Đi tìm giải pháp về vốn cho dự án cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng

Dự án cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng sẽ phải vào hoàn thành vào năm 2020 nhưng đến thời điểm này dự án vẫn chưa thu xếp được vốn tín dụng từ ngân hàng.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Trung Nguyên/TTXVN)

Dự án cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng sẽ phải vào hoàn thành vào năm 2020. Tuy nhiên, đến thời điểm này dự án vẫn chưa thu xếp được vốn tín dụng từ ngân hàng, vì vậy đã buộc chủ đầu tư phải chủ động tìm các giải pháp về vốn để triển khai dự án đúng tiến độ.

Tìm giải pháp tự chủ nguồn vốn

Ông Trần Phúc Tự, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư BOT Bắc Giang-Lạng Sơn-Hữu Nghị (doanh nghiệp dự án) cho biết, để thu xếp vốn tại Ngân hàng Vietinbank cho dự án Hữu Nghị-Chi Lăng, chủ đầu tư đã hoàn thành hồ sơ, thủ tục đáp ứng cơ bản các yêu cầu từ ngân hàng. Tuy nhiên, do Ngân hàng Vietinbank chưa hoàn thành xong việc phê duyệt tín dụng dẫn đến việc ký kết hợp đồng tín dụng kéo dài.

Để giải bài toán “tắc nghẽn” về nguồn vốn tín dụng, vừa qua, Công ty cổ phần BOT Bắc Giang-Lạng Sơn-Hữu Nghị đã làm việc với các nhà thầu và nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng. Tại buổi làm việc, trước các kiến nghị từ các nhà đầu tư, nhà thầu về giải pháp chủ động sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu và vốn nhà thầu để thực hiện dự án khi nguồn vốn tín dụng ngân hàng khó khăn, ông Vũ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần BOT Bắc Giang-Lạng Sơn-Hữu Nghị khẳng định, sẽ vẫn triển khai dự án đúng kế hoạch, nguồn vốn đã chuẩn bị sẵn, hiện tại chưa cần sự trợ giúp của ngân hàng.

Ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Hoàng Long, một trong những nhà thầu chia sẻ: “Chúng tôi chuẩn bị tư thế sẵn sàng chung tay làm dự án này. Thời điểm hiện tại, tìm công ăn việc làm rất khó và có niềm tin về tính khả thi của dự án này. Nếu không thu xếp được nguồn vốn tín dụng từ Vietinbank, chúng tôi sẽ thắt lưng buộc bụng huy động nguồn vốn của chính doanh nghiệp để cùng chủ đầu tư thực hiện dự án này."

Ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả (một trong những nhà đầu tư chính của dự án) khẳng định, để chủ động nguồn vốn thực hiện dự án, doanh nghiệp sẽ thực hiện nhiều giải pháp mà không phụ thuộc vào ngân hàng trong nước; trong đó, có giải pháp ưu tiên tiếp cận nguồn vốn nước ngoài để thực hiện dự án.

“Hiện tại, chúng tôi đã tiếp cận được một số đối tác tài trợ vốn từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Họ sẵn sàng tài trợ vốn cho dự án dưới góc độ vừa là nhà đầu tư, vừa là đơn vị tài trợ vốn cho dự án. Bên cạnh đó, trong thời gian thu xếp tín dụng, chúng tôi đã chủ động lựa chọn các nhà đầu tư, nhà thầu chiến lược đảm bảo năng lực tài chính ứng vốn trước vốn để thi công dự án. Đến nay, chủ đầu tư đã hoàn tất việc lựa chọn được các nhà đầu tư, nhà thầu chiến lược tự bỏ vốn tự có để thực hiện đầu tư toàn bộ dự án mà không cần thực hiện vay vốn tại ngân hàng,” ông Trần Văn Thế thông tin.


Tiến độ dự án liệu sẽ bảo đảm?

Đoạn cao tốc Chi Lăng-Hữu Nghị dài 43km được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào dự án cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn triển khai theo hình thức hợp đồng BOT để đảm bảo hoàn thành năm 2020 và khai thác đồng bộ toàn tuyến cao tốc từ Hà Nội đến cửa khẩu Hữu Nghị. Hiện nay, nhà đầu tư đã thực hiện xong các thủ tục pháp lý để dự án đủ điều kiện triển khai như: phê duyệt bổ sung dự án và ký hợp đồng BOT với cơ quan nhà nước có thẩm quyền…

Đây là đoạn cao tốc đi qua khu vực có địa hình đồi núi cao, vực sâu, điều kiện thi công rất khó khăn, trong khi tiến độ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ ngắn. Do đó, để đảm bảo được tiến độ yêu cầu, nhà đầu tư phải đưa ra phương án tổ chức triển khai song song nhiều công việc cho các đơn vị tham gia dự án. Phương án này đã được thống nhất với Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn - với vai trò vừa là cơ quan nhà nước có thẩm quyền vừa là chủ đầu tư dự án thành phần giải phóng mặt bằng.

Ông Trần Phúc Tự, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư BOT Bắc Giang-Lạng Sơn-Hữu Nghị cho biết, ngay sau khi thành lập doanh nghiệp dự án, các nhà đầu tư đã góp đủ vốn cho các công việc triển khai của dự án. Đó là, chi trả chi phí rà phá bom mìn, các chi phí tư vấn, giải phóng mặt bằng và tạm ứng cho các gói thầu xây lắp để đảm bảo dự án có đủ nguồn vốn triển khai trong khi chờ thu xếp tín dụng.

Nhà đầu tư cũng yêu cầu, đơn vị tư vấn rà soát lại thiết kế với thực tế địa hình để điều chỉnh tối ưu hóa tuyến, giảm phạm vi giải phóng mặt bằng, giảm di dời nhà dân đồng thời, lập thiết kế kỹ thuật và bản vẽ thi công theo từng gói thầu để nhà thầu có thể triển khai ngay sau khi được bàn giao mặt bằng.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện ngay công tác đo đạc kiểm đếm, lên phương án đền bù. Thực hiện công tác giải phóng mặt bằng từng đoạn theo kế hoạch triển khai thi công của các gói thầu để đảm bảo đồng loạt các nhà thầu đều có mặt bằng thi công.

Về phía các nhà thầu đã thực hiện công tác lán trại, huy động đủ nhân sự và thiết bị, khảo sát đường công vụ, mỏ vật liệu để sẵn sàng thi công khi được bàn giao mặt bằng.

“Với kinh nghiệm đã triển khai đoạn Bắc Giang-Lạng Sơn và năng lực tài chính mạnh của nhà đầu tư cùng sự quyết tâm của các đơn vị tư vấn, nhà thầu và sự ủng hộ của các cấp chính quyền tỉnh Lạng Sơn, người dân nơi dự án đi qua, chúng tôi cam kết đảm bảo dự án sẽ triển khai chất lượng và hoàn thành đúng tiến độ yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ,” ông Trần Phúc Tự khẳng định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục