Di chứng chất độc da cam: Nỗi đau của người lính thời hậu chiến

Do những vướng mắc về chính sách, thủ tục, giấy tờ, đến nay ở huyện Thường Tín (Hà Nội) vẫn còn nhiều trường hợp F1, F3 chưa được hưởng chế độ của Đảng, Nhà nước đối với nạn nhân da cam.
Chăm sóc cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin. (Ảnh: TTXVN phát)

Không gì đong đếm hết nỗi đau của những người lính khi đất nước hòa bình, họ trở về quê hương, trở về đời thường phải chứng kiến con cháu mình ngay khi sinh ra đã chết hay sống trong hình hài dị dạng, hằng ngày bị bệnh tật giày vò bởi nỗi đau mang tên chất độc da cam, dioxin.

Day dứt là dù mang hậu quả, chịu di nhiễm từ chất độc hóa học này, song vì những nguyên nhân nào đó mà họ và con cháu họ vẫn chưa được công nhận là nạn nhân chất độc da cam.

Vạt nắng tháng Bảy rọi vào căn nhà đơn sơ, mái lợp proximăng ở Nội thôn, xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, Hà Nội. Phía ngoài cửa, Nguyễn Nam Anh, 16 tuổi, bị dị tật bẩm sinh, bại liệt chân, bại não. Em không biết đi, không thể đứng thẳng trên cơ thể của mình mà chỉ có thể bò lết.

Nam Anh không trông thấy ánh sáng, không trông thấy mẹ cậu là chị Nguyễn Thị Kĩnh đang xúc những thìa cơm cho mình.

Phía trong nhà, Nguyễn Văn Tiến, anh trai của Nguyễn Nam Anh, đã 30 tuổi nhưng vẫn ngô nghê như một đứa trẻ trong hình hài của người đã trưởng thành. Tiến cũng bị dị tật bẩm sinh, bại liệt chân và bại não như em. Nhìn thấy mẹ xúc cơm cho em, Tiến ngồi tại chỗ cố gắng bập bẹ hai tiếng “Mẹ ơi!"

Trên ban thờ, ba nén hương cháy đỏ trước di ảnh cựu chiến binh Nguyễn Văn Đường - ông nội của Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Nam Anh. Ông Đường nhập ngũ năm 1973 và tham gia kháng chiến chống Mỹ, đánh nhiều trận lớn nhỏ từ Đà Nẵng đến Tây Nguyên. Ông mất năm 2010 bởi bệnh ung thư.

Anh Nguyễn Văn Gọn, con trai ông Đường, bố của hai đứa trẻ chắp tay, nhìn lên di ảnh bố rồi nhìn sang hai đứa con. Trước đây, anh Gọn không có khái niệm về “chất độc da cam” cho đến khi những đứa con anh lần lượt chào đời với hình hài dị tật.

[Ấm lòng sự ủng hộ với cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân da cam]

Thương con, anh và vợ đưa Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Nam Anh đi chữa bệnh khắp nơi, từ bế bồng chúng lên Bệnh viện Nhi rồi tới các trung tâm phục hồi chức năng. Những thứ có giá trị trong nhà hoặc làm thêm được gì vợ chồng anh đem bán hết để chăm lo, chạy chữa bệnh cho con. Rồi ngôi nhà anh cũng buộc phải bán, hơn 2 sào ruộng cũng đem gán bớt đi một nửa để lấy tiền trang trải chi phí.

Ròng rã, kiên trì gần 10 năm trời đưa con đi chữa bệnh khắp nơi nhưng không có tiến triển, gia đình không còn đủ sức lực và kinh tế, vợ chồng anh đành chấp nhận để con sống tật nguyền, dị dạng.

Nhìn hai đứa con chân tay co quắp, trí tuệ không được như người bình thường, hai vợ chồng anh Gọn đứt từng khúc ruột. Nhưng nén nỗi cay đắng, vợ chồng anh gắng gượng vượt qua tất cả để tiếp tục chăm sóc các con. Họ ngày ngày tần tảo với đồng ruộng, quanh quẩn làm thuê kiếm thêm chút thu nhập cho cả gia đình.

Xót xa hai con “thừa kế” một nỗi đau của chiến tranh để lại, anh Nguyễn Văn Gọn lặng lẽ nói các cháu bị dị dạng, dị tật bẩm sinh và bại não - những biểu hiện liên quan đến di chứng chất độc hóa học da cam/dioxin. Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Thường Tín, chính quyền xã Vân Tảo đều khẳng định các con anh là hai đứa trẻ thế hệ thứ 3 của loại chất độc mạnh nhất mà Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở miền Nam Việt Nam. Chúng mang di chứng từ đời ông nội là người tham gia hoạt động kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Thế nhưng, Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Nam Anh đều không được cơ quan chức năng công nhận là nạn nhân chất độc da cam để được hưởng các chế độ, chính sách cho nạn nhân da cam.

“Do trước đây khi vào Nam chiến đấu, đơn vị của bố tôi bị xóa sổ trong một trận đánh, còn ông thất lạc đơn vị, mất hết giấy tờ. Hòa bình lập lại, trở về từ chiến trường B, vì quá vui mừng khi được trở về với quê hương, gia đình và suy nghĩ “còn sống mà trở về là may mắn” nên bố tôi không quan tâm nhiều đến giấy tờ, giải quyết các chế độ, chính sách. Cũng chính vì vậy mà giấy tờ gốc thể hiện thời gian ở chiến trường hoặc giấy tờ gốc có ghi phiên hiệu đơn vị, thể hiện vùng, miền hoạt động ở chiến trường của ông tại đơn vị cũ cũng như hồ sơ gốc, lý lịch quân nhân của ông ở địa phương đều không còn, thất lạc hết rồi. Đến khi làm hồ sơ nạn nhân da cam cho hai cháu thì gia đình tôi không có giấy tờ nên rất khó để xác minh, vì hồ sơ xét duyệt bắt buộc phải bảo đảm những yếu tố về pháp lý theo quy định của pháp luật," anh Nguyễn Văn Gọn cho biết.

Xác nhận vấn đề này, bà Trương Thị Oanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Vân Tảo (Thường Tín, Hà Nội), cho hay đối với trường hợp Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Nam Anh, do các cháu là thế hệ thứ 3 và ông các cháu đi chiến trường miền Nam nhưng do điều kiện cũng như hoàn cảnh đã mất hết giấy tờ để chứng minh sự việc đó nên hai cháu chỉ được hưởng chế độ tàn tật theo quy định là 880.000 đồng/tháng.

“Hoàn cảnh của anh Nguyễn Văn Gọn thuộc diện hộ nghèo bấy lâu nay. Đã có những tấm lòng chia sẻ với gia đình nhưng đó cũng chỉ là cái trước mắt. Về lâu dài, đối với hai cháu cũng có những khó khăn, địa phương cũng chưa có cách nào để giải quyết," bà Oanh cho biết.

Thông tin thêm về hai trường hợp trên, bà Chu Thị Phúc, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Thường Tín cho hay hiện nay, ở huyện Thường Tín cũng có nhiều hoàn cảnh như gia đình anh Gọn.

Chăm sóc, điều trị cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin. (Ảnh: TTXVN phát)

Một số gia đình có người tham gia hoạt động kháng chiến là nạn nhân chất độc da cam, di chứng của nó đã di nhiễm sang thế hệ thứ 3, thậm chí là thứ 4.

“Do những vướng mắc về chính sách, thủ tục, giấy tờ, đến nay ở Thường Tín vẫn còn nhiều trường hợp F1, F3 chưa được hưởng chế độ của Đảng, Nhà nước đối với nạn nhân da cam. Hoặc do những bệnh tật của các trường hợp di nhiễm thế hệ sau chưa phù hợp với điều kiện quy định 17 danh mục bệnh tật của Bộ Y tế nên cũng chưa được hưởng chính sách này. Rất mong Đảng, Nhà nước có sự quan tâm, sớm giải quyết tới các trường hợp đó," bà Chu Thị Phúc nói./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục