Di dời hai hộ dân dựng nhà phía sau Di tích Tượng đài Kéo pháo

Gần 1 tháng qua, phía sau Di tích Tượng đài Kéo pháo ở Điện Biên, có 2 hộ dân dựng nhà sàn và các công trình phụ trợ, khu chăn nuôi, phá vỡ cảnh quan di tích.
Di dời hai hộ dân dựng nhà phía sau Di tích Tượng đài Kéo pháo ảnh 1Di tích Cụm Tượng đài Kéo pháo trên triền đồi Bó Hôm (xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên) đang bị xâm hại. (Ảnh: Nguyễn Xuân Tiến/TTXVN)

Gần 1 tháng qua, phía sau Di tích Tượng đài Kéo pháo - một trong 45 di tích thành phần của Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, có 2 hộ dân dựng nhà sàn và các công trình phụ trợ, khu chăn nuôi, phá vỡ cảnh quan di tích, làm ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của cụm công trình và gây ô nhiễm môi trường sinh thái tại khu vực di tích.

Liên quan đến vụ việc này, ông Đỗ Hải Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Điện Biên cho biết ngày 13/7, Ủy ban Nhân dân huyện Điện Biên đã chỉ đạo Phòng Văn hóa-Thông tin huyện phối hợp với Ủy ban Nhân dân xã Nà Nhạn kiểm tra thực tế, đánh giá tác động ảnh hưởng, mức độ vi phạm của vụ việc.

Ngày 17/7, đại diện Ủy ban Nhân dân huyện Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cùng đại diện lãnh đạo Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, các phòng, ban chuyên môn của huyện, chính quyền Ủy ban Nhân dân xã Nà Nhạn đi kiểm tra thực địa, đánh giá mức độ ảnh hưởng và thống nhất phương án sẽ di dời 2 hộ dân ra khỏi khu vực đang dựng nhà cùng các công trình phụ trợ gần di tích.

Cũng theo ông Đỗ Hải Bình, sau buổi làm việc ngày 17/7, Ủy ban Nhân dân huyện Điện Biên đã giao Ủy ban Nhân dân xã Nà Nhạn tổ chức họp dân bản Nà Nhạn 1, tuyên truyền, vận động bà con hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến đất di tích để tăng cường trách nhiệm trong vấn đề gìn giữ, bảo vệ đất di tích cấp quốc gia đặc biệt; đồng thời giao cho chính quyền xã Nà Nhạn tiếp tục vận động, tuyên truyền nhân dân bản Nà Nhạn 1 tìm quỹ đất để bố trí đưa hai hộ dân này đến ở.

Ủy ban Nhân dân huyện giao Ủy ban Nhân dân xã Nà Nhạn trước ngày 30/7/2018 phải có báo cáo đề xuất phương án di chuyển; giao các phòng, ban chuyên môn của huyện phối hợp với chính quyền xã Nà Nhạn trong tuyên truyền, vận động 2 hộ dân.

Việc di chuyển nhà ra khỏi khu vực gần di tích sẽ có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và nhân dân bản Nà Nhạn 1.

Đại diện Ủy ban Nhân dân huyện Điện Biên cũng thừa nhận sự việc xảy ra là một sự cố đáng tiếc trong công tác quản lý di tích; công tác tuyên truyền pháp luật về quyền, nghĩa vụ đối với di tích cho các chủ đất giáp ranh di tích còn hạn chế.

Về phía chính quyền xã Nà Nhạn, do nhận thức còn hạn chế nên không lường trước được hậu quả sẽ ảnh hưởng đến Di tích quốc gia đặc biệt.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Điện Biên Đỗ Hải Bình cho biết thêm huyện cũng xác định một phần trách nhiệm thuộc về đơn vị được giao quản lý khu di tích đã không kịp thời phát hiện và có ý kiến phản ánh về cơ quan có thẩm quyền. Bởi lẽ, việc di chuyển và dựng nhà của hai hộ dân này diễn ra trong thời gian khoảng 2 tuần, ngay cạnh di tích.

Di dời hai hộ dân dựng nhà phía sau Di tích Tượng đài Kéo pháo ảnh 2Hoạt động chăn thả gia súc trong khuôn viên di tích, phá hoại cảnh quan gây mất mỹ quan di tích diễn ra thường xuyên. (Ảnh: Nguyễn Xuân Tiến/TTXVN)

Huyện cũng sẽ xem xét, kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan trong việc đồng ý cho hai hộ dân di chuyển đến gần di tích Tượng đài kéo pháo.

Liên quan đến những khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ các di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, ông Phạm Việt Dũng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết tại Điện Biên, các điểm di tích nằm dàn trải trên nhiều địa bàn, thuộc nhiều đơn vị hành chính; nhiều điểm di tích chưa được cắm mốc bảo vệ.

Hiện có 28/45 di tích thành phần được cắm mốc bảo vệ trên thực địa, tuy nhiên số lượng mốc mỏng, chưa được định vị vệ tinh. Do yếu tố lịch sử để lại nên nhiều điểm di tích trên địa bàn hiện tại có nhiều hộ dân đang sinh sống trong vùng bảo vệ di tích. Đây là nguyên nhân khiến nhiều điểm di tích tiếp tục bị lấn chiếm, san lấp, rất khó khăn trong công tác khoanh vùng, cắm mốc, giải tỏa và xác lập quyền sử dụng đất sau này.

Như TTXVN đã đưa tin, khoảng gần 1 tháng qua, hai hộ dân ở bản Nà Nhạn 1, xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, là gia đình chị Lường Thị Minh (sinh năm 1982) và anh Lường Văn Minh (sinh năm 1983), được Ủy ban Nhân dân xã Nà Nhạn đồng ý cho di chuyển, đến dựng 2 căn nhà sàn và làm các công trình phụ trợ, khu chăn nuôi gia súc, gia cầm ở vị trí sau di tích Tượng đài Kéo pháo, do vị trí nơi ở cũ trên triền đồi, nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, sụt đồi rất cao, đe dọa đến tính mạng, tài sản.

Di tích mô phỏng cảnh Trung đội pháo binh của Anh hùng Tô Vĩnh Diện đang kéo pháo bằng tay vào trận địa pháo phía Bắc của chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954 (nằm trên triền đồi Bó Hôm, thuộc xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên).

[Di tích quốc gia đặc biệt Cụm tượng đài Kéo Pháo bị phá vỡ cảnh quan]

Trên cơ sở các văn bản của Ủy ban Nhân dân xã Nà Nhạn gửi về, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên đã có tờ trình số 90/TTr-NN ngày 31/5/2018 về việc hỗ trợ kinh phí sắp xếp, bố trí ổn định dân cư vùng có nguy cơ thiên tai cao tại xã Nà Nhạn, gửi Ủy ban Nhân dân huyện Điện Biên.

Ngày 11/6/2018, Ủy ban Nhân dân huyện Điện Biên đã ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ 2 hộ dân 40 triệu đồng để di chuyển đến nơi ở mới, ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, sau khi 2 hộ dân này dựng 2 nhà sàn, làm các công trình phụ trợ và phá bỏ một số diện tích cây cối trên đất đồi thì vị trí nhà sàn rất gần với di tích Tượng đài Kéo pháo./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục