Đến Bali thưởng thức babi guling - món lợn quay "dành cho các vị vua"

Sau khi con lợn được nướng chín, lớp da giòn màu hổ phách sẽ được tách ra một cách cẩn thận, và phần thịt được cắt thành từng miếng mỏng.
Đến Bali thưởng thức babi guling - món lợn quay "dành cho các vị vua" ảnh 1Món babi guling. (Nguồn: KAUM)

Babi guling là tên gọi của món lợn sữa quay đặc biệt của Bali, Indonesia. Mặc dù không phổ biến ở các vùng khác của Indonesia, nhưng tại Bali, nơi tôn giáo chủ yếu là Ấn Độ giáo, đây là một trong những món ăn phổ biến.

Trước khi nướng, người ta sẽ chà xát phần da lợn với nghệ, rồi nhồi hỗn hợp các loại gia vị basa gede, thường gồm nghệ, rau mùi, sả, hẹ, riềng, ớt, mắm tôm và tỏi. Sau đó thịt lợn sẽ được đặt lên xiên và nướng trên lửa cho đến khi da giòn và thịt chín mọng nước.

Món ăn ngon lành này thường được phục vụ trong những dịp đặc biệt và những buổi họp mặt trang trọng.

Nhưng người ta cũng có thể tìm thấy chúng ở warung, những quán ăn bình dân truyền thống của Indonesia. Đây là món ngon phổ biến đến mức hầu hết các warung đều chuyên về món này, nơi babi guling được bán như một món ăn đặc trưng.

[Chuyên gia ẩm thực người Indonesia hướng dẫn nấu cỗ chay miễn phí]

Sau khi con lợn được nướng chín, lớp da giòn màu hổ phách sẽ được tách ra một cách cẩn thận, và phần thịt được cắt thành từng miếng mỏng. Mỗi khẩu phần babi guling gồm một miếng thịt mềm ngọt, một miếng da giòn và một thìa nhân đầy hương vị.

Babi guling thường được phục vụ với cơm trắng, rau và một ít gia vị cay của Indonesia với tên gọi sambal.

Điểm nhấn hấp dẫn nhất của món ăn này là phần da lợn. Da sau khi được nướng lên bóng loáng như tráng men, giòn đến mức người Bali thậm chí còn có một từ tượng thanh riêng mô tả âm thanh phát ra khi cắn vào miếng da đó: “Kriuk.”

Một người dân địa phương thậm chí còn bật mí một bí quyết cho ra đời món "kriuk" lý tưởng, đó là đổ một lon Coca-Cola lên con lợn trước khi nướng. Có lẽ đây không phải là một phương pháp truyền thống, nhưng cũng rất hiệu quả.

Bali nằm trong mạng lưới giao thương châu Á thế kỷ 15. Các thương nhân từ Java mang theo gạo và muối để đổi lấy các loại hoa màu, trong đó có hạt tiêu, từ Sumatra, gia vị từ Moluccas và bông từ Bali.

Người ta tin rằng những hoạt động buôn bán thời kỳ này đã ảnh hưởng đến văn hóa ẩm thực của người Bali, đặc biệt là thông qua các loại gia vị cơ bản mà họ sử dụng.

Một số loại gia vị cơ bản gồm có lá nguyệt quế Indonesia, sả, riềng, gừng, ớt đỏ, hẹ tây, tỏi, quả óc chó, chanh kaffir, nghệ, hạt tiêu Java dài, gừng cát, thì là, hạt tiêu, rau mùi, đinh hương và nhục đậu khấu.

Trừ một số loại củ như gừng cát, nghệ, riềng được trồng tại Bali, nhiều loại gia vị khác không thuộc về bản địa Bali, và người ta cho rằng chúng đến đây thông qua những hoạt động buôn bán gia vị từ thời xa xưa.

Bali guiling ban đầu được coi là một lễ vật dâng lên cho các vị thần Hindu của người Bali, với con lợn được giữ nguyên hình dáng tượng trưng cho sự hoàn hảo và để tri ân các vị thần.

Theo cây bút Lisa Virgiano, cô đã có dịp thưởng thức món babi guling khi tới thăm làng Bengkala, Kubutambahan ở Bắc Bali. Tại đó, họ được chứng kiến quá trình chế biến món ăn tuân thủ nghiêm ngặt từng bước của quy trình, trong đó các đầu bếp tôn vinh sự sống thiêng liêng của động vật bằng cách sử dụng phương pháp nấu ăn tốt nhất để mang lại một hương vị đích thực.

Sau khi chế biến, các bộ phận của con lợn như tai, mũi, đuôi, da, bàn chân và lưỡi được thái mỏng và bày đẹp mắt để dâng cúng. Sau đó mới đến lượt mọi người thưởng thức phần còn lại của con lợn quay.

Lisa cho biết những người bán hàng thường bỏ qua phần này của quy trình này mà theo cô đó mới là ý nghĩa tinh thần của món ăn Indonesia đích thực.

Người ta nói rằng babi guling có nguồn gốc là bữa ăn của các vị vua ở trung tâm văn hóa của Bali, Ubud.

Đối với người dân Bali hiện tại, babi guling vẫn là món ăn gắn liền với các lễ kỷ niệm, được ăn trong các buổi tụ họp với, trong những địp dặc biệt như lễ hội tôn giáo hoặc mừng em bé mới sinh.

Người ta thường nghĩ rằng babi guling là một món ăn trưa. Nhưng để có một trải nghiệm tuyệt vời nhất, bạn hãy đến nhà hàng sớm. Đó là lúc thịt vẫn còn ấm, âm thanh lách cách khi cắn vào miếng da sẽ gây cảm giác giòn nhất, và món ăn đang có hình thức đẹp nhất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục