Di tích quốc gia đặc biệt Cụm tượng đài Kéo Pháo bị phá vỡ cảnh quan

Gần một tháng qua, dư luận bất bình trước việc 2 hộ gia đình ở xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, Điện Biên xây nhà sàn để ở và các công trình phụ trợ, khu chăn nuôi cách di tích khoảng 60m.
Một hộ dân làm nhà ngay sát cụm di tích. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

Di tích "Cụm tượng đài Kéo Pháo" mô phỏng cảnh Trung đội pháo binh của Anh hùng Tô Vĩnh Diện đang kéo pháo bằng tay vào trận địa pháo phía Bắc của chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954, nằm trên triền đồi Bó Hôm, thuộc xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, là một trong 45 điểm thành phần của Di tích cấp quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gần một tháng qua, dư luận bất bình trước sự việc 2 hộ gia đình trên địa bàn đã xây dựng nhà sàn để ở và các công trình phụ trợ, khu chăn nuôi gia súc, gia cầm cách di tích khoảng 60m.

Việc làm này đã phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, thẩm mỹ của cụm công trình di tích và có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường sinh thái khu vực xung quanh.

Qua quá trình tìm hiểu, xác minh của phóng viên TTXVN, chủ nhân hai căn nhà trên là chị Lường Thị Minh, sinh năm 1982 và anh Lường Văn Minh, sinh năm 1983, đều trú tại bản Nà Nhạn 1, xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Để có được diện tích mặt bằng dựng nhà sàn truyền thống của dân tộc Thái và làm các công trình phụ trợ, khu chăn nuôi gia súc, gia cầm ở vị trí sau di tích Tượng đài Kéo Pháo, công việc san ủi đất đồi đều được 2 hộ thực hiện thủ công với các vật dụng thô sơ, có sự giúp sức của nhiều người dân ở bản Nà Nhạn 1 trong thời gian gần một tháng.

Việc dựng nhà sàn cũng kéo dài nhiều tuần. Hai hộ gia đình anh Minh, chị Minh có tổng cộng 8 nhân khẩu, về ở tại hai căn nhà mới này và bắt đầu chăn nuôi gia cầm, gia súc, đào ao thả cá được hơn một tháng nay.

Để làm rõ vụ việc phóng viên TTXVN đã làm việc với ông Quàng Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên.

[Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử Điện Biên Phủ]

Ông Sơn cho biết, nhà của  chị Lường Thị Minh và anh Lường Văn Minh trước đây ở trên triền đồi, gần đập Thủy điện Thác Bay.

Năm 2017, sau những đợt mưa lũ, qua rà soát, nơi hai hộ này ở nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, sụt đồi rất cao. Huyện Điện Biên nhiều lần đến kiểm tra, vận động hai hộ di dời đến vị trí khác an toàn hơn.

Sau đó, 2 hộ đã xin đến vị trí mới sau Tượng đài Kéo Pháo để dựng nhà ở, địa điểm này cách vị trí cũ khoảng hơn 100m. Vị trí chuyển đến này đã được xã Nà Nhạn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên và Ủy ban Nhân dân huyện Điện Biên kiểm tra và nhất trí đồng ý.

Tuy nhiên, sau khi 2 hộ dựng 2 nhà sàn (diện tích từ 150m2 đến 200m2/nhà), các công trình phụ trợ và phá bỏ nhiều diện tích cây cối trên đất đồi thì vị trí rất gần di tích Tượng đài Kéo Pháo, tác động xấu đến cảnh quan di tích.

Khi biết sự việc, xã đã báo cáo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Điện Biên; đồng thời đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện, ngành văn hóa có hướng giải quyết, xử lý vụ việc.

Anh Lường Văn Minh, bản Nà Nhạn 1, xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, là một hộ gia đình đã dựng nhà sau di tích Tượng đài Kéo Pháo cho biết, hai nhà sàn dựng lên ở đây cùng thời điểm, hoàn thiện được cách đây hơn một tháng. Khi làm nhà và các công trình khác anh Minh không biết đã ảnh hưởng đến cảnh quan di tích.

Tìm hiểu sâu hơn vụ việc, phóng viên được biết, thực hiện công văn số 50/UBND-NN ngày 12/01/2018 của Ủy ban Nhân dân huyện Điện Biên về việc rà soát, sắp xếp bố trí ổn định dân cư; các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng, Ủy ban Nhân dân xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên đã rà soát, xác định 2 hộ anh Lường Văn Minh và chị Lường Thị Minh nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, cần di dời khi mùa mưa đến.

Trên cơ sở các văn bản của Ủy ban Nhân dân xã Nà Nhạn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên đã có tờ trình  ngày 31/5 vừa qua về việc hỗ trợ kinh phí sắp xếp, bố trí ổn định dân cư vùng có nguy cơ thiên tai cao tại xã Nà Nhạn, gửi Ủy ban Nhân dân huyện Điện Biên.

Ngày 11/6 vừa qua, Ủy ban Nhân dân huyện Điện Biên ban hành Quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho 2 hộ này 40 triệu đồng để di chuyển đến nơi ở mới, đảm bảo ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, diện tích đất ở tại vị trí mới này của hai hộ trên chưa được chính quyền cấp sổ đỏ. Anh Lò Văn Thơm, cán bộ địa chính xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, khẳng định, diện tích đất tại vị trí 2 hộ dân chuyển đến sau Tượng đài Kéo Pháo không nằm trong nguồn quy hoạch đất ở của địa phương.

Các hộ gia đình chặt cây, phát cỏ làm nhà phá vỡ cảnh quan ngay sau cụm di tích. (Nguồn: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

Lý giải về sự lỏng lẻo trong quản lý đất đai dẫn đến sự việc này, ông Quàng Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nà Nhạn thừa nhận: "Chúng tôi nghĩ đơn giản trước đây khu vực đó là đất nương của họ, về mặt địa hình cách di tích Tượng đài Kéo Pháo một khe suối nhỏ nên không lường hết được vấn đề.

Nguyên nhân cũng  do chính quyền địa phương và một số người dân  thiếu hiểu biết về Luật di sản nên không nhận thức hết được hậu quả vụ việc."

Ngày 18/7 vừa qua,  làm việc với phóng viên TTXVN, ông Phạm Việt Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết, địa điểm, vị trí hai hộ dân làm nhà sàn và xây dựng khu vực vệ sinh, chăn nuôi gia súc, gia cầm cách "Cụm di tích tượng đài Kéo Pháo" 60m, không nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích.

Tuy nhiên, từ góc độ cảnh quan 2 căn nhà và các công trình phụ đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh trang nghiêm của di tích cũng như cảnh quan thiên nhiên xung quanh, thẩm mỹ của công trình.

Đồng thời, việc chăn nuôi gia súc, gia cầm của các hộ sẽ phát sinh nhiều yếu tố có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường sinh thái tại khu vực di tích.

Để khắc phục, xử lý dứt điểm tình trạng trên, ngày 11/7/2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên đã có văn bản  đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Điện Biên nghiên cứu, xem xét để có phương án di dời 2 hộ dân trên tới địa điểm mới nhằm đảm bảo cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái của di tích Đường kéo pháo bằng tay của Bộ đội trong chiến dịch Điện Biên Phủ theo quy định của Luật Di sản Văn hóa.

Đồng thời, đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Điện Biên chỉ đạo cơ quan tham mưu và chính quyền cơ sở, khi tham mưu cho Ủy ban Nhân dân huyện phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm gần các khu vực bảo vệ di tích được quy định tại Điều 32 của Luật Di sản Văn hóa nếu thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường-sinh thái của di tích, cần có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để có hướng xử lý kịp thời, tránh để xảy ra tình trạng như đã đề cập./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục