Dệt may Việt: Áp lực cách mạng 4.0 đòi hỏi tăng năng suất lao động

Doanh nghiệp dệt may Việt Nam giai đoạn tới cần liên tục cập nhật trong quá trình đầu tư mới để có thể tiếp cận công nghệ hiện đại, tránh tình trạng bị mất cạnh tranh do công nghệ lạc hậu.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Đức Duy/Vietnam+)

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra những cơ hội mới cho ngành dệt may ​song để nâng cao ​kim ngạch cũng như mở rộng thị trường, các doanh nghiệp phải liên tục cập nhật ​và tiếp cận công nghệ hiện đại, ​qua đó nâng cao năng suất lao động.

[Nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến hết quý 2]

Xuất khẩu cả năm có thể đạt 31 tỷ USD

Năm 2016, Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu, kế hoạch của năm.

Riêng ngành dệt may đã góp phần đáng kể, với tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành đạt khoảng 28 tỷ USD, tăng 3,3% so với năm trước, nhập khẩu dệt may năm 2016 đạt 17 tỷ USD, tăng 2,7% so với năm 2015.

Đáng chú ý, tỷ lệ giá trị gia tăng của hàng dệt may năm 2016 là 51,3%, tăng 0,3% so với năm 2015.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, mặc dù trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, tình trạng khan hiếm đơn hàng đang xảy ra khá phổ biến ở nhiều doanh nghiệp, nhưng ngành Dệt May Việt Nam vẫn tự tin có thể hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra.

Cụ thể, sau 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu ngành Dệt May Việt Nam đạt gần 23 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành trên 75% kế hoạch xuất khẩu cả năm.

Từ kết quả trên, ông Trường cũng dự báo, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong năm 2016 có thể đạt 31 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2016. Trong đó, các thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều có mức tăng trưởng tốt.


Chuỗi cung ứng ​còn yếu

Mặc dù đạt được nhiều kết quà tích cực song theo các chuyên gia, lợi thế về nhân công giá rẻ sẽ không còn là ưu thế cạnh tranh nữa mà thay vào đó cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là một áp rất lực lớn ​đòi hỏi phải tăng năng suất lao động.

Nói về ​xu hướng này, theo ông Lê Tiến Trường, với doanh nghiệp dệt may giai đoạn tới cần liên tục cập nhật trong quá trình đầu tư mới để tiếp cận công nghệ hiện đại, tránh tình trạng công nghệ sản xuất của Việt Nam sẽ bị mất cạnh tranh do lạc hậu.

"Năm 2017 đầy thách thức, khó khăn, cũng là năm mở ra cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam nhiều cơ hội tự nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư chiều sâu vào kỹ thuật, công nghệ mới với năng suất cao, tìm được nguồn cung ứng nguyên phụ liệu phù hợp để thực hiện chiến lược phát triển bền vững của toàn ngành," ông Trường nói.

Đến thời điểm này, dệt may đang là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu cao nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, do phương thức sản xuất chủ yếu là gia công cho các đơn hàng nước ngoài nên tỷ lệ giá trị gia tăng không cao.

"Một trong những điểm yếu hiện nay là chúng ta chưa phát triển được chuỗi cung ứng dệt may và đây là nguyên nhân chính làm cho ngành dệt may có giá trị gia tăng thập so với nhiều nước trên thế giới," Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh.

Do vậy, để khắc phục những tồn tại trên cũng như nhằm nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng của các sản phẩm dệt may xuất khẩu, ông Hưng cho biết, Chính phủ và các Bộ, ngành đang từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Theo đó, Chính phủ đã ban hành các cơ chế chính sách nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong đó có sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của ngành dệt may, từ đó góp phần phát triển chuỗi cung ứng trong ngành dệt may Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục