Theo báo cáo của 46/63 tỉnh, thành phố, tính đến cuối năm 2017 số lượng công nhân có nhu cầu về chỗ ở là khoảng 1,2 triệu người và dự kiến đến năm 2020 số lượng sẽ là khoảng 3 triệu người.
Bộ Xây dựng cho biết tính đến nay, Chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp đã hoàn thành 100 dự án, quy mô khoảng 41.000 căn hộ với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 2,050 triệu m2.
Tính đến cuối năm 2017, trên toàn quốc có 328 khu công nghiệp được thành lập; trong đó, 223 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 105 khu công nghiệp đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng.
Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt 51%, riêng các khu công nghiệp đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt gần 73%.
Toàn quốc hiện có trên 2,7 triệu công nhân lao động trực tiếp đang làm việc tại các khu công nghiệp và hàng triệu công nhân lao động tại nhiều xí nghiệp, cơ sở sản xuất thuộc các cụm công nghiệp vừa và nhỏ.
[Nghịch lý thiếu-thừa trong phát triển nhà ở xã hội tại Hà Nội]
Thực tế ghi nhận cho thấy, hiện công nhân khu công nghiệp đang sinh sống tại các khu nhà ở do hộ gia đình, cá nhân đầu tư hoặc tại các dự án; trong đó, số lượng sinh sống tại các khu nhà ở của hộ gia đình, cá nhân là chủ yếu.
Đối với nhà ở được phát triển theo dự án thì trên địa bàn cả nước có 172 dự án, với số lượng căn hộ khoảng 129.000 căn hộ; trong đó đã hoàn thành 100 dự án với quy mô xây dựng khoảng 41.000 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 330.000 người.
Việc phát triển nhà ở theo dự án mới đáp ứng chỗ ở cho khoảng 28% số công nhân hiện nay.
Để đẩy mạnh phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong đó có nội dung phát triển nhà ở./.