Đi bộ 10.000 bước chân mỗi ngày - Vận động để phòng chống bệnh tật

Đi bộ 10.000 bước chân mỗi ngày - Vận động để phòng chống bệnh

Những mặt trái của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa, sự già hóa dân số và biến đổi khí hậu... đã làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, tàn phế và tử vong sớm do bệnh tật.
Các đại biểu hưởng ứng phong trào đi bộ 10.000 bước chân mỗi ngày. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Các đại biểu hưởng ứng phong trào đi bộ 10.000 bước chân mỗi ngày. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hiện nay, bên cạnh những thành tựu, trong công tác chăm sóc sức khỏe đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

Điển hình như có 77% người dân hiểu sai về bệnh tăng huyết áp và các yếu tố nguy cơ của bệnh, hơn 70% người dân không biết cách phát hiện sớm và dự phòng bệnh tăng huyết áp; chỉ có trên 30% số bệnh nhân đái tháo đường trong độ tuổi từ 18-69 tuổi được chẩn đoán, còn đến gần 70% chưa được chẩn đoán.

Đặc biệt, thông qua hoạt động “đi bộ 10.000 bước chân” mỗi ngày và hoạt động thể dục, ngành y tế mong muốn truyền tải thông điệp vận động để phòng chống bệnh tật, để thay đổi cuộc sống và vì một Việt Nam khỏe mạnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhấn mạnh như vậy khi phát biểu tại Ngày Sức khỏe thế giới 2019, hưởng ứng Chương trình Sức khỏe Việt Nam do Bộ Y tế tổ chức sáng 7/4 tại Hà Nội.

Tới dự ngày hội có bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban dân vận Trung ương.

[Nhiều người chấn thương thể thao đến viện trong tình trạng muộn]

Ngày Sức khỏe Thế giới năm 2019 được Tổ chức Y tế thế giới phát động với chủ đề Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, hướng tới mục tiêu tất cả người dân và cộng đồng được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng, hiệu quả, giảm thiểu những rủi ro do gánh nặng tài chính của chăm sóc sức khỏe mang lại.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, thời gian qua, ngành y tế Việt Nam đã có nhiều khởi sắc, đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào, như đã đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho 73% dân số - đây là một con số khá cao so với các quốc gia khác trong khu vực.

Đi bộ 10.000 bước chân mỗi ngày - Vận động để phòng chống bệnh ảnh 1Tuyên dương 10 thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam cũng đã sản xuất vắcxin thành công sởi, vắcxin phối hợp sởi-rubella đạt tiêu chuẩn GMP, là quốc gia thứ 11 loại trừ bệnh giun chỉ bạch huyết và tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế trong nước đạt 87,5%, vượt chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ giao.

Bên cạnh đó, là những mặt trái của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa, sự già hóa dân số và biến đổi khí hậu... đã làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, tàn phế và tử vong sớm do bệnh tật, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh mãn tính về đường hô hấp. Những căn bệnh này là những “sát thủ” hàng đầu, đang chiếm 73% số ca tử vong hằng năm.

Nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc và tử vong cao đối với các bệnh không lây nhiễm xuất phát từ lối sống và sự chủ quan của người Việt Nam như: hút thuốc; uống rượu bia; ăn ít rau, trái cây; ăn nhiều muối; thiếu hoạt động thể lực; tình trạng thừa cân béo phì, tăng huyết áp, tăng đường máu, rối loạn lipid máu… đều có xu hướng gia tăng nhanh.

Trong khi đó, mạng lưới y tế tuyến cơ sở chưa quản lý được các bệnh mãn tính, nhiều nơi năng lực còn hạn chế, đại bộ phận người dân chưa có ý thức kiểm tra sức khỏe định kỳ, sàng lọc phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm và lười rèn luyện thể chất.

70% người bệnh ung thư đến khám bệnh và chẩn đoán ở những giai đoạn muộn nên khả năng chữa trị hạn chế và có tới 25-50% bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính không được chẩn đoán đúng trước khi nhập viện điều trị.

Thiết thực triển khai Chương trình Sức khỏe Việt Nam, Bộ Y tế đã phối hợp với các ban, ngành, Đoàn Thanh niên và các tổ chức quốc tế, các hội nghề nghiệp như Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, thực hành của mỗi người dân để thực hiện các hành vi có lợi cho sức khỏe, tự chăm sóc bảo vệ và nâng cao sức khỏe các nhân, gia đình và cộng đồng.

Thông qua các hoạt động nhân ngày Sức khỏe thế giới, Bộ Y tế mong muốn tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khám sàng lọc và tư vấn để cùng vận động các tầng lớp xã hội và cộng đồng chung tay phòng chống các bệnh không lây nhiễm.

Ngoài ra, thông qua hoạt động “đi bộ 10.000 bước chân” và hoạt động đồng diễn thể dục, Ban tổ chức mong muốn truyền tải thông điệp vận động để phòng chống bệnh tật, để thay đổi cuộc sống và vì một Việt Nam khỏe mạnh.

Cũng trong buổi lễ này đã diễn ra lễ tuyên dương Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu lần thứ 18/2018. Đây là giải thưởng thường niên của Trung ương Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam.

Bộ Y tế phát động 5.000 đoàn viên thanh niên và các y bác sỹ trẻ sẽ tham gia đồng diễn dân vũ và tập thể dục 3 phút giữa giờ. Các đại biểu đã tham gia chương trình đi bộ 10.000 bước để hưởng ứng Ngày sức khoẻ thế giới 2019 và Chương trình Sức khỏe Việt Nam.

Song song với các hoạt động hưởng ứng Ngày sức khoẻ thế giới, các Bệnh viện K, Bệnh viện Phổi Trung ương, Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Nội tiết Trung ương tổ chức khám phát hiện các bệnh không lây nhiễm (tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường), sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung... thu hút hơn 1.000 người dân tham gia.

Người dân tham gia khám sàng lọc được tư vấn, chụp X-quang phổi miễn phí, xét nghiệm tiểu đường, đo phân tích huyết áp và khám sàng lọc ung thư; cũng như được tặng các phần quà của nhà tài trợ.

Bên cạnh đó, để hưởng ứng “Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện,” Viện Huyết học truyền máu Trung ương cùng các tình nguyện viên cũng tổ chức vận động hiến máu, góp phần quyết định đảm bảo cung cấp kịp thời máu và các chế phẩm máu an toàn cho cấp cứu và điều trị./.

Ngày 27/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát động Chương trình Sức khỏe Việt Nam, tập trung vào 11 lĩnh vực chia làm 3 nhóm:

(1) Nâng cao sức khỏe: bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực.

(2) Bảo vệ sức khỏe và phòng bệnh: chăm sóc sức khỏe trẻ em và học sinh; phòng chống tác hại của thuốc lá; phòng chống tác hại của rượu, bia; vệ sinh môi trường; an toàn thực phẩm.

(3) Chăm sóc sức khỏe ban đầu, kiểm soát bệnh tật: phát hiện sớm và quản lý một số bệnh không lây nhiễm; chăm sóc, quản lý sức khỏe người dân tại cộng đồng; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; chăm sóc sức khỏe người lao động.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục