Di cư nhân tạo-giải pháp mới nhằm bảo vệ rừng

Các nhà khoa học và các tổ chức bảo vệ môi trường đang tìm kiếm những giải pháp sáng tạo để bảo vệ rừng. Một trong những giải pháp được đề xuất là di cư nhân tạo các loài cây.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Tá Chuyên/TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Tá Chuyên/TTXVN)

Biến đổi khí hậu đang đặt ra những thách thức chưa từng có đối với các hệ sinh thái trên toàn cầu, trong đó có rừng.

Trước tình hình này, các nhà khoa học và các tổ chức bảo vệ môi trường đang tìm kiếm những giải pháp sáng tạo để bảo vệ rừng. Một trong những giải pháp được đề xuất là di cư nhân tạo các loài cây.

Cây cũng có khả năng di chuyển để thích nghi với những thay đổi của môi trường. Tuy nhiên, quá trình di cư tự nhiên của cây diễn ra rất chậm, không thể theo kịp tốc độ biến đổi khí hậu hiện nay. Do đó, ý tưởng di cư nhân tạo đã được đưa ra, tức là con người chủ động chuyển các loài cây đến những khu vực có điều kiện khí hậu phù hợp hơn.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, dự án "Cây cho tương lai" do Hội Lâm nghiệp Hoàng gia Bỉ (SRFB) khởi xướng là một minh chứng rõ ràng cho nỗ lực trên.

Bà Julie Loisseau, phụ trách dự án tại SRFB, cho biết khi khí hậu ấm lên, các loài cây ở phía Nam sẽ có xu hướng dịch chuyển lên phía Bắc và ngược lại khi có băng tuyết, chúng sẽ hướng xuống phía Nam.

Tuy nhiên, tốc độ biến đổi khí hậu hiện tại quá nhanh so với khả năng di cư tự nhiên của các loài cây, do đó con người can thiệp để di dời các loài ở phía Nam lên phía Bắc.

Di cư nhân tạo có thể được thực hiện qua nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ, dự án "Cây cho tương lai" đã thực hiện việc di cư hỗ trợ loài và di cư hỗ trợ nguồn gốc.

Cụ thể, các chuyên gia đã mang các loài cây từ Tây Ban Nha, Italy hoặc miền Nam nước Pháp đến Bỉ để trồng thử nghiệm, nhằm tìm ra những loài có khả năng thích nghi tốt với điều kiện khí hậu mới. Ngoài ra, dự án cũng thử nghiệm với các loài cây ngoại lai từ Mỹ hoặc châu Á.

Kể từ khi khởi động dự án, năm 2018, SRFB đã trồng 28 loài cây trên 49 địa điểm trải khắp nước Bỉ. Kết quả ban đầu cho thấy một số loài cây như tuyết tùng Atlas và Himalaya, thông Douglas phát triển rất tốt trong điều kiện mới.

Các loài cây này được đánh giá mỗi năm để theo dõi sự phát triển và khả năng thích nghi. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận cuối cùng.

Mặc dù di cư hỗ trợ được kỳ vọng là một giải pháp hiệu quả cho vấn đề biến đổi khí hậu và suy thoái rừng, nhưng ý tưởng này vẫn còn gây tranh cãi trong cộng đồng khoa học.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng việc di chuyển nhân tạo các loài cây có thể dẫn đến mất cân bằng sinh thái và gây hại cho sức khỏe của rừng. Tuy nhiên, SRFB cho rằng không hành động sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn.

Bà Loisseau nhấn mạnh: "Chúng tôi hiểu rõ những lo ngại về rủi ro, vì vậy, các thử nghiệm của chúng tôi được thực hiện trên quy mô nhỏ để giảm thiểu tác động. Mặc dù chúng ta đang bước vào một lĩnh vực chưa được khám phá đầy đủ, nhưng việc đứng nhìn rừng suy tàn không phải là lựa chọn khả thi. Việc từ chối các loài cây có thể thích nghi tốt hơn với biến đổi khí hậu đồng nghĩa với việc chúng ta đang tự giới hạn khả năng bảo vệ rừng."

Di cư nhân tạo có thể là một giải pháp triển vọng để bảo vệ các khu rừng trước những tác động khắc nghiệt của biến đổi khí hậu, nhưng cũng đi kèm với nhiều rủi ro cần được xem xét cẩn trọng.

Trước thực tế biến đổi khí hậu diễn ra nhanh chóng, những nỗ lực này có thể trở nên cần thiết để bảo vệ và duy trì sự sống của các khu rừng, giúp chúng tiếp tục phát triển và đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục