Lễ hội Đom Lơng Néak Tà là lễ hội truyền thống gắn với văn hóa, đời sống tinh thần của đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh, thể hiện bản sắc của cộng đồng, được kế tục qua nhiều thế hệ.
Néak Tà đối với người Khmer ở Trà Vinh được coi là vị thần bảo hộ phum, sóc, gia đình.
Lễ hội Đom Lơng Néak Tà là lễ hội truyền thống trong tín ngưỡng dân gian của người Khmer được tổ chức hàng năm tại các miếu Néak Tà. Hằng năm, người Khmer thường cúng Neak Tà một lần khoảng tháng 4, tháng 5 (dương lịch) tức vào đầu mùa mưa, trước hoặc sau tết Chol Chnam Thmây khoảng một tháng.
Theo nghi thức truyền thống, lễ cúng Neak Tà được kéo dài 3 ngày đêm nhưng ngày nay do điều kiện kinh tế, lao động sản xuất nên nghi thức cúng có phần đơn giản hơn, có nơi chỉ tổ chức cúng trong ngày.
Trước khi tổ chức lễ cúng khoảng 10 ngày thì Acha và người đứng tuổi và có uy tính trong cộng đồng trong Phum Sóc đại diện đến từng nhà thông báo ngày giờ tổ chức cúng Neak Tà và vận động vật chất, gạo, muối, tiền để tổ chức lễ cúng.
Chương trình chính của lễ hội là cúng Neak Tà và cầu an. Thời gian cũng chia làm hai. Ngày thứ nhất, tất cả mọi người trong Sóc đến miếu Neak Tà để dọn dẹp, vệ sinh miếu, vị Acha lấy một tấm vải đỏ vắt lên hòn đá, điều này thể hiện việc chuẩn bị lên ông Tà.
Sau đó, mọi người cùng góp sức dựng rạp ở trước miếu Neak Tà để hành lễ. Kế tiếp, chuẩn bị và chế biến vật phẩm cúng Neak Tà. Vật cúng thường là: 01 đầu heo luộc, 01 con gà, 01 chai rượu, 01 nải chuối xiêm, 01 trái dừa, cơm, muối, dầu dừa, chỉ đỏ, hoa quả, bánh trái, có nơi có cả heo quay và heo trắng (tùy vụ mùa sản xuất hằng năm).
Khi cúng Neak Tà thì vị Acha khấn vái lặp đi lặp lại ba lần, mỗi lần mời mỗi lần rót rượu cho đến khi cây nhang tàn. Acha là người đại diện con dân trong Phum Sóc báo cáo với Neak Tà tình hình sản xuất vụ mùa của dân làng trong năm vừa qua, dâng vật phẩm cúng trả lễ Neak Tà và cầu xin ông tiếp tục che chở, bảo vệ dân làng khỏe mạnh, phù hộ cho họ sản xuất vụ mùa sau đạt hiệu quả cao.
Acha xin Neak Tà những điều chúc tốt lành, an khang, thịnh vượng cho tất cả người dân trong Sróc, rồi đem vật phẩm chia nhau cho mọi người dùng để hưởng lộc. Bữa cơm này người Khmer gọi là bữa cơm đoàn kết (Samaki).
Vào buổi tối, tất cả người dân trong Sóc tập trung tại miếu Neak Tà để làm lễ cầu an (còn gọi là lễ đoàn kết). Lễ này mời bốn hoặc tám vị sư đến dự và tụng kinh chúc phúc. Lễ này gồm các bước như niệm Phật, ôn lại nguồn gốc của lễ hội, diễn văn (cáo lỗi và cảm ơn), báo cáo số tiền vận động và lễ phẩm của người đem dâng cúng, đọc lời khấn cầu nguyện, làm lễ bái Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng), tưởng nhớ công đức của Neak Tà và công đức cha mẹ, ông bà và cầu nguyện đến những người đã khuất phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa vụ bội thu, không đau ốm bệnh tật, vạn sự như ý, nhà nhà có cuộc sống vui khỏe, thanh bình và ấm no. Kế đến, là mời các vị sư sãi tụng kinh thuyết pháp.
Sau đó, mọi người tập trung múa hát với những dàn nhạc cụ đặc trưng của dân tộc như dàn nhạc Ngũ âm, Sadam đan xen với những điệu múa truyền thống của dân tộc như múa Rom Vong, Sa Ra Van, Lăm Leo, Cram bass… Ở những vùng cộng cư, trong lễ hội Neák Tà còn có sự tham gia của người Việt, người Hoa.
Sáng ngày hôm sau, tất cả người dân trong Sóc dâng bánh trái đến các vị sư để cầu siêu, hồi hướng đến vong linh của ông bà cha mẹ đã khuất để họ nhận được những phần phước ấy, và xin lời chúc phù họ cho nhà nhà được hạnh phúc và vạn sự như ý.
Với những giá trị độc đáo về văn hóa, ngày 22/2/2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký Quyết định số 377/QĐ-BVHTTDL đưa Lễ hội Đom Lơng Néak Tà của người Khmer tỉnh Trà Vinh vào danh mục Di sản Văn hóa Phi Vật thể Quốc gia, loại hình lễ hội truyền thống./.
Độc đáo Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia Múa đèn chạy chữ ở Thanh Hóa
Nét độc đáo của điệu “Múa đèn chạy chữ” ở là sự kết hợp giữa hát chèo chải cổ cùng các động tác múa để tạo nên tổ khúc múa đèn, ca ngợi công ơn Đức Thánh Cả và Thành hoàng làng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp nơi có Di sản Văn hóa Phi Vật thể Quốc gia Lễ hội Đom Lơng Néak Tà của người Khmer, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
HIện tỉnh Trà Vinh đã có 7 Di sản Văn hóa Phi Vật thể Quốc gia gồm nghệ thuật “Chầm riêng chà pây" của đồng bào dân tộc Khmer; lễ hội Ok Om Bok của đồng bào dân tộc Khmer ở Trà Vinh; nghệ thuật “Đờn ca tài tử Nam Bộ”; “Lễ hội cúng biển Mỹ Long” thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang; nghệ thuật Rô-băm người Khmer tỉnh Trà Vinh; lễ hội Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè và Lễ hội Đom Lơng Néak Tà của người Khmer./.