Chào mừng Năm chéo - năm Việt Nam tại Liên bang Nga và năm Nga tại Việt Nam, một dự án hết sức có ý nghĩa đã được giới Việt Nam học của Liên bang Nga khởi động dịch cuốn hồi ký “Bác Hồ viết Di chúc” của tác giả Vũ Kỳ sang tiếng Nga.
Dự án được chuyển đến tay dịch giả chính vào những ngày tháng Năm, khi cả nước đang phát động phong trào “50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh.”
Một điều đặc biệt và hết sức có ý nghĩa nữa khi dịch giả cuốn sách nhỏ về Bác Hồ lại chính là con gái của nhà cựu ngoại giao, phiên dịch đã nhiều lần phiên dịch cho Bác Hồ.
Là nhà khoa học sống và làm việc tại Moskva, đại diện Hội luật gia Việt Nam tại Liên bang Nga anh Nguyễn Quốc Hùng coi việc kết nối giới nghiên cứu khoa học hai nước như vai trò thường xuyên của mình.
Và trong một lần kết nối ấy, nữ dịch giả Svetlana Glazunova đã được chọn để đưa cuốn hồi ký do đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác Hồ viết về những ngày tháng 5/1965, Bác bắt đầu viết những dòng đầu tiên của bản Di chúc để lại cho muôn đời sau, đến với bạn đọc Nga, các bạn sinh viên nghiên cứu Việt Nam, hay đơn giản là những người Nga yêu Việt Nam.
[Hội thảo 'Di sản tinh thần của Hồ Chí Minh - 50 năm sau' tại Nga]
Sự lựa chọn không tình cờ, vì chị Svetlana sinh ra trong một gia đình Việt Nam học. Cha chị, nhà ngoại giao kỳ cựu Evgheni Glazunov đã làm việc tại Hà Nội vào chính những ngày tháng Năm lịch sử ấy, người đã nhiều lần được gặp và phiên dịch cho Bác Hồ, sau này ông là Chủ tịch nhiều năm của Hội Hữu nghị Nga-Việt và luôn coi mình là người yêu Việt Nam nhất ở Moskva.
Chị Svetlana coi dự án dịch Hồi ký là không chỉ là trọng trách, mà trước hết là sự tiếp nối sự nghiệp của cha. Bởi năm 2013, độc giả LB Nga cũng đã được đón đọc cuốn “Khi người Việt Nam đầu tiên vào Điện Kremlin” bằng tiếng Nga do dịch giả Evghenhi Glazunov chuyển ngữ.
Với vốn kiến thức về tiếng Việt đủ để nghe hiểu đến cả các phương ngữ phổ biến, hiểu biết văn hóa Việt Nam không khác gì một người Hà Nội, cha chị là nguồn tư vấn vô giá cho chị trong dự án mới này.
Ông nói, dịch về Người cần hiểu Người. Và trong ký ức của nhà ngoại giao Nga Bác Hồ là người giản dị và yêu trẻ em vô cùng.
Trong căn phòng làm việc nhỏ của bác Evgheni Glazunov không quá nhiều vật lưu niệm về Việt Nam, song quý giá nhất là những cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, các bài báo viết về Người bằng tiếng Nga được lưu giữ trân trọng trong cuốn an bom dày luôn nằm trên bàn làm việc của ông.
Ông rưng rưng nhớ lại: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là người rất hiểu biết, hiểu con người và cuộc sống. Bác có thể nói chuyện với bất kỳ ai, từ vị nguyên thủ, một ông vua cho đến một em nhỏ, rồi ngay lập tức lại làm việc với thành viên Chính phủ. Chính vì vậy viết hay dịch về Người là cần phải thể hiện được điều đó.”
Theo Hồi ký, Bác Hồ bắt đầu viết Di chúc vào sáng ngày 10/5/1965, đúng một ngày sau khi Người đến Đại sứ quán Nga tại Hà Nội để chúc mừng các nhà ngoại giao Nga nhân dịp 30 năm Chiến thắng phátxít.
Nhà Ngoại giao Glazunov lúc đó không thể ngờ rằng vị lãnh tụ gần gũi thân tình với tất cả nhân viên sứ quán lại đang chuẩn bị đặt bút viết nên tác phẩm chính trong cuộc đời và sự nghiệp.
Bản Di chúc là tài sản vô giá của Đảng và nhân dân ta, là những lời căn dặn tâm huyết; mọi tâm nguyện cuộc đời, Bác đều gửi gắm trong Di chúc.
Văn kiện lịch sử vô giá ấy toát lên khí phách, tinh thần lạc quan chiến thắng của một bậc “đại trí, đại nhân, đại dũng”, là kết tinh tư tưởng, đạo đức, phong cách, tâm hồn cao đẹp của Người một cách vô cùng giản dị.
Những hồi ức cảm động của nhà ngoại giao kỳ cựu đã được kể nhiều lần cho con gái, người cũng từng sống và học tập tại Hà Nội, và trở thành những hướng dẫn thực tế và vô giá cho chị trong dự án dịch thuật.
Tâm nguyện của chị là hoàn thành bản dịch ngay trong năm kỷ niệm ý nghĩa 2019 để đến cuối năm có thể triển khai in và ra mắt tại Moskva.
Dù đã đào tạo không ít thế hệ Việt Nam học tại ngôi trường danh giá bậc nhấc Liên bang Nga là Đại học Quan hệ Quốc tế Moskva, song với nhà giáo, dịch giả Svetlana ngay cả một từ phương ngữ trong cuốn Hồi ký cũng phải được bàn bạc, phân tích, cân nhắc để tìm ra một cách tiếp cận đúng nhất trong phương án dịch.
Các bản dịch cũ, các ấn phẩm viết về Bác trong đó có không ít tác phẩm của cha chị được lưu giữ như kho báu của gia đình cũng sẽ là nguồn tham khảo trong những ngày tới đây.
Song hơn tất cả với chị Svetlana sự thẩm định của người cha mang tâm hồn Việt sẽ hữu ích và chính xác, giúp chị vượt qua được “phong ba bão táp” của tiếng Việt, góp thêm tình yêu với vị Lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam, tiếp nối truyền thống gia đình vun đắp cho tình hữu nghị Nga-Việt./.