Đến 21 giờ ngày 11/7, thế giới đã có gần 12,7 triệu ca mắc COVID-19

Tính đến 21 giờ ngày 11/7 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 12.674.718 ca nhiễm virus SARS-COV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 563.912 ca tử vong.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới trung tâm y tế Maimonides tại New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21 giờ ngày 11/7 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 12.674.718 ca nhiễm virus SARS-COV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 563.912 ca tử vong.

Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 7.402.652 người.

Mỹ đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19 với 3.294.219 ca nhiễm và 136.720 ca tử vong.

[Mỹ: Thị trưởng thành phố Atlanta dương tính với virus SARS-CoV-2]

Trong ngày 10/7, Mỹ đã ghi nhận thêm 68.000 ca nhiễm, ngày thứ ba liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất từ trước đến nay.

Theo báo The Times, con số này tương đương với mức tăng 84% trong 16 ngày qua.

Trong khi đó, một số bang cũng ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất như Georgia, Utah, Montana, Bắc Carolina, Iowa và Ohio.

Thống đốc bang Texas Greg Abbott cảnh báo sẽ có thêm các biện pháp hạn chế mới do tình hình có khả năng diễn biến xấu hơn. Ông cho biết nếu không thể khống chế dịch bệnh, bước tiếp theo sẽ là áp đặt lệnh phong tỏa.

Trong khi đó, bất chấp số ca nhiễm tăng lên, Thống đốc bang Florida Ron DeSantis tuyên bố sẽ không đóng cửa lại bang này.

Tại Bolivia, Chủ tịch Thượng viện Monica Eva Copa ngày 10/7 cho biết bà đã nhiễm virus SARS-CoV-2.

Bà Monica Eva Copa khẳng định đang tuân thủ phác đồ điều trị và sẽ duy trì cách ly trong thời gian cần thiết. Bolivia hiện ghi nhận hơn 44.000 ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 1.600 ca tử vong.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Caracas, Venezuela. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, Chính phủ Venezuela thông báo kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 1 tháng. Đây là lần thứ 4 liên tiếp Venezuela gia hạn tình trạng khẩn cấp do COVID-19.

Venezuela hiện ghi nhận 8.803 ca nhiễm và 83 ca tử vong do COVID-19, ít hơn nhiều so với các quốc gia láng giềng Mỹ Latinh khác, trong đó có có Brazil. Tuy nhiên, số ca nhiễm tại nước này đang tăng nhanh trong thời gian gần đây.

Tại châu Á, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Ấn Độ ngày 11/7 đã vượt 800.000 người, trong đó có hơn 22.100 ca tử vong.

Cụ thể, trang mạng thống kê worldometers.info cho biết Ấn Độ đã ghi nhận 830.763 ca nhiễm và 22.255 ca tử vong.

Bộ Y tế Ấn Độ cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 519 ca tử vong, 27.114 ca nhiễm mới. Đây tiếp tục là số ca nhiễm mới cao nhất trong một ngày ở Ấn Độ.

Tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc khả quan hơn khi Trung Quốc đại lục không ghi nhận ca lây nhiễm nào trong cộng đồng trong 24 giờ qua.

Có 2 ca nhiễm mới đều là từ nước ngoài nhập cảnh, tại tỉnh Liêu Ninh và Quảng Đông. Ngoài ra, không có ca tử vong mới.

Tính đến hết ngày 10/7, Trung Quốc có 83.587 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong, 78.623 ca hồi phục.

Tại Nhật Bản, chính quyền tỉnh Okinawa, thông báo đã áp lệnh phong tỏa đối với 2 căn cứ Hải quân Mỹ tại tỉnh này sau khi ghi nhận 61 ca nhiễm trong quân đội Mỹ vào tuần này. Hiện Nhật Bản có tổng cộng 20.719 ca nhiễm và 982 ca tử vong do COVID-19.

Indonesia thông báo nước này có thêm 1.671 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 74.018 người. Số ca tử vong cũng tăng lên 3.535 trường hợp sau khi có thêm 66 người tử vong vì bệnh COVID-19.

Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto đã yêu cầu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với các quân nhân, sau khi phát hiện một ổ dịch lớn tại Trường Sĩ quan Lục quân ở thành phố Bandung, tỉnh Tây Java.

Thái Lan cho biết nước này ghi nhận thêm 14 ca bệnh mới, mức tăng theo ngày cao nhất trong nhiều tuần qua. Tuy nhiên, tất cả đều là công dân Thái Lan trở về từ nước ngoài và hiện đang được cách ly.

Hiện tổng số ca bệnh tại Thái Lan tăng lên 3.216 người và tổng số ca tử vong là 58 trường hợp. Thái Lan không có ca nhiễm mới nào trong cộng đồng trong 50 ngày liên tiếp vừa qua.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ 2, giới chức Thái Lan cho rằng nước này cần duy trì quan điểm cấm các chuyến bay về nước đối với toàn bộ du khách.

Tại Philippines, Bộ Y tế ngày 11/7 cho biết số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này đã tăng lên 54.222 người sau khi có thêm 1.387 ca bệnh mới. Số ca tử vong cũng tăng thêm 12 trường hợp, nâng tổng số người chết lên 1.372 ca.

Tại Malaysia, giới chức cho biết nước này đã ghi nhận thêm 8 người mắc bệnh, đưa tổng số ca nhiễm lên 8.704 người. Trong số các ca bệnh mới có 4 ca "nhập khẩu," số còn lại là lây nhiễm cộng đồng. Không có ca tử vong nào được ghi nhận trong ngày, hiện tổng số người chết duy trì ở mức 121 trường hợp.

Tại Lào, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19 Lào ngày 11/7 cho biết tính tới 17h ngày 10/7, nước này không phát hiện trường hợp nào dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ngày không có ca nhiễm mới lên 90 ngày liên tiếp. Hiện Lào ghi nhận tổng cộng 19 ca bệnh và tất cả đều đã được chữa khỏi và xuất viện.

Cảnh sát kiểm tra các phương tiện tại Victoria, Australia, ngày 8/7/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tại Australia, với 216 ca nhiễm mới, ngày 11/7 là một trong những ngày có số ca nhiễm cao nhất ở bang Victoria đông dân thứ hai của Australia.

Thống đốc bang Daniel Andrews cảnh báo số ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng trước khi tình hình có thể được cải thiện khi bắt đầu thực thi lệnh phong tỏa.

Chính quyền bang Victoria đã quyết định phong tỏa thành phố Melbourne tuần này do lo ngại lây nhiễm trong cộng đồng có thể gây ra làn sóng lây nhiễm thứ hai.

Đây cũng là bang đầu tiên ở Australi yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi ra đường. Tuy nhiên, các ban khác ở Australia đã bắt đầu nới lỏng đi lại, dù vẫn đóng cửa với Victoria./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục