Đến Văn Miếu, nghe bia đá 'kể chuyện' khoa cử Việt Nam

Thông qua trưng bày, công chúng tham quan sẽ có thêm một góc nhìn mới, gần gũi và đầy tính khám phá về bia tiến sỹ và giáo dục khoa cử nước ta từ thời phong kiến.
Khách tham quan triển lãm "Bia đá kể chuyện." (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 16/1, Trung tâm Hoạt động Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám khai mạc trưng bày chuyên đề “Bia đá kể chuyện” tại Khu nhà bia tiến sỹ.

Đây là hoạt động mừng Xuân Ất Tỵ 2025, kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2025) và hướng tới dịp kỷ niệm 950 năm khoa thi Nho học đầu tiên (1075-2025).

Tiếp nối thành công của trưng bày “Bia đá kể chuyện” tổ chức vào năm 2022, sự kiện lần này trưng bày lần này khai thác giá trị nội dung và nghệ thuật của toàn bộ 82 bia đề danh tiến sỹ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Trưng bày chia thành 4 chủ đề chính: “Chiêu mộ hiền tài” giới thiệu một số nét chính về giáo dục khoa cử Nho học của Việt Nam; “Con đường khoa cử” giới thiệu thông tin về thi cử và chế độ đãi ngộ dành cho những người đỗ đạt; “Gương sáng tiền nhân” giới thiệu một số danh nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho giáo dục nước nhà và một số lĩnh vực khác; “Tài hoa nghệ thuật” giới thiệu cảm nhận bàn tay tài hoa và thế giới quan phong phú của những nghệ nhân tạo tác bia tiến sỹ.

Triển lãm giúp công chúng có cảm nhận sâu hơn về những nội dung tư liệu hiện hữu cũng như khám phá điều ẩn chứa trong những tấm bia đá. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo ông Nguyễn Văn Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám, trưng bày lần này đặt cạnh những tấm bia sẽ tạo hiệu quả cao về thị giác và tâm lý, làm cho công chúng được tiếp cận gần hơn với di sản, để có cảm nhận sâu hơn về những nội dung tư liệu hiện hữu cũng như khám phá điều ẩn chứa trong những tấm bia đá.

“Triển lãm cho thấy giá trị của 82 tấm bia đá đề danh tiến sỹ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám không chỉ gói gọn trong nội dung văn bia viết bằng chữ Hán và những hoa văn trang trí trên diềm bia mà ẩn chứa trong đó là hàng nghìn câu chuyện thú vị về 1.304 vị tiến sỹ cũng như 82 khoa thi kéo dài trong thời gian bốn thế kỷ được kể một cách trực quan, sinh động,” ông Nguyễn Văn Tú cho biết.

Nhân dịp năm mới, Trung tâm Hoạt động Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám cũng sẽ tổ chức Hội Chữ Xuân Ất Tỵ 2025 từ ngày 23/1 đến ngày 9/2 tại Hồ Văn.

Đây là sự kiện văn hóa đặc sắc diễn ra thường niên, vừa tôn vinh giá trị văn hóa, lịch sử, tri thức qua 100 tác phẩm thư pháp Hán Nôm, Quốc ngữ, vừa tạo không gian lễ hội vui tươi và an toàn.

Theo ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám, năm nay, Hội Chữ Xuân diễn ra trong không gian Hồ Văn mới được cải tạo, với cơ sở hạ tầng đã hoàn thiện, góp phần nâng cao trải nghiệm của du khách trong hành trình khám phá văn hóa nhân dịp đầu Xuân năm mới.

Các thư pháp gia trình diễn thư pháp kết hợp cùng nghệ thuật đương đại. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Bên cạnh đó, lần đầu tiên có 3 triển lãm diễn ra trong khuôn khổ Hội Chữ Xuân Ất Tỵ.

Triển lãm thư pháp “Thực học” trưng bày 100 tác phẩm thư pháp Hán Nôm và Quốc ngữ. Nội dung các tác phẩm giới thiệu những áng văn thơ về Thăng Long-Hà Nội của các danh nhân như: Lê Thánh Tông, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… nhằm tôn vinh truyền thống hiếu học, hiếu nghĩa, trọng thầy, trọng chữ của dân tộc Việt Nam.

Triển lãm ảnh “Việt Nam quê hương tôi” giới thiệu 50 tác phẩm nhiếp ảnh về di sản chọn lọc từ Giải thưởng Ảnh Di sản Việt Nam.

Triển lãm “Vẽ con rắn” mang đến góc nhìn đa dạng về rắn, linh vật của năm mới Ất Tỵ trong truyền thống và hiện đại. Triển lãm giới thiệu 77 tác phẩm tranh minh họa của 75 họa sỹ Việt Nam đang sinh sống ở nhiều nước trên thế giới, mang đến những câu chuyện thú vị và tích cực về con giáp này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục