Đến Phượng Hoàng Trung Đô nhớ công lao to lớn của Anh hùng áo vải

Mặc dù Kinh Đô chưa được xây dựng xong nhưng với Phượng Hoàng Trung Đô, Vinh đã trở thành mốc son lịch sử được chọn làm Kinh Đô cho cả nước và cũng chính thức trở thành Trấn sở Nghệ An.
Đến Phượng Hoàng Trung Đô nhớ công lao to lớn của Anh hùng áo vải ảnh 1Toàn cảnh sông Lam, núi Quyết nhìn từ trên cao. (Nguồn: Báo Nghệ An)

Phượng Hoàng Trung Đô là kinh thành do Vua Quang Trung (tức Nguyễn Huệ, 1752-1792) xây dựng bên dòng sông Lam và núi Dũng Quyết; nay là thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Thành được xây vào năm 1788. Tại đây Vua Quang Trung đã tập trung 10 vạn quân trước khi tiến ra Bắc để giành lại thành Thăng Long lúc bấy giờ đang bị quân Thanh xâm chiếm.

Ngôi thành này dự định được xây dựng để thay thế kinh đô Phú Xuân, được đặt tên theo ý nghĩa chim Phượng hoàng, một loài chim trong truyền thuyết.

Trung Đô còn có ý nghĩa là kinh đô nằm giữa vùng lãnh thổ do Quang Trung kiểm soát, cách Phú Xuân khoảng 300km, cách Đông Kinh Kẻ Chợ cũng khoảng 300km.

[Phát lộ kết cấu đặc biệt của Đàn tế giao thời Tây Sơn tại núi Bân]

Cũng giống như sự nghiệp của Quang Trung, Phượng Hoàng Trung đô đã phải chịu cảnh dang dở do sự ra đi đột ngột của vị hoàng đế tài ba.

Năm 1786, sau khi đánh tan quân chúa Nguyễn ở Đàng trong, Nguyễn Huệ - người anh hùng áo vải đất Tây Sơn - đã kéo quân ra Bắc dẹp chúa Trịnh.

Trong những lần nghỉ chân ở đất Nghệ An, thế đất và lòng dân của vùng Yên Trường đã được Nguyễn Huệ đặc biệt quan tâm với “hình thế rộng rãi, khí tượng tươi sáng có thể chọn để xây dựng kinh đô mới.”

Nhà Vua cho rằng nếu đóng đô ở đây vừa “khống chế được trong Nam, ngoài Bắc, vừa tiện cho Người tứ phương đến kêu kiện đi về.” Như vậy “trước là vì xã tắc sơn hà, thứ đến là vì lương dân trăm họ."

Vua Quang Trung đã quyết định chọn vùng đất Yên Trường để lập Phượng Hoàng Trung Đô.

Phượng Hoàng Trung Đô được xây dựng ở núi Dũng Quyết gồm có hai làn thành gọi là Thành Ngoại và Thành Nội hình thang, chu vi 2.820m, diện tích: 22ha. Phía ngoài có hào rộng 3m, sâu3 m, thành cao 3-4m.

Thành Nội xây bằng gạch vồ và đá ong, chu vi gần 1.680 m, cao 2m, cửa lớn mở ra hai hướng Tây và Đông.

Trong Thành Nội có tòa lầu rộng, cao 3 tầng, trước có bậc tam cấp bằng đá ong, sau có hai dãy hành lang nối liền với điện Thái Hòa dùng cho việc thiết triều.

Công việc xây dựng kinh đô đang tiến hành dang dở thì Quang Trung băng hà.

Mặc dù Kinh Đô chưa được xây dựng xong nhưng từ đây Vinh trở thành mốc son lịch sử được chọn làm Kinh Đô cho cả nước và cũng chính thức trở thành Trấn sở Nghệ An.

Đến nay, tuy những dấu tích còn lại không nhiều, nhưng nhờ những tư liệu tìm được có thể giúp hình dung phần nào về kinh đô dang dở này.

Trải qua mưa nắng thời gian và sự phá hoại của con người (nhất là dưới triều Nguyễn), Phượng Hoàng Trung đô chỉ còn dấu tích mờ nhạt ở phía Nam thành phố Vinh, Nghệ An.

Trong thời kỳ lịch sử cận, hiện đại, núi Dũng Quyết có đồn tiền tiêu chống Pháp xâm lược (1885), nơi thành lập Hội Phục Việt (1925) và là nơi diễn ra của cuộc biểu tình ngày 1/5/1930 mở đầu cho cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

Thời kỳ chống Mỹ cứu nước, nơi đây là một trong những trọng điểm diễn ra những cuộc chiến đấu quyết liệt nhất, trong khu vực này đã có 7 đơn vị, 5 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Để ghi nhớ công lao to lớn của người Anh hùng áo vải Nguyễn Huệ-Quang Trung, một người con ưu tú gốc họ Hồ xứ Nghệ, được sự đồng ý của Chính phủ, năm 2005 đúng vào dịp kỷ niệm 220 năm ngày Hoàng đế hạ chiếu xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô, tỉnh Nghệ An đã khởi công xây dựng đền thờ Hoàng đế Quang Trung trên đỉnh thứ hai.

Đến Phượng Hoàng Trung Đô nhớ công lao to lớn của Anh hùng áo vải ảnh 2Đền thờ Hoàng đế Quang Trung trên đỉnh núi Dũng Quyết. (Nguồn: Báo Nghệ An)

Đền có độ cao 97m so với mặt nước biển, thuộc chi Phượng Dực.

Năm 2008, đền thờ Hoàng đế Quang Trung đã được khánh thành, đón khách thăm viếng.

Đền gồm các hạng mục chính: Hạ điện, Trung điện, Thượng điện, nhà Tả vu, Hữu vu, Nghi môn nội, Nghi môn ngoại theo kiến trúc cổ truyền của dân tộc.

Hằng năm tại đền thờ Hoàng đế Quang Trung có 2 ngày lễ lớn đó là: ngày 29/7 Âm lịch - ngày giỗ của Hoàng đế Quang Trung, và ngày mùng 5 tháng Giêng - kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa.

Vào dịp này, nhân dân khắp nơi trong và ngoài tỉnh sẽ trẩy hội tại đền, cùng tôn vinh công lao to lớn người Anh hùng dân tộc Quang Trung-Nguyễn Huệ, người đã có công chống giặc ngoại xâm thống nhất đất nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục