, nhưng nếu có quyết tâm cao thì sẽ triển khai được,” Bộ trưởng khẳng định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục