Cựu Thủ tướng Australia Tony Abbott vừa hoàn thành chuyến công tác Ấn Độ kéo dài từ ngày 2-6/8 với tư cách là đặc phái viên thương mại của Thủ tướng Scott Morrison.
Trong bài viết đăng tải trên trang The Interpreter của Viện Lowy Australia, cựu Đại sứ Anil Wadhwa, chuyên gia trong lĩnh vực ngoại giao và kinh tế và hiện là thành viên danh dự của Quỹ Quốc tế Vivekananda tại Ấn Độ, cho rằng chuyến đi của ông Abbott là rất đáng hoan nghênh, dựa trên các mối quan hệ và tương tác chặt chẽ mà ông đã thiết lập được với những người đồng cấp, các quan chức và doanh nghiệp Ấn Độ, trong suốt nhiệm kỳ Thủ tướng và nhiều năm sau đó của ông.
Tác giả nhận định thế giới đang chứng kiến một kịch bản địa chính trị thay đổi mạnh mẽ, bao gồm nhiều phát triển mới ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, các cuộc Đối thoại An ninh Tứ giác (Quad) và Sáng kiến Hồi phục Chuỗi Cung ứng do các bộ trưởng thương mại Australia, Ấn Độ và Nhật Bản đồng công bố, nhằm cùng nhau đối trọng với một Trung Quốc hiếu chiến và ngày càng chiếm ưu thế.
Trong bối cảnh đó, Australia và Ấn Độ ngày càng xích lại gần nhau hơn trong mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện và việc tăng cường hợp tác kinh tế sẽ tiếp tục gắn kết chặt chẽ hai quốc gia này hơn nữa trong tương lai.
Chiến lược Kinh tế Ấn Độ đến năm 2035 đã được Australia đưa ra vào tháng 11/2018 và Báo cáo Chiến lược Kinh tế Australia đối ứng cũng đã được phát hành vào năm 2020. Cả hai chiến lược này đều đưa ra lộ trình cho tương lai hợp tác giữa hai nước.
[Các nhà lãnh đạo châu Á sẵn sàng cho Hội nghị thượng đỉnh G7]
Ngày nay, có một nhận thức mạnh mẽ ở Ấn Độ rằng Australia là một trong những đối tác thích hợp nhất để giúp quốc gia Nam Á chuyển mình thành một mô hình kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ và bao trùm.
Điều này đòi hỏi sự đổi mới và công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển, sản xuất cạnh tranh về chất lượng, các mặt hàng thiết yếu và khoáng sản phục vụ chương trình năng lượng thay thế và các loại hàng điện tử di động nhiều tham vọng, đồng thời giảm thiểu chi phí hậu cần.
Mặc dù vẫn phải đối mặt với những rào cản truyền thống điển hình của một nền dân chủ rộng lớn và phức tạp, song Chính phủ Ấn Độ đã nhận thức rõ giá trị của việc cần phải cải cách nhanh chóng một cách có hệ thống và phổ rộng để giúp Ấn Độ định hướng vị trí trong không gian kinh tế toàn cầu.
Cải cách đã được thực hiện trong các lĩnh vực như khai khoáng, chăm sóc sức khỏe và dược phẩm, công nghệ thông tin, hạ tầng cơ sở, quốc phòng, không gian vũ trụ, nông nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, lĩnh vực tài chính và ngân hàng.
Ấn Độ đã đưa ra các chương trình khuyến khích liên kết sản xuất trong 13 lĩnh vực, nhằm đạt được sản lượng tối thiểu trị giá hơn 500 tỷ USD trong vòng 5 năm tới. Theo một đạo luật mang tính bước ngoặt vừa được ban hành vào tuần trước, New Delhi đã bãi bỏ thuế truy thu, mang lại khả năng có thể dự đoán được và ổn định cho môi trường đầu tư nước ngoài.
Ấn Độ hiện đang tập trung vào cải cách lao động và đất đai, cũng như tăng cường chăm sóc sức khỏe. Quốc gia này đang cố gắng hiện đại hóa ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và công nghệ dự trữ ngũ cốc, đồng thời tăng cường cải thiện cho ngành sản xuất sữa, cố gắng cung cấp nước sạch, điện và kết nối kỹ thuật số cho các vùng, miền cả nước.
Trong nhiều lĩnh vực đó, các công ty Australia là những đối tác tiềm năng. Australia sẽ có cơ hội lớn hơn để thu lợi nhuận khi luật khai thác mới có hiệu lực - nước này có nguồn trữ lượng lên đến 21/49 loại khoáng sản, được xác định là quan trọng đối với chiến lược tương lai của Ấn Độ.
Trong nhiều năm qua, các công ty khai thác của Australia đã hợp tác với Ấn Độ, trong khi Australia cũng là một nguồn thiết bị, công nghệ cần thiết, đảm bảo được tính an toàn, cho Ấn Độ.
Ấn Độ và Australia là đối tác trong mối quan hệ hợp tác song phương, nhưng đồng thời là cũng là những nhân tố chủ lực, thúc đẩy Bộ Tứ (Quad) hành động, trong các vấn đề liên quan tới lĩnh vực vaccine, an ninh mạng, công nghệ thông tin và tài chính.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, các công ty Australia có vị thế tốt để cung cấp sự kết hợp phù hợp cho hoạt động quản lý ngũ cốc, hợp lý hóa chi phí và hậu cần. Các quỹ đầu tư hưu trí của Australia cũng có cơ hội hoàn vốn đầu tư cao hơn trong lĩnh vực sân bay, cảng, đường thủy nội địa và đường cao tốc thu phí tại Ấn Độ.
Tới năm 2024, Ấn Độ cần đào tạo kỹ năng cho khoảng 400 triệu lao động trẻ và các công ty Australia đã sẵn sàng cung cấp các giải pháp học trực tuyến đổi mới và sáng tạo, nâng cao chương trình đào tạo, điều chỉnh việc kiểm định và đánh giá của Ấn Độ theo tiêu chuẩn toàn cầu, đồng thời hỗ trợ cải thiện chất lượng giảng viên.
Ngoài ra, các tổ chức quốc phòng và nghiên cứu không gian vũ trụ, cũng như các công ty tư nhân của Ấn Độ và Australia, hiện có nhiều cơ hội để làm việc với nhau hơn.
Điểm đáng khích lệ là các cuộc đàm phán Hiệp định Hợp tác Kinh tế Toàn diện (CECA) của Ấn Độ và Australia, bị đình trệ kể từ năm 2015 sau 9 vòng đàm phán do vướng các cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), đã quay trở lại đúng hướng.
Thương mại song phương giữa hai nước sụt giảm vào năm ngoái do đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nhưng đã vượt mốc 20 tỷ USD trong vài năm gần đây. Cả hai quốc gia đã đầu tư gần 15 tỷ USD vào nền kinh tế của mỗi nước, nhưng mối quan hệ kinh tế Ấn Độ-Australia có thể sẽ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào tăng trưởng do đầu tư dẫn dắt.
Ông Abbott, trong nhiệm kỳ Thủ tướng Australia, đã phải tạm dừng các công việc đang còn dở dang, bất chấp nhiều điều kiện thuận lợi. Giờ đây, nhà cựu lãnh đạo của Australia sẽ là động lực chính của CECA song phương trong tương lai và do đó, cần phải suy nghĩ một cách thực tiễn và thực tế hơn.
Một hiệp định tạm thời về thương mại hàng hóa, bao gồm một số dòng thuế thương mại song phương, sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên, trong khi tiếp tục hướng tới một hiệp định toàn diện, là một trong những lựa chọn. Các dịch vụ và lĩnh vực đầu tư sẽ cần nhiều công việc hơn.
Trái cây, sữa, hàng nông nghiệp và thực phẩm chế biến là những mặt hàng mà phía Australia mong muốn sẽ được giảm thuế, trong khi dầu tinh chế, thuốc chữa bệnh, phương tiện giao thông đường sắt, đá quý và đồ trang sức, linh kiện ôtô và các mặt hàng dệt may là tâm điểm chú ý của Ấn Độ.
Thay vì cố gắng cắt giảm thuế trên diện rộng, các thị trường ngách nên được lựa chọn cho các dòng thuế ưu đãi ở giai đoạn đầu. Ấn Độ dự kiến sẽ linh hoạt cắt giảm thuế quan trong một quãng thời gian cụ thể, liên quan đến nhu cầu về hàng hóa và khoáng sản cần thiết, trong khi Australia có thể lựa chọn những lĩnh vực dịch vụ khan hiếm, ví dụ như công nghệ tài chính và an ninh mạng, điện toán đám mây và các dịch vụ sử dụng nhiều lao động cho các bang và khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa của Australia.
Ấn Độ sẽ tìm kiếm sự cho phép dịch chuyển một cách hợp lý dành cho công dân đủ tiêu chuẩn, một chế độ thị thực phù hợp, và các quy định ngân hàng, thuế quan dễ dàng hơn các thương nhân Ấn Độ đang hoạt động tại Australia.
Về phía Australia, nước này sẽ tìm kiếm khả năng có thể dự đoán được, tính nhất quán và rút gọn các thủ tục hành chính cho các khoản vốn đầu tư và xuất khẩu của mình. Cả hai bên có thể tìm hiểu các hiệp định thương mại tự do (FTA) theo ngành, chẳng hạn như hiệp định về khoáng sản quan trọng để đối lấy dược phẩm.
Để đặt nền móng cho các tiến triển trong tương lai, bước đi đầu tiên mà Ấn Độ và Australia cần thực hiện, theo tác giả, là việc cần sớm hồi sinh diễn đàn CEO do doanh nghiệp lãnh đạo, tăng cường tiếp cận và tham vấn với các bên liên quan, sử dụng các công ty hoạt động ở mỗi quốc gia của nhau và nhận sự giúp đỡ của cộng đồng người Ấn Độ tài năng đang sinh sống ở Australia, để tạo ra những ý tưởng mới, các kết nối và tư duy mới./.