Đến Sóc Trăng thưởng thức 4 món loại bánh ngọt ngào độc đáo

Không chỉ có món bánh pía nổi tiếng, Sóc Trăng còn có nhiều loại bánh khác mang hương vị độc đáo như bánh ướt ngọt, bánh bầu, bánh dứa, bánh đúc ngọt..., những thức quà vặt được nhiều người yêu thích.

Là vùng đất mang đậm sắc màu văn hóa của cộng đồng 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, Sóc Trăng có một nền ẩm thực đa dạng với nhiều món đặc sản hấp dẫn.

Không chỉ có món bánh pía nổi tiếng, Sóc Trăng còn có nhiều loại bánh khác mang hương vị độc đáo được nhiều người yêu thích.

Bánh ướt ngọt

Bánh ướt (người miền Bắc gọi là bánh cuốn) là món bánh có ở hầu hết các địa phương trên cả nước, song bánh ướt của Sóc Trăng không ăn với nước chấm mặn mà là bánh ướt ngọt, cuốn nhân đậu xanh và dừa.

Bánh ướt Sóc Trăng. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Nguyên liệu làm bánh ướt ngọt cũng là loại gạo tẻ ngon, được ngâm kỹ rồi vo sạch trước khi xay thành bột. Người Sóc Trăng thường cho một ít lá dứa thơm xắt nhuyễn vào xay cùng. Sau khi xay xong, người ta sẽ nấu đường với nước theo tỷ lệ rồi quấy đều với bột vừa xay.

Phần làm nhân khá công phu. Đậu xanh được ngâm mềm rồi đãi sạch vỏ, sau đó bắc bếp nấu đến khi đậu mềm nhừ rồi để nguội. Tiếp đó trộn dừa khô nạo cùng với một ít đường vào nồi đậu, thêm chút vani cho thơm, thế là hoàn thành phần nhân bánh ướt.

Người có kinh nghiệm lưu ý chỉ cho đường sau khi đậu đã được nấu xong, nếu cho đường vào lúc nấu thì đậu dễ bị sượng.

Khi tráng bánh ướt, người ta dùng một nồi hấp lớn, miệng nồi căng một khung vải mỏng cho hơi nước đi qua. Khi nước sôi và hơi nước bốc lên thì bắt đầu tráng bánh.

Người khéo tay sẽ tráng bánh thật mỏng mà không vỡ. Vỏ bánh ướt phải mỏng và trong mới đạt yêu cầu. Để đạt được trình độ này, đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm nhất định trong khâu pha bột với tỷ lệ hợp lý cũng như các thao tác tráng bánh.

Bánh chín được lấy ra và trong khi bánh còn đang nóng hổi, phải nhanh tay rắc một lớp đậu xanh và dừa vào rồi cuộn lại.

Các lượt bánh được sắp đều lên đĩa, rắc thêm một chút lạc rang vàng giã nhỏ và vừng và bắt đầu thưởng thức.

Cắn một miếng bánh ướt ngọt có thể cảm nhận được độ ngọt ngào của vỏ bánh mềm mượt thơm mùi lá dứa, vị béo của dừa, vị bùi của đậu, vừng, lạc thơm phức. Đây là một món ăn dân dã được rất nhiều người yêu thích.

Bánh bầu

Gọi là bánh bầu vì bánh được làm từ quả bầu. Bánh bầu Sóc Trăng có hai loại chính là ngọt và mặn và đều ăn cùng nước cốt dừa.

Nguyên liệu để làm nên món bánh này là bầu non, bột gạo, nước cốt dừa, hành lá, bột càri, bánh bầu mặn có thêm tôm (tép).

Bánh bầu (nguyên liệu chính là quả bầu), đặc sản ẩm thực Sóc Trăng. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Với bánh bầu ngọt, quả bầu non được gọt vỏ, bỏ ruột, rửa sạch, sau đó đem bào lấy sợi. Tiếp theo, người nấu sẽ pha bột cùng với nước cốt dừa, đường, muối, bột nêm và trộn cùng phần bầu đã bào thành một hỗn hợp sệt.

Các nguyên liệu sau khi được trộn đều sẽ đổ vào khuôn, rồi lấy ra thoa ít dầu ăn lên mặt bánh và đặt lên xửng hấp cách thủy khoảng 30 phút. Khi bánh gần chín, rắc thêm hành lá lên mặt bánh để trang trí.

Bánh bầu ngọt thường được thưởng thức cùng với nước cốt dừa sánh mịn.

[Bản đồ ẩm thực Việt Nam sẽ lập kỷ lục mới với 126 món ăn độc đáo]

Bánh bầu mặn thì kỳ công hơn một chút. Các công đoạn đầu giống như làm bánh bầu ngọt, tuy nhiên phần nhân bánh mặn được thêm khi đổ bột vào khuôn.

Nhân bánh bầu mặn thường là tôm băm nhỏ, xào sơ với nước mắm, hạt nêm, đường và thêm vào chút bột càri cho bắt mắt. Khi bánh chín lấy ra để nguội, cắt hình quả trám và rắc hành phi lên trên.

Bánh bầu mặn thường ăn với nước mắm chua ngọt sền sệt để giảm độ béo, tăng thêm vị ngon cho loại bánh dân dã này.

Bánh dứa

Gọi là bánh dứa, bởi lá dứa là thành phần nguyên liệu được xay chung với bột gạo nếp để làm nên loại bánh này. Bánh còn có có tên khác là bánh rây vì khi chế biến bánh, người ta sẽ rây bột xuống chảo. Người Khmer thị gọi món bánh này là Ọm Chiếl.

Bánh Ọm Chiếl thường được làm trong các ngày lễ hội truyền thống của người Khmer. Vào các ngày này, mỗi gia đình sẽ tự làm bánh để cúng ông bà, mang bánh vào chùa cúng Phật và dâng cho các sư dùng và dùng để đãi khách.

Nghệ nhân làm món bánh dứa, đặc sản Sóc Trăng của người Khmer. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Để làm bánh dứa, người dùng sẽ ngâm gạo nếp trong 4 tiếng đồng hồ, sau đó xay bột nếp khô, lá dứa thì xay với nước, lọc bỏ bã rồi dùng nước đó trộn từ từ với bột nếp đến khi bột ngấm đều nước lá dứa, tơi xốp, là đạt yêu cầu.

Nhân bánh dứa được chuẩn bị gồm dừa nạo xào chung với đường và lạc rang giã nhỏ, thêm một chút vani cho dậy mùi.

Khi nguyên liệu đã sẵn sàng thì bắc chảo lên bếp không cần cho dầu. Khi chảo nóng thì dùng một cái rây mắt nhỏ, rây bột thật đều lên mặt chảo thành hình tròn, bột sẽ liên kết lại, tiếp đó xếp nhân vào giữa bánh rồi gập bánh lại thành hình bán nguyệt, tiếp tục trở đều đến khi bánh chín.

Bánh dứa thành phẩm có màu xanh phơn phớt, ngon nhất lúc ăn nóng. Miếng bánh nóng hổi, dẻo dai, vị ngọt vừa phải, thơm mùi lá dứa, có vị béo của dừa, lạc rang giòn thơm rất ngon.

Bánh đúc ngọt

Khác hẳn món bánh đúc ở miền Bắc thường ăn với tương hoặc nước dùng thịt băm, bánh đúc ngọt, hay còn gọi là bánh đúc lá dứa, của Sóc Trăng là một món quà vặt được nhiều “tín đồ” ưa ngọt yêu thích.

Bánh đúc ngọt Sóc Trăng dẻo dai, có màu xanh bắt mắt của lá dứa ăn cùng với nước đường, nước cốt dừa rắc thêm vừng, lạc rang thơm.

Trong ảnh: Bánh đúc mang hương vị Sóc Trăng. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Nguyên liệu làm bánh đúc ngọt gồm gạo ngon, lá dứa, dừa nạo, đường, vừng, lạc rang.

Cách làm bánh đúc ngọt không khó. Gạo được ngâm kỹ trước xay thành bột. Lá dứa rửa sạch, xay nhuyễn, lọc lấy nước. Sau đó, đổ bột gạo và nước lá dứa vào nồi nấu sôi.

Bí quyết để có một nồi bánh đúc ngon là khi nấu phải chú ý canh lửa và khuấy thật đều tay. Nếu muốn tăng độ dai của bánh đúc thì bỏ thêm chút nước tro tàu.

Khi bột se lại thì tắt bếp và cho bột vào các khuôn để hấp chín. Trước đó, khuôn đã được quét một lớp dầu ăn để bột không bị dính.

Bánh lá dứa có thể dùng cả lúc nóng hoặc lúc nguội. Muốn bánh giòn, có độ đàn hồi thì sau khi bánh nguội, có thể cho bánh vào tủ lạnh khoảng 30 phút trước khi dùng. Sau đó, bày bánh ra đĩa, rắc lạc và vừng rang thơm lên trên, ăn kèm nước chan

Có hai loại nước chan ăn với bánh đúc lá dứa. Một là nước cốt dừa được làm từ dừa khô nạo vắt lấy nước, thêm chút bột năng và thắng lên. Loại nước chấm khác là nước đường cũng được thắng cho kẹo lại.

Bánh đúc lá dứa không kén người ăn. Miếng bánh dai, dẻo, quyện với vị béo của nước cốt dừa, vị ngọt của đường, vị bùi thơm của lạc rang sẽ là một món ăn vặt rất đáng để thử khi bạn đến với Sóc Trăng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục