Di tích cầu Ngói chợ Thượng cổ tại Nam Định bị 'làm mới' khi tu sửa

Cầu Ngói chợ Thượng (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) trong quá trình tu sửa đã bị làm mới, sai lệch so với ban đầu, mất đi các đường nét cổ kính, cần mất nhiều thời gian để phục hồi.
Di tích Cầu Ngói bị làm mới (Nguồn: GD&TĐ)

Ngày 20/2, thông tin từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định cho biết: Trước sự việc cây cầu Ngói chợ Thượng (thôn Thượng Nông, xã Bình Minh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) có tuổi hàng trăm năm, được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa quốc gia, trong quá trình tu sửa đã bị làm mới, sai lệch so với kết cấu ban đầu, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định đã yêu cầu các đơn vị liên quan phục hồi lại theo nguyên mẫu.

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN vào ngày 19/2, một tốp công nhân tiếp tục bóc các lớp sơn giả đá tại 2 đầu cầu; khoan, tháo dỡ các tảng đá dùng làm bậc lên xuống bên hông cây cầu.

Đây là các hạng mục mà thôn Thượng Nông đã huy động các nguồn lực xã hội hóa để tự ý “làm mới di tích,” mất đi các đường nét cổ kính ban đầu của cầu Ngói.

Ông Nguyễn Văn Liêm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bình Minh, cho biết, sau khi nhận được ý kiến phản ánh của người dân và các chuyên gia về việc một số chi tiết trên cầu Ngói chợ Thượng bị làm sai lệch so với ban đầu, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định đã yêu cầu chính quyền địa phương mời các chuyên gia để phục hồi các đường nét, cấu trúc đã bị làm sai lệch.

Theo ông Liêm, cầu Ngói chợ Thượng được xây dựng từ thời hậu Lê, trải qua những năm tháng thăng trầm cùng lịch sử, cầu đã được sửa chữa vào năm 1986 - 1987. Năm 2019, cầu Ngói chợ Thượng được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch hỗ trợ 200 triệu đồng để tu sửa phần mái đã xuống cấp.

Ban Quản lý Di tích và danh thắng tỉnh Nam Định đã thuê đơn vị thi công tiến hành sửa chữa và phục dựng đúng theo kết cấu ban đầu.

Tuy nhiên, người dân địa phương nhận thấy một số hạng mục bị xuống cấp theo thời gian mà vẫn chưa được sửa chữa, nâng cấp nên đã huy động các nguồn xã hội hóa và tự ý bóc các đường phào, chỉ giả cửa ở hai bên đầu cầu để trát lại rồi sơn giả đá, đồng thời thay thế các bậc lên xuống đã cũ.

Người dân thôn Thượng Nông tự ý thực hiện các hạng mục nói trên mà không báo cáo Ủy ban Nhân dân xã và Ban Quản lý Di tích và danh thắng tỉnh Nam Định.

[Bảo vật ‘Vườn Xuân Trung Nam Bắc’ bị hư hại: Trách nhiệm thuộc về ai?]

Ông Đào Văn Đường, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đào Trọng Tín - đơn vị được thuê để tu sửa lại cầu Ngói chợ Thượng, chia sẻ các hạng mục bị làm sai lệch là phần bậc lên xuống và các chi tiết văn hoa giả cửa bên hông cầu.

Việc xử lý phần bậc lên xuống đơn giản hơn, còn các chi tiết hoa văn bên hông cầu có cấu trúc rất đặc biệt nên phải mất rất nhiều thời gian mới có thể phục hồi lại được. Công ty đã huy động 6 thợ có tay nghề cao để sửa chữa và dự kiến mất khoảng một tuần mới phục hồi xong.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định, thông tin, ngay sau khi phát hiện những chi tiết tại cầu Ngói chợ Thượng bị làm sai lệch so với ban đầu, Sở đã cử đoàn chuyên gia xuống kiểm tra, giám sát, yêu cầu chính quyền địa phương thuê đơn vị thi công có kinh nghiệm trong lĩnh vực văn hóa để khẩn trương phục hồi lại nguyên trạng cây cầu Ngói cổ này.

Theo các tài liệu lịch sử, cầu Ngói chợ Thượng được xây dựng vào thế kỷ 18, có kết cấu “thượng gia, hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu), được liên kết chủ yếu bằng các thành phần: phần cầu dưới, phần kết cấu khung gỗ và hệ mái bên trên.

Mố cầu được xây dựng hoàn toàn bằng đá tảng, xếp khéo léo theo thứ tự lớn dưới, nhỏ trên. Bộ khung công trình được lắp dựng bằng gỗ lim chia thành 11 gian, mỗi gian có kích thước trung bình từ 1,45-1,65m, tạo nên một tổng thể kết cấu dài 17,35m. Năm  2012, cầu Ngói chợ Thượng được xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa quốc gia.

Nam Định hiện có trên 2.500 di tích, trong đó có 360 di tích cấp tỉnh, 84 di tích cấp quốc gia, 2 di tích quốc gia đặc biệt.

Sau khi cầu Ngói chợ Thượng trong quá trình tu sửa bị làm mới, sai lệch so với ban đầu, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh đã có công văn về việc tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn.

Đặc biệt, Sở đề nghị các địa phương, cộng đồng dân cư khi tu sửa di tích cần phải báo cáo, xin phép các cơ quan có thẩm quyền; thuê các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực văn hóa tham vấn để không làm mất đi các giá trị ban đầu của di tích./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục