Di chuyển 10 hộ dân khỏi vùng nguy hiểm quanh Nhà máy DAP 2 Lào Cai

Chiều 16/10, tỉnh Lào Cai đã hỗ trợ và di chuyển 10 hộ dân đầu tiên trên tổng số 25 hộ nằm trong khu vực nguy hiểm quanh bãi thải Gyps của nhà máy DAP 2 (Vinachem), huyện Bảo Thắng.
Di chuyển 10 hộ dân khỏi vùng nguy hiểm quanh Nhà máy DAP 2 Lào Cai ảnh 1Nhà máy DAP 2. (Nguồn: vinachem.com.vn)

Ông Vương Trinh Quốc - Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai cho biết, đến chiều 16/10, tỉnh Lào Cai đã hỗ trợ và di chuyển 10 hộ dân đầu tiên trên tổng số 25 hộ nằm trong khu vực nguy hiểm quanh bãi thải Gyps của nhà máy DAP 2 (Vinachem), Khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.

Ngoài ra, đến nay đã có tổng số 17/23 hộ bốc thăm nhận đất ở khu tái định cư mới tại khu vực thị trấn phố Lu, huyện Bảo Thắng. Có 2 hộ dân đã tự di chuyển đến nơi ở mới, không nhận đất ở khu vực được bố trí tái định cư.

Các hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm và chịu ảnh hưởng sau sự cố vỡ thân đập bãi thải Gyps của nhà máy DAP 2 cách đây hơn một tháng phải di chuyển được bồi thường, di dời với tổng số tiền trên 17 tỷ đồng. Những hộ dân di chuyển đầu tiên đã được bố trí tái định cư tại thị trấn phố Lu, huyện Bảo Thắng. Các hộ còn lại đang được địa phương này hỗ trợ, đền bù để nhanh chóng di chuyển trong những ngày tới.

Trước đó, ngày 7/9/2018 đã xảy ra vụ việc vỡ đập chứa Gyps thải của nhà máy DAP 2, Khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Sự cố khiến 45.000 m3 nước thải chứa bùn (bùn thải Gyps) tràn ra môi trường, ảnh hưởng tới 39 hộ dân sống trong khu vực xung quanh. Đặc biệt, bùn thải còn tràn ra 2 con suối chảy vào sông Hồng. Theo đánh giá của Tổng cục Môi trường, với khối lượng bùn thải lên tới 45.000 m3 cùng hàm lượng axit rất cao, sự cố vỡ đập chứa bùn thải Gyps của nhà máy DAP 2 là rất nghiêm trọng cần được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng.

Tổng cục Môi trường trước đó cũng nhiều lần khuyến cáo Khu công nghiệp Tằng Loỏng về nguy cơ sự cố môi trường có thể xảy ra đối với hồ chứa bùn thải Gyps của nhà máy DAP 2. Với các chất thải nguy hại như Gyps, hồ chứa cần phải được xây dựng rất kiên cố, chịu được những tác động của mưa lũ, động đất.

Lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai cho biết thêm, sau sự cố vỡ đập bãi thải Gyps của nhà máy DAP 2, doanh nghiệp này đã đắp đê quai an toàn, làm mới đoạn bị vỡ; đồng thời thiết kế lại không để nước thoát chung vào khu vực bãi thải Gyps. Doanh nghiệp này cũng đã nạo vét lượng bùn thải tràn ra môi trường.

Theo quan trắc của ngành Tài nguyên và Môi trường, các mẫu nước suối và giếng ngầm quanh khu vực xảy ra sự cố đã ở mức an toàn. Ngày 15/10, tỉnh Lào Cai đã có quyết định cho những phân xưởng sản xuất không có chất thải của nhà máy DAP 2 được hoạt động trở lại. Riêng việc xử phạt hành chính đối với doanh nghiệp do để xảy ra sự cố trên sẽ có quyết định sau khi có kết luận chính thức từ cơ quan công an.

Hiện nay, tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai còn khoảng hơn 30 hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm, quanh nhà máy gang thép Việt-Trung, nhà máy hóa chất Đức Giang. Tỉnh Lào Cai đã lên phương án để sớm thực hiện các biện pháp di dời, tái định cư tại nơi an toàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục