Di sản của cố Thủ tướng Abe Shinzo trong mắt các học giả thế giới

Giới học giả quốc gia đánh giá cao những di sản của cố Thủ tướng Abe đối với Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung, đặc biệt trong chính sách an ninh, chính sách đối ngoại.
Di sản của cố Thủ tướng Abe Shinzo trong mắt các học giả thế giới ảnh 1Cố Thủ tướng Abe Shinzo. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 27/9, Chính phủ Nhật Bản tổ chức quốc tang cho cố Thủ tướng Abe Shinzo, người đã bị sát hại khi đang vận động tranh cử cho một ứng cử viên của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở thành phố Nara tháng 7 vừa qua.

Giới học giả quốc gia đánh giá cao những di sản của cố Thủ tướng Abe đối với Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung.

Phát biểu tại hội thảo trực tuyến do tờ Nikkei Asia tổ chức gần đây với chủ đề “Di sản của cố Thủ tướng Abe Shinzo và bối cảnh đang thay đổi ở châu Á,” chuyên gia Tetsuo Kotani, Giáo sư trường Đại học Meikai (Nhật Bản), nhận định di sản hàng đầu của cố Thủ tướng Abe là việc ông đã mang lại một tầm nhìn chiến lược cho chính sách an ninh của Nhật Bản.

Ông đã xây dựng chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên vào năm 2013 và lập ra Hội đồng An ninh quốc gia để định hướng chính sách an ninh của Nhật Bản.

Bên cạnh đó, cố Thủ tướng Abe cũng mở rộng tầm nhìn chiến lược của Nhật Bản, không chỉ thúc đẩy hợp tác với Mỹ và các nước trong khu vực mà còn thiết lập quan hệ hợp tác an ninh tăng cường với các đối tác châu Âu, nhờ Luật Hòa bình và An ninh được thông qua năm 2015.

[Đông đảo người dân Nhật Bản tới viếng cố Thủ tướng Abe Shinzo]

Hiện Nhật Bản đã ký Thỏa thuận tiếp cận đối ứng (RAA) với Australia và đang đàm phán thỏa thuận tương tự với một số quốc gia khác.

Giáo sư Kotani khẳng định cố Thủ tướng Abe “đạt được nhiều thành tựu to lớn trên cả mặt trận đối nội và đối ngoại.” Ông cũng đánh giá cao nỗ lực sửa đổi Hiến pháp của cố Thủ tướng Abe.

Chuyên gia Bilahari Kausikan, Chủ tịch Viện Trung Đông thuộc Đại học Quốc gia Singapore, đánh giá cao chính sách đối ngoại của Nhật Bản đối với khu vực Đông Nam Á dưới thời chính quyền cố Thủ tướng Abe.

Theo chuyên gia Kausikan, “Nhật Bản luôn đóng vai trò chủ chốt ở Đông Nam Á, vai trò này có thể trở nên quan trọng hơn trong tương lai. Nhật Bản luôn là cường quốc đáng tin cậy hàng đầu đối với Đông Nam Á. Tokyo đóng vai trò rất quan trọng, và về cơ bản, cố Thủ tướng Abe đã tái định hình vai trò đó trở nên chủ động hơn để đối phó với các thách thức mới.”

Mặt khác, chuyên gia Kausikan nhấn mạnh cố Thủ tướng Abe đã góp phần hình thành một số khái niệm cơ bản về an ninh khu vực, trong đó có sáng kiến “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.”

Bên cạnh đó, ông Abe đã góp phần tạo nên khuôn khổ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và đóng vai trò dẫn dắt trong việc giúp tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) kết thúc thành công.

Trong khi đó, Tiến sỹ Michael Jonathan Green, Giám đốc Điều hành Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Sydney, khẳng định cố Thủ tướng Abe “là nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất kể từ thời cố Thủ tướng (Shigeru) Yoshida, ít nhất là về mặt chính sách đối ngoại.

Cũng giống như ông Yoshida trước đó, tầm nhìn của ông Abe về con đường của Nhật Bản và khuôn khổ mà ông ấy đã thiết lập là những di sản để lại cho nhiều thế hệ”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục