Đến 2030 trên 80% người dân trung tâm Hà Nội có thể tiếp cận xe buýt
Tuyết Mai
Hà Nội đặt tiêu chí đến năm 2030, khoảng 80-90% người dân tại khu vực trung tâm thành phố có thể tiếp cận sử dụng xe buýt trong phạm vi 500m.
Người dân đợi xe buýt tại Hà Nội. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 201/KH-UBND về phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố, giai đoạn từ năm 2021 đến 2030.
Theo đó, Hà Nội đặt tiêu chí đến năm 2030, khoảng 80-90% người dân tại khu vực trung tâm thành phố có thể tiếp cận sử dụng xe buýt trong phạm vi 500m.
Theo kế hoạch, Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu xác định rõ loại hình, số lượng phương tiện và mạng lưới vận tải hành khách công cộng theo từng giai đoạn, bảo đảm đáp ứng chỉ tiêu tỷ lệ đảm nhận theo các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ và thành phố; bảo đảm kết nối đến các khu vực tập trung dân cư (khu đô thị, khu công nghiệp ...), các khu vực có nhu cầu đi lại và tăng mật độ bao phủ đến các huyện ngoại thành, các trung tâm phát triển kinh tế-xã hội; kết nối thuận tiện với các đầu mối giao thông và giữa các loại hình, phương thức vận tải.
Kế hoạch cũng nêu rõ các giải pháp phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng.
Cụ thể, thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thu hút các thành phần tham gia hoạt động vận tải hành khách công cộng; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất mức hỗ trợ lãi suất cho các đơn vị đầu tư phương tiện tham gia cung ứng dịch vụ vận tải bằng xe buýt trên địa bàn thành phố theo quy định.
Thành phố cũng sẽ báo cáo, đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách “Ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA hoặc vay lại vốn ODA cho các dự án đầu tư mua sắm phương tiện công cộng hiện đại, có mức phát thải đạt tiêu chuẩn EURO 5, sử dụng năng lượng sạch, động cơ thân thiện môi trường."
Bên cạnh tăng cường kết nối, phát triển hợp lý các loại hình vận tải hành khách công cộng, thành phố sẽ đầu tư, khai thác có hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là hạ tầng kết nối, trung chuyển; tổ chức giao thông theo hướng ưu tiên cho vận tải hành khách công cộng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, khai thác hoạt động vận tải.
Thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; sắp xếp lại bộ máy quản lý, tăng cường hiệu quả công tác quản lý để giảm chi phí…
Hiện nay, vận tải hành khách công cộng, tuy chưa đạt như kỳ vọng, nhưng mạng lưới xe buýt đã đáp ứng được khoảng 16,08% nhu cầu đi lại của nhân dân.
Hà Nội là địa phương sở hữu mạng lưới xe buýt lớn nhất cả nước với 122 tuyến xe buýt đảm bảo bao phủ toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn toàn thành phố./.
Hà Nội sẽ rà soát, bố trí các điểm dừng đỗ, điểm trung chuyển nhằm tăng khả năng kết nối giữa xe buýt với các loại hình vận tải hành khách công cộng khác.
Phần thi thực hành thực hành lái xe bao gồm 10 bài liên hoàn trên sa hình như: Ghép xe vào nơi đỗ (ghép ngang); Lùi chuồng (ghép dọc); Lái xe tiến, lùi qua hình chữ chi; Quay đầu xe trong sân hẹp,...
Một trong những nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông trên hai trục Trần Phú-Nguyễn Trãi và Tố Hữu-Lê Văn Lương là tổ chức giao thông còn chưa hợp lý gây ra nhiều điểm xung đột giao thông.
Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trước thời hạn 2 năm, cơ bản không còn hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở, không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn, đời sống nhân dân ngày càng cải thiện.
Được triển khai từ tháng 7/2020, Cuộc thi Sáng tạo trẻ “Giao thông xanh” lần 3 do Thành Đoàn TP.HCM phối hợp Ban An toàn Giao thông Thành phố đã có gần 4.000 ý tưởng, sáng kiến gửi về.