Đeo kính áp tròng nhiều năm, người phụ nữ bị mù 1 mắt vì lý do không ngờ

Rachel Prochnow, đến từ Austin, Texas, là một trong 45 triệu người ở Mỹ thường xuyên sử dụng kính áp tròng. Cô bắt đầu đeo loại kính này từ năm 12 tuổi và luôn tuân thủ mọi hướng dẫn.

Rachel Prochnow chia sẻ tình trạng mắt của mình sau khi đeo kính áp tròng khi tắm. (Nguồn: Newsweek)
Rachel Prochnow chia sẻ tình trạng mắt của mình sau khi đeo kính áp tròng khi tắm. (Nguồn: Newsweek)

Kính áp tròng đã trở thành một trợ thủ đắc lực cho những người gặp vấn đề về thị lực mà không thể phẫu thuật và không muốn đeo kính, vì lý do thẩm mỹ hay do công việc.

Rachel Prochnow, đến từ Austin, Texas, là một trong 45 triệu người ở Mỹ thường xuyên sử dụng kính áp tròng. Mặc dù bắt đầu đeo loại kính này từ năm 12 tuổi, nhưng trên thực tế, cô chưa từng nhận được lời khuyên hay cảnh báo nào từ bác sỹ về tác hại của loại kính này.

Và điều đáng buồn đã xảy ra. Vào năm 2023, khi đang mang thai 34 tuần, cô đã bị hỏng một bên mắt sau khi đeo kính áp tròng trong lúc tắm, và sau đó đã phải phẫu thuật ghép giác mạc để lấy lại thị lực.

Chia sẻ về trải nghiệm đáng sợ của mình, Prochnow, người được chẩn đoán mắc bệnh viêm giác mạc do Acanthamoeba vào năm 2023, cho biết trên Newsweek: “Tôi nghĩ rằng mình đã làm đúng mọi thứ. Tôi không bao giờ đeo kính áp tròng khi ngủ. Tôi thay kính khi đã hết hạn. Tôi sử dụng dung dịch ngâm để bảo quản kính, và thậm chí thay hộp đựng kính 2 tháng một lần.”

Tuy nhiên, chỉ sau một lần tắm mà không tháo kính áp tròng, cô đã bị viêm giác mạc do Acanthamoeba. Đây là một tình trạng tương đối hiếm gặp, nhưng có thể để lại hậu quả nghiêm trọng.

kinh ap trong 2.jpeg
Việc đeo kính áp tròng không đúng cách có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. (Nguồn: All about vision)

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ CDC định nghĩa đây là một tình trạng nhiễm trùng mắt nghiêm trọng dẫn đến mù lòa hoặc suy giảm thị lực vĩnh viễn. Tình trạng này do một loài amip sống tự do có kích thước siêu nhỏ, một sinh vật đơn bào có tên gọi là Acanthamoeba xâm nhập vào mắt qua kính áp tròng.

"Tình trạng này xảy ra khi bạn đeo kính áp tròng và tắm vòi sen, bơi lội hoặc ngâm mình trong bồn nước nóng," Prochnow, một người sáng tạo nội dung, cho biết.

"Bạn có thể bị nhiễm trùng bất cứ khi nào nếu kính áp tròng của bạn tiếp xúc với nước máy, vì vậy điều này bao gồm cả việc rửa mặt khi đeo kính áp tròng. Kính áp tròng tạo ra các vết nứt nhỏ trong mắt mà thông thường bạn không nhận thấy, nhưng khi nước có chứa những loại amip này chảy qua mắt, một số có thể bị kẹt giữa kính áp tròng và mắt bạn."

Cô cho biết thêm: “Thậm chí, trên bao bì của kính áp tròng còn không hề khuyến cáo bạn không được để kính tiếp xúc với nước máy.”

Prochnow đã phải trải qua một chế độ điều trị rất khắc nghiệt, bao gồm việc liên tục phải nhỏ thuốc mắt mỗi giờ trong vòng 3 tháng, dùng nhiều loại thuốc khác nhau và cuối cùng là ghép giác mạc với hy vọng có thể cải thiện được thị lực.

Cô buộc phải sinh con bằng cách kích thích ở tuần thứ 37 của thai kỳ để bắt đầu chu trình điều trị bằng cách uống thuốc nếu không muốn mất toàn bộ con mắt. May mắn thay, hiện tại tình trạng đã tốt lên và cô có khả năng phục hồi hoàn toàn.

"Đeo kính áp tròng khi tắm là điều tối kỵ vì nhiều lý do," Tiến sỹ Meenal Agarwal, một bác sỹ nhãn khoa nổi tiếng tại Ontario, Canada, chia sẻ trên Newsweek. "Lý do quan trọng nhất là nguy cơ nhiễm trùng tăng cao. Nước tắm có chứa vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng mắt nghiêm trọng, được gọi là viêm giác mạc do vi khuẩn. Và nếu vi khuẩn tiếp xúc với kính áp tròng của bạn, chúng sẽ bị mắc kẹt trong giác mạc, dẫn đến tình trạng nhiễm trùng có thể đe dọa thị lực."

Bác sỹ này cho biết thêm rằng viêm giác mạc do Acanthamoeba cũng có thể do việc vệ sinh hoặc bảo quản kính áp tròng không đúng cách, như sử dụng nước máy để rửa kính áp tròng và hộp đựng, hoặc đeo kính áp tròng quá nhiều.

"Về cơ bản, amip sẽ tìm đường vào bề mặt trước của mắt và lây nhiễm vào mắt, khiến mắt đau dữ dội, nhạy cảm với ánh sáng, mờ mắt và mất thị lực vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời và phù hợp," bác sỹ Agarwal cho biết.

Viêm giác mạc do Acanthamoeba có thể khó chẩn đoán và thậm chí còn khó điều trị hơn do amip kháng thuốc. Phương pháp điều trị thông thường bao gồm kết hợp thuốc nhỏ mắt như thuốc sát trùng và diamidine, nhưng việc ghép giác mạc như của Prochnow có thể phát huy tác dụng khi giác mạc bị tổn thương quá nhiều./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục