Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, Trường Đại học Ngoại thương năm thứ hai liên tiếp được vinh danh tổ chức có tác động xã hội mạnh mẽ tại Cuộc thi toàn cầu Sáng tạo kinh doanh xã hội.
Sáng tạo kinh doanh xã hội (Social Business Creation) là nền tảng đào tạo sáng tạo kinh doanh dưới hình thức một cuộc thi toàn cầu do Trường Kinh doanh HEC Montréal (Canada) và Giáo sư Muhammad Yunus - người đoạt giải Nobel Hòa bình 2006 khởi xướng, tổ chức và bảo trợ về chuyên môn, nhằm hướng đến thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc. Cuộc thi dành cho các dự án kinh doanh tạo tác động xã hội và các tổ chức là các trường đại học có tác động xã hội trên toàn cầu.
Vượt qua hơn 140 đội thi từ hơn 20 quốc gia như Canada, Mexico, Argentina, Đức, Hàn Quốc, Ấn Độ, Bangladesh…., trong vòng chung kết toàn cầu về Sáng tạo kinh doanh xã hội năm 2022 vào đêm 30/9 tại Canada, Trường Đại học Ngoại thương đã xuất sắc giành được nhiều giải thưởng và danh hiệu cho tổ chức, dự án, cố vấn và cá nhân.
[Sinh viên ĐH RMIT về nhất cuộc thi giải quyết tình huống kinh doanh]
Cụ thể, năm 2022, Trường Đại học Ngoại thương được nhận giải thưởng ‘Emerging Change Agent’ là một trong hai giải thưởng vinh dự được trao cho tổ chức giáo dục có tác động đến hoạt động sáng tạo kinh doanh xã hội mạnh mẽ trên toàn cầu từ Ngân hàng Scotiabank và Trường Kinh doanh HEC Montreal Canada, sau khi vượt qua nhiều trường đại học trên thế giới. Đây là năm thứ hai liên tiếp, Trường Đại học Ngoại thương được vinh danh và nhận danh hiệu đáng tự hào tại cuộc thi toàn cầu này.
Trong 4 dự án xuất sắc nhất lọt vào vòng chung kết có 2 dự án của Việt Nam. Một trong số hai dự án đó gồm Trưởng dự án và các bạn thành viên, cố vấn đến đến từ Trường Đại học Ngoại thương, đó là đội VECA - Ứng dụng ve chai công nghệ đến từ Việt Nam vinh dự giành ngôi vị Quý quân toàn cầu cuộc thi năm nay.
VECA là ứng dụng ve chai công nghệ đầu tiên tại Việt Nam, kết nối người cần bán đến với người thu mua phế liệu. VECA mong muốn mang lại sự tiện lợi và minh bạch cho người bán, đồng thời góp phần giúp người thu mua cải thiện hiệu quả công việc. Ứng dụng hoàn toàn miễn phí cho người thu mua và người bán.
Hành trình gần 8 tháng vượt qua nhiều vòng thi với những yêu cầu đầy thách thức, các thành viên dự án của Việt Nam đã rất nỗ lực để xây dựng và triển khai nhiều ý tưởng, giải pháp kinh doanh nhằm giải quyết các vấn đề thách thức của xã hội, 4 bạn trẻ Việt Nam trong đó có 3 sinh viên đến từ Trường Đại học Ngoại thương đã vinh dự giành giải thưởng “Doanh nhân tiêu biểu toàn cầu" trong số 10 bạn trẻ được trao giải trên toàn thế giới. Giải thưởng “Đại sứ SBC toàn cầu” năm nay cũng được trao cho 3 đại diện Việt Nam, trong đó có hai đại diện đến từ trường Đại học Ngoại thương.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn tự hào khi có ba nhà giáo dục, cố vấn đạt giải thưởng “Cố vấn xuất sắc nhất" trong 5 người được trao giải trên toàn cầu, đã truyền được nguồn cảm hứng mạnh mẽ và kinh nghiệm cho các dự án trong khuôn khổ cuộc thi.
Trong hơn 7 năm triển khai, Cuộc thi toàn cầu Sáng tạo kinh doanh xã hội (SBC) đã khẳng định được vị thế của mình khi thu hút được hơn 1.300 người tham gia đến từ hơn 100 trường đại học tại 26 quốc gia trên thế giới. Hiện nay SBC đã có 9 Hub (Trung tâm) ở 8 quốc gia trên thế giới, bao gồm Canada, Mexico, Đức, Argentina, Ấn Độ, Bangladesh, Bolivia và Việt Nam. Được tổ chức từ năm 2016 tới nay, cuộc thi đã thu hút được 477 dự án, hơn 1.500 người tham gia từ hơn 100 trường đại học đến từ các quốc gia trên toàn thế giới.
Từ năm 2018, Đại học Ngoại thương đã chính thức trở thành đơn vị quản lý SBC Hub tại Việt Nam. Từ đó đến nay, trường đã hỗ trợ đồng hành với hàng trăm dự án kinh doanh tạo tác động trên khắp cả nước, đồng thời phát triển mạng lưới SBC Hub đến 24 đối tác tại Việt Nam, trong đó có 13 trường đại học và THPT tại Việt Nam như: Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Ngoại ngữ, Trường Đại học Greenwich, Trường Đại học Swinburne Việt Nam, Trường THPT Việt Đức... và các đối tác đến từ doanh nghiệp, tập đoàn như VNPost, MB, PwC, MoMo, Gamalift,.../.