Đến làng Ông Hảo, gặp người ‘thổi hồn’ vào mặt nạ giấy bồi Trung Thu

Từ những nguyên liệu đơn giản như tre, nứa, bìa các tông, kể cả giấy phế liệu cũng được các nghệ nhân làng nghề “phù phép” để tạo ra những chiếc mặt nạ giấy bồi Trung Thu sặc sỡ, bắt mắt.

Những ngày này, không khí Tết Trung thu sớm đã xuất hiện ở làng Ông Hảo (xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Đây là nơi sản xuất ra hàng chục nghìn sản phẩm đồ chơi truyền thống, trong đó có những chiếc mặt nạ giấy bồi từ cơ sở sản xuất của ông Vũ Huy Đông.

Từ những nguyên liệu đơn giản như tre, nứa, bìa các tông, kể cả giấy phế liệu cũng được ông Đông và các thợ thủ công khác “phù phép” để tạo ra những chiếc mặt nạ với nhiều hình dáng bắt mắt, đa dạng như: Mặt nạ chú Tễu, ông Địa, thằng Bờm; mặt nạ con vật như đầu lân, đầu sư tử…

Theo ông Đông, để làm mặt nạ giấy bồi không quá khó nhưng không phải ai cũng làm được bởi nó đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, từng nét vẽ. Trong đó, công đoạn khó nhất là vẽ đầu lân, đầu sư tử, để cho ra được sản phẩm có thần thái, có được cái “hồn.” Người vẽ phải nhấn vào các chi tiết râu, mắt… để trở thành những món đồ chơi không chỉ trẻ nhỏ mà cả người lớn cũng yêu thích.

Sau hai năm chật vật vì dịch COVID-19, tình hình kinh doanh của ông Đông hiện đã hồi phục trở lại. Đến thời điểm này, cơ sở của ông đã bán đi gần 10.000 chiếc mặt nạ giấy bồi và tới tay khách hàng nhiều tỉnh thành trên cả nước…

[Các bé cùng cha mẹ trải nghiệm mùa Trăng Trung Thu xưa và nay]

Trong những năm trở lại đây, xu hướng lựa chọn những sản phẩm đồ chơi trung thu truyền thống thân thiện như mặt nạ giấy bồi, trống, đèn ông sao… cho trẻ nhỏ của nhiều gia đình là động lực để những nghệ nhân làng nghề làm đồ chơi Ông Hảo như ông Đông có thêm quyết tâm để tiếp tục giữ lửa nghề, phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc./.

(Vietnam+)