Dẹp vỉa hè sao không trả lại cả sự thông thoáng cho lòng đường?

Hơn một tháng nay, đề tài dẹp vỉa hè đã trở thành câu chuyện rôm rả. Nhưng bên cạnh đó, rất nhiều người dân thắc mắc, dẹp vỉa hè sao không trả lại cả sự thông thoáng cho lòng đường?
Ôtô đỗ trên vỉa hè và lòng đường (Ảnh chụp chiều 13/4, tại số nhà 24 phố Lý Thường Kiệt - Hà Nội). (Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN)

Hơn một tháng nay, đề tài dẹp vỉa hè đã trở thành câu chuyện rôm rả và nóng hổi không chỉ trên các phương tiện thông tin đại chúng mà ở bất cứ đâu cũng dễ dàng nghe ngóng được. Phải thừa nhận, đường phố có sự thay đổi hẳn và ảnh hưởng ngay tới sinh hoạt của người dân khiến ai ai cũng quan tâm.

Nhiều người vẫn hoài nghi, liệu kỷ cương duy trì được đến bao giờ. Thế nhưng, cũng giống như quy định phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, lúc đầu cũng gặp phản đối, tưởng chừng phải bỏ cuộc thì nay đã đi vào nề nếp. Và câu chuyện dẹp vỉa hè cũng vậy, chắc sẽ có cái kết đẹp nếu biết sắp xếp khoa học và đồng bộ.

Tại sao lại đặt vấn đề đồng bộ bởi rất nhiều người dân thắc mắc, dẹp vỉa hè sao không trả lại cả sự thông thoáng cho lòng đường. Hiện nay có rất nhiều các tuyến phố được kẻ vạch để làm điểm đỗ xe có thu phí, đặc biệt là khu vực nội đô cũ. Thậm chí có những phố chật hẹp như Bùi Thị Xuân, Mai Hắc Đế cũng bố trí điểm trông giữ xe dọc tuyến khiến phương tiện giao thông di chuyển khó khăn, nhất là vào giờ cao điểm.

[Thí điểm trông giữ xe qua di động sẽ tạo minh bạch và dẹp "loạn phí”]

Đành rằng, các điểm đỗ xe này nhằm giải quyết nhu cầu của người dân nhưng trong điều kiện quỹ đất hạn hẹp như hiện nay và số lượng phương tiện tiếp tục gia tăng thì đây có phải là giải pháp đúng của các đô thị.

Theo các chuyên gia đô thị, về lý thuyết, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh phải chiếm khoảng 1/5 diện tích đất đô thị. Hà Nội dù đã có nhiều cố gắng thì cũng chỉ đạt khoảng 8%.

Ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch kiến trúc và đô thị Hà Nội cho hay, hiện diện tích giao thông mới đạt không quá 10% diện tích đất tự nhiên và các điểm đỗ xe tĩnh chỉ chiếm 0,3 %. Như vậy, chỉ có thể giải quyết được 10% chỗ đỗ xe theo thông lệ tốc độ phát triển .

Trong khi đó, tại Hà Nội, tốc độ gia tăng xe cơ giới vẫn tiếp tục tăng nhanh chóng mặt. Tại các đô thị lớn như Hà Nội, quỹ đất đã cạn kiệt. Các không gian lớn, không gian xanh ngày càng bị thu hẹp nên đòi hỏi việc phát triển phải tận dụng tối đa quỹ đất, phát triển cả chiều cao, lẫn chiều sâu.

Thế nhưng, các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh lại chưa chú trọng đến không gian ngầm - một trong những xu hướng tất yếu đã được nhiều quốc gia trên thế giới triệt để tận dụng.

Đơn cử như việc Thành phố Hồ Chí Minh do không có quy hoạch không gian ngầm nên khi thực hiện đầu tư xây dựng các tuyến metro đã khiến các đơn vị tư vấn, thiết kế và cả cơ quan quản lý phải đau đầu tính toán. Phần diện tích nổi trên mặt đất đã hiện hữu các công trình từ trước, diện tích còn lại thì quá chật hẹp, khó đáp ứng nếu muốn phát triển hệ thống giao thông ngầm một cách đồng bộ.

Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Trần Ngọc Chính nhận xét, tại Việt Nam, tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng phát triển hạ tầng lại chưa theo kịp. Giao thông tắc nghẽn nhiều nơi một phần nguyên nhân là do ô tô đỗ trên đường. Điều này thể hiện giao thông tĩnh thiếu nhiều, ngay kể cả dân cư sinh sống trong các chung cư cao tầng cũng chưa có đủ chỗ đỗ xe.

Trong khi đó, Hà Nội hầu như không sử dụng không gian ngầm đô thị, chỉ tận dụng quỹ đất trên bề mặt mà diện tích này đang ngày càng hạn hẹp. Việc sử dụng quỹ đất đang bất hợp lý. Bố trí và sử dụng đất cho không gian ngầm, không gian công cộng, phục vụ cho sinh hoạt xã hội đang là đòi hỏi cấp bách - ông Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến Trúc sư Việt Nam khẳng định.

Ngay cả các khu đô thị đã có tính toán đến hạ tầng nhưng hiện vẫn rất hiếm các khu đáp ứng đủ nhu cầu của người dân về cây xanh, sân chơi. Bấy lâu nay, việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh hay làm chỗ đỗ xe đã trở nên phổ biến. Điều này không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nguy cơ về an toàn giao thông.

Bởi vậy, nếu cơ quan chức năng và chính quyền sở tại chỉ lo mỗi dẹp vỉa hè mà vẫn cho khai thác lòng đường làm chỗ đỗ xe thì e chưa giải quyết tận gốc rễ vấn đề. Đã đến lúc phải suy nghĩ nghiêm túc về hệ thống công trình ngầm. Nếu như các khu vực phát triển mới của Hà Nội như phía Tây chưa quá bức xúc về vấn đề đỗ xe thì khu vực các quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Ba Đình hay Hai Bà Trưng, Đống Đa thì đây lại là vấn đề nan giải.

Chị Minh Thu sống ở khu Mỹ Đình nhưng đang làm việc tại một cơ quan trên phố Hàng Trống. Đi làm xa nên chị chọn ô tô làm phương tiện sử dụng hàng ngày. Tuy nhiên, tìm chỗ đỗ xe là một cực hình đối với chị. Có những hôm đến cơ quan, tìm được chỗ đỗ xe xong thì chị không dám lấy xe đi đâu bởi sợ quay lại thì “mất chỗ” mặc dù tính chất công việc phải di chuyển liên tục.

Thế là mang tiếng có xe riêng nhưng chị Thu thường xuyên phải sử dụng taxi khi ở cơ quan mà cần đi đâu đó. Khu vực phố trung tâm, phố cổ thực sự là “tấc đất, tấc vàng” thì dành đất để làm bãi trông giữ xe là phương án bất khả thi. Thế nhưng, đâu đó quanh khu vực này vẫn còn những quảng trường, vườn hoa lớn chưa được tận dụng hết khả năng.

Một doanh nghiệp từng chia sẻ, nếu những quảng trường hay vườn hoa này được đầu tư làm bãi đỗ xe ngầm thì giải quyết đáng kể lượng xe đỗ, giảm diện tích chiếm dụng trên mặt đường giao thông. Theo tính toán sơ bộ của doanh nghiệp này, chi phí xây bãi đỗ xe khoảng từ 10 đến hơn 15 triệu đồng/m2, tùy theo số tầng hầm bố trí. Các hầm chuyên phục vụ đỗ xe sẽ tận dụng được tối đa diện tích sử dụng ngầm dưới các công viên, vườn hoa hay quảng trường bởi không bị vấp nhiều cột như hầm ngầm dưới chung cư hay tòa nhà.

Tuy nhiên, nguồn kinh phí bỏ ra sẽ không phải là ít. Các doanh nghiệp luôn phải đặt hiệu quả lên hàng đầu. Bởi vậy, cũng sẽ khó có doanh nghiệp mặn mà tham gia phân khúc này nếu thiếu sự hỗ trợ của chính quyền các đô thị. Đổi đất lấy hạ tầng thì nhiều nơi đã thực hiện khá thành công. Nhưng bài toán kinh tế với các công trình ngầm phục vụ đô thị thì vẫn đang bỏ ngỏ, đợi chờ lời giải./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục