Những năm vừa qua, thành phố Hà Nội đã đưa vào vận hành, khai thác các nút điều khiển đèn tín hiệu ở một số tuyến đường như Xuân Thủy-Cầu Giấy, ngã tư Kim Mã-Giang Văn Minh, ngã ba Hàng Trống-Lê Thái Tổ, đoạn trước cửa Bưu điện thành phố, nút giao Trần Quang Khải… cũng đã triển khai nhằm giúp người sang đường dễ dàng, thuận tiện và đảm bảo an toàn giao thông.
Các nút điều khiển đèn tín hiệu đều có hướng dẫn bằng chữ tiếng Việt, người dân chỉ cần thực hiện theo đúng quy trìnhvới thao tác bấm đơn giản, chờ một lúc đèn ưu tiên sẽ hiện đỏ đồng thời nút ở hộp bấm dành cho người đi bộ sẽ chuyển màu xanh.
Tuy nhiên, sau nhiều năm đưa vào sử dụng, một số nút điều khiển đèn tín hiệu bị hỏng, mất tín hiệu dẫn đến việc người đi bộ đối diện với nguy cơ mất an toàn giao thông.
Là sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, em Nguyễn Mạnh Cường thường ngày vẫn phải “đánh cược” với giao thông mỗi lần sang đường.
Cường kể dù nhiều lần bấm đèn tín hiệu để xin qua đường nhưng xe cộ vẫn qua lại nườm nượp, cố tình không nhường đường, thậm chí còn thản nhiên vượt đèn. Người đi bộ muốn sang đường chỉ còn cách giơ tay báo hiệu rồi băng qua đường.
“Mỗi lần sang đường là một lần cảm giác sợ hãi tột độ. Dòng xe ô hợp cả ôtô và xe máy lao vun vút, khiến người đi bộ sang đường cảm thấy sợ sệt bởi có thể bị xe đâm bất cứ lúc nào. So với cầu vượt hay hầm dành cho người đi bộ thì đèn tín hiệu vẫn chưa phát huy hết tác dụng, còn nhiều bất cập,” Cường bày tỏ lo lắng.
Tương tự, các cầu vượt đi bộ trên nhiều tuyến phố như: Cổng trường Đại học Quốc gia Hà Nội (Xuân Thủy-Cầu Giấy), Học viện Ngân Hàng, Bệnh viện Thanh Nhàn, đường Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Chí Thanh… đã phát huy hiệu quả tác dụng khi người đi bộ sang đường trở nên an toàn hơn.
Hà Nội: Người đi bộ liều mình sang đường, đánh đu với “tử thần”
Dù đã có cụm đèn tín hiệu dành riêng cho người đi bộ sang đường, tuy nhiên, nhiều chủ xe vẫn vô tư vượt đèn đỏ khiến nguy cơ tai nạn giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Có mặt tại cầu vượt trên đường Nguyễn Văn Cừ, nhiều người đã dễ dàng sang đường đối diện khi những cầu vượt đi bộ có lối dẫn lên và xuống để “thượng đế” tiếp cận nhanh chóng.
Tuy nhiên, một số người dân vẫn trèo qua hàng rào, dải phân cách băng ngang dưới lòng đường để rút ngắn thời gian đi lại.
Từng chứng kiến vụ tai nạn thương tâm do sang đường mà không dùng cầu vượt đi bộ tại phố Chùa Bộc, đến nay, Lan Nhi, sinh viên năm 3 trường Học viện Ngân Hàng luôn bị ám ảnh và nhắc nhở bản thân luôn luôn dùng cầu vượt bộ hành mỗi khi sang đường.
“Do cầu vượt cách xa cổng trường hay ngõ sinh sống nên để tiết kiệm thời gian một số người dân và học sinh vẫn trực tiếp băng qua đường đông đúc xe cộ, mà đã bỏ quên tác dụng của những câu cầu này,” Lan Nhi nhìn nhận.
Ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết thành phố cần khảo sát, tính toán kỹ càng những vị trí hợp lý để phục vụ cho người đi bộ, để đảm bảo an toàn, không làm ảnh hưởng đến các phương tiện khác, không gây ùn tắc, tai nạn giao thông.
Khi lắp đèn tín hiệu cho người đi bộ, ông Tạo cho rằng cũng cần cân nhắc thời gian dành cho người đi bộ dựa trên các yếu tố như chiều rộng của đường, số lượng người đi bộ... Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng xử phạt thật nghiêm chủ phương tiện không chịu nhường đường cho người đi bộ nhằm đảm bảo tính răn đe, nâng cao ý thức văn hóa giao thông.
Với những người tùy tiện sang đường mà không dùng cầu vượt bộ hành, hoặc vạch đường dành cho người đi bộ, theo ông Tạo, thành phố có thể bố trí rào chắn tại một số vị trí để cho người đi bộ không thể đi qua và xử phạt những người đi bộ sang đường không đúng nơi quy định.
Ông Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông cho hay tại các nước phát triển việc người dân không sử dụng cầu bộ hành, tự ý băng qua đường dẫn đến xảy ra va chạm sẽ được quy ra lỗi gây tai nạn giao thông, thậm chí là sẽ phải chịu trách nhiệm đền bù cho xe va chạm. Khi có những chế tài mạnh, người đi bộ sang đường mới nâng cao ý thức./.