Di cư trở thành vấn đề chính trong chiến dịch tranh cử ở Thụy Sĩ

Đảng Nhân dân Thụy Sĩ (SVP) cực hữu được đánh giá là chính đảng mạnh nhất ở nước này khi vấn đề di cư đã giúp SVP tăng thêm được 2 điểm phần trăm.
Di cư trở thành vấn đề chính trong chiến dịch tranh cử ở Thụy Sĩ ảnh 1Các nghị sỹ trong ngày họp cuối cùng của phiên họp Quốc hội tại Bern, Thụy Sĩ ngày 25/9. (Nguồn: Reuters/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Geveva, ngày 18/10, Thụy Sĩ tổ chức bầu cử Quốc hội, trong đó vấn đề di cư là một chủ đề chính trong các chiến dịch tranh cử ở nước này.

Kết quả thăm dò mới nhất trước bầu cử cho thấy đảng Nhân dân Thụy Sĩ (SVP) cực hữu được đánh giá là chính đảng mạnh nhất ở nước này khi vấn đề di cư đã giúp SVP tăng thêm được 2 điểm phần trăm, đạt 28% số phiếu ủng hộ so với cuộc bầu cử cách đây 4 năm (26,6%).

Đảng Xã hội, chính đảng lớn thứ hai tại Thụy Sĩ, dự kiến sẽ giành được số phiếu ủng hộ cao hơn chút ít so với mức 18,7% của năm 2011.

Còn số phiếu ủng hộ đảng lớn thứ ba là đảng Tự do ước tính cũng sẽ tăng nhẹ từ mức 15,1% trong cuộc bầu cử trước đó.

Số phiếu ủng hộ các đảng trên tăng lên có thể là do số phiếu của đảng Xanh (đấu tranh bảo vệ môi trường) giảm xuống vì đây không còn là mối quan tâm chính của cử tri Thụy Sĩ.

Thụy Sĩ dự kiến ​​sẽ tiếp nhận từ 4.000 đến 5.000 người di cư, chủ yếu từ các nước bị chiến tranh tàn phá như Syria, Iraq và Afghanistan, đồng thời đang cân nhắc khả năng viện trợ nhân đạo với số tiền được đề xuất từ 50-100 triệu franc (tương đương 52-104 triệu USD) để giúp các tổ chức phi chính phủ (NGO) đang hoạt động ở Iraq hay Syria.

Thụy Sĩ theo mô hình nhà nước liên bang, đa đảng, với 20 tiểu bang và 6 bán tiểu bang. Quốc hội liên bang (Hội đồng Quốc gia) Thụy Sĩ gồm 200 thành viên được bầu với một nhiệm kỳ bốn năm tại 26 khu vực bầu cử là các bang và bán tiểu bang. Số ghế Hội ​​đồng Quốc gia được phân bổ giữa các bang theo tỷ lệ dân số.

Giới quan sát ước tính cuộc bầu cử năm 2015 là tốn kém nhất trong lịch sử Thụy Sĩ, có thể chi phí lên tới 170 triệu franc, cao hơn 1/3 so với số tiền được chi trong năm 2011. Tuy nhiên, Thụy Sĩ cũng là quốc gia có số cử tri đi bầu gần như thấp nhất châu Âu, chỉ hơn Ba Lan, Litva và Romania.

Dự kiến, số lượng cử tri đi bầu trong cuộc bỏ phiếu ngày 18/10 có thể dưới 50%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục