Hội thảo khoa học với chủ đề “Di chúc Hồ Chí Minh: Giá trị lịch sử và ý nghĩa định hướng cho cách mạng Việt Nam” diễn ra sáng 22/5 tại Hà Nội. Chương trình do, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhân kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2019) và 50 năm thực hiện Di chúc của Người (1969-2019).
Phó giáo sư, tiến sỹ Đoàn Minh Huấn (Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản) và ông Lê Quang Tùng (Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đồng chủ trì. Hội thảo có sự tham gia của khoảng 150 đại biểu (là lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành Trung ương, các nhà khoa học và nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa) với gần 50 tham luận.
Các tham luận tại hội thảo đề cập tới nhiều vấn đề: Làm rõ hoàn cảnh ra đời và quá trình Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Di chúc cũng như quá trình công bố và xuất bản tài liệu này của Người; phân tích những nội dung cơ bản của Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh và đưa ra những nhận định sâu sắc về giá trị lịch sử và ý nghĩa định hướng cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam; việc thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 50 năm qua và hướng đi cho tương lai.
Văn kiện vô giá
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử vô giá, toát lên khí phách, tinh thần lạc quan cách mạng của một bậc “đại trí, đại nhân, đại dũng.” Đó là kết tinh của tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một vĩ nhân, suốt đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc và hòa bình của nhân loại.
“Những lời Bác dặn trước lúc đi xa chứa đựng nội dung phong phú và sâu sắc. Đó là tâm nguyện, tình cảm, ý chí, trách nhiệm của Bác đối với Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng thế giới,” ông Lê Quang Tùng nhấn mạnh.
[50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nghĩ về 5 lời thề]
Có cùng quan điểm trên, giáo sư-tiến sỹ Hoàng Chí Bảo (nguyên Uỷ viên Hội đồng lý luận Trung ương, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, chỉ với khoảng 1.000 từ nhưng bản Di chúc của Bác Hồ đã tổng kết lý luận và thực tiễn cách mạng Việt Nam, chỉ rõ đường đi của dân tộc.
Bác tự tay đánh máy bản Di chúc đầu tiên, ở cuối đề ngày 15/5/1965. Trong bản sửa năm 1968. Bác viết lại đoạn mở đầu và đoạn nói “về việc riêng” đã viết trong bản năm 1965 và viết thêm một số đoạn.
Đó là những đoạn nói về những công việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân thắng lợi: chỉnh đốn Đảng, chăm sóc đời sống của các tầng lớp nhân dân, miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp, xây dựng lại thành phố và làng mạc, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hoá, củng cố quốc phòng, chuẩn bị thống nhất đất nước. Trong đó, đoạn viết về chỉnh đốn lại Đảng và chăm sóc đối với thương binh, Bác viết rồi lại gạch chéo; đoạn nói về xây dựng lại đất nước, phát triển kinh tế, văn hoá, chuẩn bị thống nhất đất nước, Bác gạch dọc ở bên trái ngoài lề.
Ngày 10/5/1969, Bác viết lại toàn bộ đoạn mở đầu Di chúc, gồm một trang viết tay. Ngày 9/9/1969, trong Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân Việt Nam, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đọc Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trước anh linh của Người.
Bản Di chúc được công bố chính thức chủ yếu dựa theo bản Bác viết năm 1965, trong đó có một số đoạn được bổ sung hoặc thay thế bằng những đoạn tương ứng Bác viết năm 1968 và năm 1969. Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) khẳng định bản Di chúc đã công bố bảo đảm trung thành với bản gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Việc chọn bản Di chúc Bác viết năm 1965 để công bố chính thức là đúng đắn, vì đây là bản duy nhất được viết hoàn chỉnh, có chữ ký của Bác và bên cạnh có chữ ký chứng kiến của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng lúc bấy giờ.
“Với bản Di chúc, đồng bào, đồng chí cả nước và bạn bè quốc tế thêm một lần nữa thấu cảm và thấu hiểu về Bác. Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn viết Di chúc vào dịp sinh nhật, cho thấy niềm vui, tinh thần lạc quan và bản lĩnh của Người. Bản Di chúc thể hiện tư tưởng mang tầm thời đại, trí tuệ, đạo đức sáng ngời; đồng thời cho thấy phong cách, lối sống giản dị, trọn vẹn nghĩa tình của một vị lãnh tụ, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới,” giáo sư-tiến sỹ Hoàng Chí Bảo cho biết.
Chặng đường phía trước
Năm 2019 đánh dấu chặng đường nửa thế kỷ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện Di chúc của Người. Đặc biệt, khi các quyết nghị của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, ráo riết, đạt được những kết quả cụ thể, rõ rệt trong thời gian qua, góp phần củng cố lòng tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng đã tiếp tục khẳng định tầm vóc tư tưởng, tầm nhìn xa của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông Đoàn Minh Huấn - Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản khẳng định, dù nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng những tư tưởng, lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Di chúc lịch sử vẫn là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam cả hôm nay và trong tương lai.
Trong suốt 50 năm qua, những nội dung về đoàn kết, thống nhất trong Đảng; quan tâm chăm lo xây dựng đào tạo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; về nhân dân lao động... luôn được xem là những trọng điểm để các cấp, các ngành, địa phương quyết tâm thực hiện.
“Đặc biệt, những tư tưởng cao quý của Bác ngày càng trở nên sáng rõ, được khẳng định vững chắc trong lòng bạn bè quốc tế,” giáo sư-tiến sỹ Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.
Từ đó, ông Đoàn Minh Huấn cũng như nhiều đại biểu tham dự hội nghị cho rằng, kỷ niệm 50 năm ngày Bác mất và 50 năm thực hiện Di chúc của Người cũng là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức Đảng tự soi rọi lại mình, phấn đấu xây dựng đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo khối đại đoàn kết toàn dân xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh như di nguyện của Người.
“Trong giai đoạn hiện nay, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên cần đề cao ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, đẩy lùi hiện tượng ‘tự diễn biến,’ ‘tự chuyển hóa,’ tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW (ngày 15/5/2016) của Bộ Chính trị về ‘Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh,’ đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành nhiệm vụ thường xuyên của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân,” đại diện ban tổ chức hội thảo khoa học nhấn mạnh./.