Dệt may, đồ gỗ quay lại chinh phục thị trường nội địa

Ngay khi việc tiêu thụ ở các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản gặp khó khăn, ngành hàng đầu tiên trở lại đẩy mạnh thị trường trong nước là dệt may với những nỗ lực vượt bậc. Vinatex đang triển khai hệ thống phân phối để đưa hàng về tận các vùng sâu, vùng xa; hệ thống Vinatex Mart cũng tổ chức các chương trình “Sành điệu cùng hàng hiệu Việt Nam”, thi biểu diễn thời trang hàng Việt với khẩu hiệu “Khi khách hàng mua một sản phẩm dệt may Việt Nam là tạo thêm một việc làm cho công nhân”...
Ngay khi việc tiêu thụ ở các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản gặp khó khăn, ngành hàng đầu tiên trở lại đẩy mạnh thị trường trong nước là dệt may với những nỗ lực vượt bậc.

May: "Sành điệu cùng hàng hiệu Việt Nam"

Giờ đây, những sản phẩm mang thương hiệu Việt Tiến, May 10, Nhà Bè, Việt Thắng... không còn quá xa lạ với người tiêu dùng Việt Nam.

Theo ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hiện hệ thống siêu thị chuyên hàng may mặc Vinatex Mart, hệ thống cửa hàng sản phẩm của các nhãn hiệu riêng như Wow, Vera, San Sciaro, Sanding, F.house, An Phước, Thái Tuấn, Foci... là điển hình của doanh nghiệp biết xây dựng thương hiệu cùng mạng lưới bán lẻ tại thị trường nội địa.

Đặc biệt, tại thị trường nông thôn, hàng dệt may Việt Nam đã nhanh chóng tìm lại được vị thế nhờ giá cả hợp lý, mẫu mã đẹp và chất lượng khá tốt.

Ông Vũ Đức Giang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, Vinatex dự kiến dành 6-7 tỉ đồng đưa hàng về thị trường nông thôn và triển khai chương trình vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Theo đó, Vinatex đang triển khai hệ thống phân phối để đưa hàng về tận các vùng sâu, vùng xa; hệ thống Vinatex Mart cũng tổ chức các chương trình “Sành điệu cùng hàng hiệu Việt Nam”, thi biểu diễn thời trang hàng Việt với khẩu hiệu “Khi khách hàng mua một sản phẩm dệt may Việt Nam là tạo thêm một việc làm cho công nhân”...

Với những nỗ lực này, 9 tháng qua, doanh số thị trường nội địa của Vinatex đã tăng 17- 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Vinatex đang phấn đấu đưa tỉ lệ này lên 28- 30% vào cuối năm nay.

Gỗ: Tiệm cận nhu cầu nội thất của người tiêu dùng

Cũng giống như hàng dệt may, năm 2009, thị trường xuất khẩu sản phẩm gỗ cũng bị thu hẹp nên các doanh nghiệp đồ gỗ cũng đã tập trung cho thị trường nội địa.

Tại thị trường trong nước, các chuyên gia kinh tế nhận định, ngành gỗ đang có nhiều cơ hội vì sức mua của người tiêu dùng trong nước tăng cao.

Theo Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (Hawa), nhu cầu sử dụng đồ gỗ ở thị trường nội địa ngày càng tăng, bình quân khoảng 15%/năm.

Nhiều doanh nghiệp gỗ đã quay lại thị trường trong nước bằng hình thức mở cửa hàng, siêu thị nội thất hay xây dựng mạng lưới đại lý bán lẻ như Trường Thành, Nguyễn Thanh…

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh dự tính thành lập công ty cổ phần của Hội với chức năng như một trung tâm tiêu thụ, phân phối sản phẩm của các doanh nghiệp thành viên và một số chức năng tài chính khác nhằm kết nối cơ hội kinh doanh giữa nhà sản xuất và nhà phân phối, đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa, tìm đầu ra cho doanh nghiệp./.

(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục