Di dời nhà máy, trả lại môi trường xanh cho Hà Nội: Mong mỏi của dân!

Theo kết quả khảo sát của Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân, có tới 98,49% ý kiến ủng hộ việc Hà Nội có quyết định di dời các nhà máy gây ô nhiễm môi trường ra khu dân cư từ năm 2011.
Hiện trường vụ cháy phía bên trong nhà máy Rạng Đông xảy ra vào cuối tháng 8/2019. (Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN)

Tại buổi tọa đàm hiện trạng di dời nhà máy ra khỏi khu dân cư và cơ hội mở rộng không gian công cộng diễn ra sáng 23/7, giới chuyên gia môi trường và đô thị cho rằng trên địa bàn Hà Nội hiện còn khá nhiều nhà máy công nghiệp "bủa vây" khu dân cư, gây sức ép lớn đến môi trường sống, trong khi không gian công cộng lại đang rất thiếu.

Vì thế, việc di dời các nhà máy ra khỏi khu dân cư ở là giải pháp cấp thiết, nhất là khi gần đây đã liên tiếp xảy ra sự cố nghiêm trọng như vụ cháy Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông, hay mới đây là vụ cháy nhà máy hóa chất tại Cảng Đức Giang, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.

Nỗi lo nhà máy "bủa vây" khu dân cư

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban Nhân dân thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo công tác di dời, xây dựng danh mục, đề xuất nguyên tắc phân nhóm tiêu chí, thứ tự di dời theo các giai đoạn trên địa bàn 12 quận nội thành và xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời tổng số 117 cơ sở.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai thực hiện vẫn còn chậm và gặp khó khăn do nguồn vốn thực hiện công tác di dời và xây dựng cơ sở mới chưa được bố trí và chưa có phương án xã hội hóa; chưa xây dựng cơ chế chính sách về tài chính phù hợp để khuyến khích, khai thác quỹ đất sau di dời có hiệu quả.

Điều đáng lo là thời gian qua đã xảy ra không ít sự cố cháy nổ nghiêm trọng tại các nhà máy trong khu dân cư. Từ vụ cháy xảy ra tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông hồi tháng 8/2019 đến vụ cháy nhà máy hóa chất tại Cảng Đức Giang-quận Long Biên mới đây một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe con người và môi trường của những nhà máy sản xuất có sử dụng hóa chất đang tồn tại trong khu dân cư Thủ đô.

Ví thế, nhiều cử tri đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo, rà soát di dời các nhà máy công nghiệp, các trường đại học ra khỏi khu dân cư; kiên quyết hạn chế cấp phép xây dựng khu dân cư trong khu vực nội đô; sử dụng đất đã di dời các nhà máy, công trình công cộng như công viên, hướng tới việc xây dựng đô thị “xanh” trong cả nước.

Khảo sát của Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG) được triển khai trong thời gian 2 tháng (từ tháng 5-6/2020) ở các quận nội thành Hà Nội vừa công bố sáng nay, 23/7, cũng cho thấy có tới gần 60% ý kiến người dân cho rằng không gian sống của họ đang bị ảnh hưởng bởi hoạt động của nhà máy, trong đó mức độ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí độc hại chiếm 80,52%.

"Điều này cũng nhất quán với nhu cầu của người dân khi 92% ý kiến cho rằng không gian công cộng là quan trọng với lối sống của họ và 79% cho rằng Hà Nội đang thiếu không gian công cộng. Chính vì thế, 98,49% ý kiến người dân ủng hộ việc Hà Nội đã có quyết định di dời các nhà máy gây ô nhiễm môi trường ra khu dân cư từ năm 2011," báo cáo nhấn mạnh.

[Gấp rút hoàn thiện Chỉ thị về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí]

Thế nhưng, khảo sát thực địa của PPWG tại 39 nhà máy thuộc diện di dời nằm trong danh sách kèm theo công văn số QHKT/8/2011 của Sở Quy hoạch Kiến Trúc Hà Nội ở hai quận Hai Bà Trưng và Thanh Xuân cho thấy hiện mới có 21 trong số 39 nhà máy đã di dời và chuyển đổi mục đích sử dụng.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Đáng chú ý là, trong số 21 nhà máy đã di dời khỏi khu vực nội thành Hà Nội có 19 nhà máy được chuyển đổi mục đích sử dụng sang xây chung cư hoặc biệt thự liền kề. Chỉ có 2 nhà máy được thay thế bằng mục đích sử dụng khác như đường trên cao và đại học tư nhân.

Cần ưu tiên phát triển không gian công cộng

Chia sẻ khảo sát về quan điểm của người dân về không gian công cộng và lối sống của người dân Hà Nội sau khi di dời nhà máy ra khỏi khu dân cư, chuyên gia Lê Quang Bình, Chủ tịch PPWG cho hay: Theo khảo sát vừa được PPWG thực hiện, có 93% ý kiến cho rằng diện tích đất sau khi di dời nhà máy cần được ưu tiên sử dụng làm công viên, vườn hoa; 43% ý kiến cho rằng nên sử dụng đất làm bệnh viện công cộng; 40,11% sử dụng cho giáo dục... 

Tuy nhiên, theo kiến trúc sư Đinh Đăng Hải, chuyên gia dự án thành phố Sống Tốt, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam, hiện nay, diện tích không gian công cộng ở Hà Nội rất hạn chế, trung bình người dân Hà Nội chỉ có 3m2 diện tích không gian công cộng/người, thậm chí người dân sinh sống ở quận Hoàn Kiếm chỉ có 30cm2/người.

"Như vậy, Hà Nội còn một khoảng cách rất xa mới đạt chuẩn về không gian công cộng so với các thành phố trên thế giới," ông Hải nhấn mạnh.

Có chung quan điểm, Phó giáo sư Tiến sỹ Phạm Thúy Loan-Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, cho rằng thiết kế đô thị là lĩnh vực chủ yếu tập trung vào chất lượng môi trường không gian đô thị, phục vụ con người. Vì thế, không gian công cộng phải có khả năng tiếp cận dễ dàng, phục vụ cho đời sống của con người.

Thế nhưng, khi so sánh về không gian xanh của Hà Nội so với các thành phố trên thế giới hoặc tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị thì đều thấp hơn khá nhiều.

Vì thế, để tăng quỹ không gian đô thị "xanh," bà Loan cho rằng đối với công viên, mặt nước, cây xanh sẵn có, Hà Nội cần phát huy tối đa, nâng cao khả năng phục vụ, lồng ghép các mục tiêu vào đó. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần sử dụng quỹ đất chuyển đổi từ những khu đất không sử dụng; ưu tiên cho cây xanh, mặt nước và không gian công cộng để nâng cao chất lượng cuộc sống về mặt thể chất cũng như tinh thần của cộng đồng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục