Dệt may: Doanh nghiệp áp lực về đơn hàng, thiếu điện cho sản xuất

Theo lãnh đạo Vinatex, việc mất điện khiến nhiều doanh nghiệp dệt nhuộm trong khu công nghiệp Phố Nối (Hưng Yên) bị ảnh hưởng, nhiều mẻ nhuộm đơn hàng phải bỏ đi, thiệt hại rất lớn
Dệt may: Doanh nghiệp áp lực về đơn hàng, thiếu điện cho sản xuất ảnh 1Dù khó khăn song đời sống của người lao động dệt may thuộc Vinatex vẫn được đảm bảo. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Đơn hàng khó khăn trong khi đơn giá xuất khẩu giảm, cùng đó là tình trạng thiếu điện, cắt điện diễn ra trong những tháng gần đây đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp dệt may.

Đây là chia sẻ của ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tại buổi trao đổi với báo chí về kết quả hoạt động sản xuất-kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 do Vinatex tổ chức ngày 20/6.

Giảm hiệu suất bởi mất điện đột ngột

- Năm 2023 là năm được nhiều chuyên gia dự báo sẽ vô cùng khó khăn đối với các doanh nghiệp. Vậy xin ông cho biết những yếu tố tác động tới ngành dệt may nói chung và Vinatex trong những tháng đầu năm vừa qua?

Ông Cao Hữu Hiếu: Có thể thấy việc thiếu điện trong tháng Năm vừa qua ảnh hưởng khá nhiều tới các doanh nghiệp trong tập đoàn. Hiện mỗi đơn vị trong ngành dệt may lại ứng xử với việc mất điện khác nhau.

Đơn cử, ngành May khi mất điện không thông báo trước thì tất cả công nhân phải nghỉ việc, song với ngành Nhuộm việc cắt điện đột ngột chắc chắn sẽ khiến sản phẩm bị hỏng và không làm lại được.

[Hóa giải khó khăn, tạo đà thúc đẩy xuất khẩu]

Thực tế, nhiều doanh nghiệp dệt nhuộm trong khu công nghiệp Phố Nối (Hưng Yên) vừa qua bị mất điện đã khiến nhiều mẻ nhuộm, đơn hàng phải bỏ đi, thiệt hại rất lớn. Tương tự với ngành sợi, mỗi lần lên máy khởi động lại phải mất nhiều tiếng đồng hồ.

Mặc dù lịch cắt điện ban đầu cũng được thông báo, nhưng sau do sự cố quá tải, mất điện đột ngột đã gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất. Dự báo, việc này có thể tiếp tục ảnh hưởng trong tháng Sáu, khi một số đơn vị vẫn nhận được lịch cắt điện.

Mặc dù tập đoàn đã phải cân nhắc để sản xuất sao cho phù hợp và có phương án, như nhiều doanh nghiệp phải cho công nhân nghỉ việc…, tuy nhiên có thể thấy vấn đề này sẽ ảnh hưởng tới doanh thu, sản lượng của các đơn vị thuộc Vinatex.

- Trong bối cảnh đó, tình hình thị trường và đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may trong 6 tháng đầu năm nay như thế nào, thưa ông?

Ông Cao Hữu Hiếu: Dù đã đi được gần nửa đầu năm, song đánh giá tình hình chung cho thấy các doanh nghiệp dệt may vẫn rất khó khăn. Tuy nhiên, những khó khăn này cũng đã được lường trước và Vinatex đưa ra dự báo từ quý 3/2022.

Dệt may: Doanh nghiệp áp lực về đơn hàng, thiếu điện cho sản xuất ảnh 2Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Vinatex chia sẻ với báo chí. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Nhìn lại năm 2022 cho thấy, trong nửa đầu năm, Vinatex đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, khi đã hoàn thành xong chỉ tiêu về lợi nhuận mà Đại hội cổ đông giao cho tập đoàn. Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm 2022 thì đảo chiều, khó khăn trở lại và tập đoàn phấn đấu để có thể giữ vững được các kết quả đó.

Bước sang năm 2023, khó khăn vẫn tiếp diễn, không chỉ riêng dệt may, tất cả các ngành của nền kinh tế đều khó khăn. Số liệu của hải quan cho thấy có 6/7 ngành xuất khẩu chủ lực có kim ngạch trên 5 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm đều giảm, trong đó giảm sâu nhất như ngành điện tử, lắp ráp điện thoại, chế biến gỗ, thủy sản, dệt may, da giày, riêng dệt may giảm từ 18-20%.

Về phía Vinatex, khó khăn thể hiện ở 2 lĩnh vực chính. Đầu tiên với ngành sợi, khó khăn bắt đầu từ quý 3, 4/2022 và tiếp tục những tháng đầu năm nay. Cụ thể là khách hàng nhập khẩu thấp trong khi giá giảm (do giá bông, nguyên liệu chính của kéo sợi giảm liên tục).

Trong khi đó, tại thị trường Trung Quốc (thị trường lớn nhất của ngành sợi Việt Nam), các doanh nghiệp Việt Nam đang phải cạnh tranh rất lớn, nhất là về giá cả, do ưu thế hơn nên doanh nghiệp của bạn sử dụng sợi ngay từ nội địa. Vì vậy, toàn bộ ngành sợi của Việt Nam và Vinatex đang tồn kho lớn, trong khi các doanh nghiệp vẫn phải nỗ lực để duy trì sản xuất.

Còn với ngành May, từ quý 4/2022 và nửa đầu năm 2023 cho thấy đơn hàng rất nhỏ lẻ, manh mún. Khó khăn này chưa qua thì những khó khăn khác lại đến, có khách hàng nhận xong lại yêu cầu chậm giao nhận hàng, gây khó khăn trong việc lưu chuyển dòng tiền, khó khăn về kho chứa sản phẩm khi chưa xuất khẩu được ngay, thậm chí khách hàng đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe hơn.

Tóm lại, bức tranh chung đối với doanh nghiệp dệt may hiện đang trong tình trạng đơn hàng nhỏ lẻ, chi phí gia công thấp, mặt hàng không đúng sở trường, doanh nghiệp vẫn phải đầu tư thêm máy móc thiết bị và đào tạo thêm tay nghề công nhân để làm, bởi không làm sẽ trống dây chuyền và nhân viên phải nghỉ việc.

Dệt may: Doanh nghiệp áp lực về đơn hàng, thiếu điện cho sản xuất ảnh 3Sản xuất hàng mặc xuất khẩu tại Tổng Công ty may 10. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Ngoài ra, ngành dệt kim cũng gặp khó khăn, sản phẩm dệt kim trong giai đoạn 2020-2021 khi có dịch COVID-19 thì sản phẩm này được tiêu thụ rất lớn, song suốt năm 2022 thì tồn kho tăng cao và thiếu đơn hàng.

Tập trung các giải pháp thị trường

- Trước những khó khăn trên, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã đề ra các giải pháp gì để có thể duy trì sản xuất và xuất khẩu, thưa ông?

Ông Cao Hữu Hiếu: Vinatex đã đề ra nhiều giải pháp trên cơ sở tiên lượng những diễn biến của thị trường. Hàng tháng, Vinatex đều tổ chức hội nghị chuyên đề về thị trường nhằm cung cấp các thông tin, dự báo của các tổ chức kinh tế trên thế giới và trong nước về ngành dệt may để doanh nghiệp làm cơ sở tham khảo, đưa ra các quyết định của mình. Bên cạnh đó, Vinatex cũng tiên lượng những khó khăn để doanh nghiệp trong tập đoàn có được ứng phó linh hoạt trong điều kiện khó khăn như vậy.

- Xuất khẩu dệt may vào một số thị trường 4 tháng đầu năm:

Dệt may: Doanh nghiệp áp lực về đơn hàng, thiếu điện cho sản xuất ảnh 4

Song cũng phải nhấn mạnh rằng mặc dù khó khăn nhưng với toàn bộ lực lượng lao động khoảng gần 63.000 người trong nửa đầu năm, các doanh nghiệp của Vinatex vẫn duy trì ổn định lao động, chưa một đơn vị nào phải cho lao động nghỉ việc do thiếu đơn hàng và tiếp tục giữ ổn định thu nhập trên 9 triệu đồng/tháng.

Hiện khách hàng vẫn được duy trì và với ngành May đang hết sức linh hoạt trong việc sản xuất, chấp nhận làm đơn hàng nhỏ, số lượng ít nhưng đòi hỏi thời gian giao hàng nhanh hơn, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật tốt và cao hơn.

Ngoài ra, ngành sợi cũng phải đi tìm thêm các thị trường mới. Ngoài thị trường Trung Quốc thì thị trường nội địa, nhất là các doanh nghiệp FDI cũng cần được đẩy mạnh đồng thời linh hoạt về mặt sản phẩm, đặc biệt khi yêu cầu của các nhà sản xuất thế giới đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn... Trên cơ sở đó, doanh nghiệp mới có thể thực hiện mục tiêu về sản xuất và ổn định đời sống người lao động cũng như giảm lỗ đến mức thấp nhất, đảm bảo dòng tiền để hoạt động.

Mặc dù tại Đại hội cổ đông được tổ chức đầu tháng Sáu vừa qua, Vinatex đã xây dựng 3 kịch bản (xấu, trung bình và tốt), nhưng lãnh đạo tập đoàn vẫn quyết định chọn kịch bản tốt nhất cho năm 2023.  

Theo đó, lợi nhuận dự kiến năm nay ở mức 610 tỷ đồng. Với các yếu tố thị trường trong bối cảnh nhiều khu vực trên thế giới vẫn khó khăn thì tôi cho rằng đây là kịch bản tốt nhất mà Vinatex lựa chọn và phấn đấu để thực hiện được.

- Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục