Đi sâu nghiên cứu vấn đề cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh

Ban tổ chức hội thảo "Di sản tư tưởng Hồ Chí Minh và thời đại ngày nay" tại Liên bang Nga mong muốn các nhà khoa học đi sâu nghiên cứu những vấn đề cơ bản nhất trong hệ thống các tư tưởng của Người.
Đi sâu nghiên cứu vấn đề cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh ảnh 1Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Cao Cường/Vietnam+)

Ban tổ chức hội thảo "Di sản tư tưởng Hồ Chí Minh và thời đại ngày nay" mong muốn các nhà khoa học đi sâu nghiên cứu những vấn đề cơ bản nhất trong hệ thống các tư tưởng của Người, gồm tư tưởng về cách mạng giải phóng dân tộc, tư tưởng về văn hóa, đạo đức, nhân văn và tư tưởng về hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa các dân tộc, giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

Phát biểu trong lễ khai mạc Hội thảo diễn ra ngày 18/5 tại thành phố Saint-Peterburg, Liên bang Nga, do Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh phối hợp với Khoa Phương Đông và Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp Saint-Peterburg tổ chức, tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh Hồ Chủ tịch là một vĩ nhân của thời đại vì vai trò và những đóng góp lớn lao của Người đối với sự phát triển của lịch sử Việt Nam nói riêng, tiến trình lịch sử của nhân loại nói chung.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm thay đổi vận mệnh của dân tộc Việt Nam từ thân phận nô lệ thành một dân tộc độc lập, tự do và góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Hội thảo khoa học quốc tế nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức nhằm bày tỏ lòng tôn kính đối với Người, đồng thời giúp các nhà khoa học và nhân dân hai nước Việt-Nga nhận thức đầy đủ hơn nữa những giá trị to lớn trong di sản tư tưởng mà Người đã để lại cho nhân loại, cũng như làm cho di sản tư tưởng ấy tiếp tục lan tỏa đến với bạn bè quốc tế và nhân loại tiến bộ khắp năm châu.

Đi sâu nghiên cứu vấn đề cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh ảnh 2Các đại biểu dự hội thảo. (Ảnh: Cao Cường/Vietnam+)

Về phía mình, giáo sư-tiến sỹ Alexandr Gogolevsi, Phó giám đốc Đại học Tổng hợp Saint-Peterburg, đánh giá việc tổ chức hội thảo khoa học này là cần thiết nhằm giúp các nhà khoa học và những người quan tâm đến hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh có dịp trao đổi và làm sâu sắc hơn nhận thức về các giá trị tư tưởng của Hồ Chí Minh, một trong những vĩ nhân của lịch sử nhân loại, đồng thời rút ra bài học phục vụ công cuộc giữ gìn và củng cố quan hệ hai nước Việt-Nga do Người cùng với các thế hệ lãnh đạo Liên Xô trước đây đã dày công vun đắp.

Đại diện lãnh đạo thành phố Saint-Peterburg phát biểu chào mừng hội thảo, thể hiện niềm vinh hạnh to lớn khi Saint-Peterburg là thành phố được người đặt chân đến và có thời gian sinh sống, làm việc tại đây. Cùng với việc giới thiệu kho tài liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày ở Saint-Peterburg, chính quyền thành phố hy vọng hai nước Việt-Nga tiếp tục thực hiện có hiệu quả lời di huấn của Người, đưa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hai nước ngày càng bền chặt và hợp tác kinh tế hiệu quả hơn nữa, nhất là việc triển khai Hiệp định thành lập khu vực thương mại tự do Việt Nam-Liên minh kinh tế Á-Âu.

Trong một ngày làm việc, hội thảo đã nghe các tham luận của các nhà nghiên cứu hai nước, thảo luận các giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như trao đổi phương pháp nghiên cứu khoa học đối với pho tư tưởng to lớn của Người.

Trước đó, Ban tổ chức hội thảo cũng đã khai mạc triển lãm ảnh giới thiệu cuộc đời, sự nghiệp và hoạt động cách mạng của Hồ Chủ tịch. Triển lãm mang đến cho người xem hơn 200 bức ảnh và tư liệu quý về cuộc đời, hoạt động của Người, trong đó có không ít tài liệu do trung tâm lưu trữ thành phố Saint-Peterburg giới thiệu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục