Đến năm 2045, ngành dầu mỏ toàn cầu cần đầu tư hơn 12.000 tỷ USD

Tổng Thư ký OPEC cho biết dầu mỏ được dự báo sẽ chiếm tỷ trọng gần 30% trong số các dạng năng lượng vào năm 2045 và ngành dầu mỏ toàn cầu cần sự đầu tư khoảng 500 tỷ USD/năm từ nay cho đến lúc đó.
Đến năm 2045, ngành dầu mỏ toàn cầu cần đầu tư hơn 12.000 tỷ USD ảnh 1Một mỏ dầu tại Basra, Iraq. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 22/5, Tổng Thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), ông Haitham Al Ghais cho rằng từ nay đến năm 2045, ngành dầu mỏ toàn cầu cần đầu tư tổng cộng 12.100 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng cao, do những thay đổi về nhân khẩu học và kinh tế.

Phát biểu tại Hội nghị thường niên Dầu mỏ và Khí đốt Trung Đông lần thứ 30 tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất - UAE), Tổng Thư ký OPEC nhấn mạnh rằng dầu mỏ được dự báo sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất, gần 30% trong số các dạng năng lượng vào năm 2045.

Nền kinh tế toàn cầu vào thời điểm đó dự kiến sẽ có quy mô lớn gấp đôi so với hiện nay, trong khi dân số thế giới ước tăng khoảng 1,6 tỷ người.

Trước những thay đổi như vậy, dự báo nhu cầu năng lượng sẽ tăng 23%. Xu hướng này đòi hỏi ngành dầu mỏ toàn cầu cần có sự đầu tư đúng mức, với khoản đầu tư tích lũy 12.100 tỷ USD từ nay đến năm 2045, tương đương khoảng 500 tỷ USD/năm.

[Phát hiện thêm một mỏ dầu có trữ lượng khổng lồ trên Vịnh Mexico]

Đầu tư cũng là biện pháp cấp thiết để khắc phục tình trạng giảm các khoản "rót vốn" cho lĩnh vực năng lượng, khoảng 4-5% mỗi năm.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Tổng Thư ký OPEC còn kêu gọi hợp tác quốc tế dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, cơ chế đa phương và đối thoại mang tính xây dựng.

Ngoài ra, ông Al Ghais hoan nghênh việc nhiều thành viên OPEC đang đầu tư đáng kể vào tất cả các lĩnh vực trong chuỗi giá trị dầu mỏ, cũng như đầu tư vào lĩnh vực hạ nguồn.

Lấy dẫn chứng cho điều này, ông nêu rõ công ty lọc dầu Abu Dahbi (ADNOC) đang nâng sản lượng khai thác lên 5 triệu thùng dầu/ngày từ nay đến năm 2030; Aramco đang triển khai kế hoạch nhằm tăng sản lượng lên 13 triệu thùng/ngày vào năm 2027, trong khi phía Iraq và Kuwait đặt mục tiêu nâng sản lượng lên lần lượt ở mức 6 triệu và 4 triệu thùng/ngày./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục