Đến 2030 trên 80% người dân trung tâm Hà Nội có thể tiếp cận xe buýt

Hà Nội đặt tiêu chí đến năm 2030, khoảng 80-90% người dân tại khu vực trung tâm thành phố có thể tiếp cận sử dụng xe buýt trong phạm vi 500m.
Người dân đợi xe buýt tại Hà Nội. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 201/KH-UBND về phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố, giai đoạn từ năm 2021 đến 2030.

Theo đó, Hà Nội đặt tiêu chí đến năm 2030, khoảng 80-90% người dân tại khu vực trung tâm thành phố có thể tiếp cận sử dụng xe buýt trong phạm vi 500m.

Theo kế hoạch, Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu xác định rõ loại hình, số lượng phương tiện và mạng lưới vận tải hành khách công cộng theo từng giai đoạn, bảo đảm đáp ứng chỉ tiêu tỷ lệ đảm nhận theo các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ và thành phố; bảo đảm kết nối đến các khu vực tập trung dân cư (khu đô thị, khu công nghiệp ...), các khu vực có nhu cầu đi lại và tăng mật độ bao phủ đến các huyện ngoại thành, các trung tâm phát triển kinh tế-xã hội; kết nối thuận tiện với các đầu mối giao thông và giữa các loại hình, phương thức vận tải.

[Xe buýt có phải đổi tên thành ‘xe khách thành phố’ hay không?]

Kế hoạch cũng nêu rõ các giải pháp phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng.

Cụ thể, thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thu hút các thành phần tham gia hoạt động vận tải hành khách công cộng; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất mức hỗ trợ lãi suất cho các đơn vị đầu tư phương tiện tham gia cung ứng dịch vụ vận tải bằng xe buýt trên địa bàn thành phố theo quy định.

Thành phố cũng sẽ báo cáo, đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách “Ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA hoặc vay lại vốn ODA cho các dự án đầu tư mua sắm phương tiện công cộng hiện đại, có mức phát thải đạt tiêu chuẩn EURO 5, sử dụng năng lượng sạch, động cơ thân thiện môi trường."

Bên cạnh tăng cường kết nối, phát triển hợp lý các loại hình vận tải hành khách công cộng, thành phố sẽ đầu tư, khai thác có hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là hạ tầng kết nối, trung chuyển; tổ chức giao thông theo hướng ưu tiên cho vận tải hành khách công cộng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, khai thác hoạt động vận tải.

Thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; sắp xếp lại bộ máy quản lý, tăng cường hiệu quả công tác quản lý để giảm chi phí…

Hiện nay, vận tải hành khách công cộng, tuy chưa đạt như kỳ vọng, nhưng mạng lưới xe buýt đã đáp ứng được khoảng 16,08% nhu cầu đi lại của nhân dân.

Hà Nội là địa phương sở hữu mạng lưới xe buýt lớn nhất cả nước với 122 tuyến xe buýt đảm bảo bao phủ toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn toàn thành phố./.

Ngày 26/9, Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco) tiến hành Tổng kết đợt thi đua cao điểm và tổ chức Hội thi lái xe giỏi, an toàn năm 2020 tại Xí nghiệp xe buýt Cầu Bươu. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Hội thi lái xe giỏi, an toàn năm 2020 là một sự kiện truyền thống, được tổ chức 2 năm/lần. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Tranh tài tại Hội thi năm nay là sự góp mặt của 22 Công nhân lái xe buýt tiêu biểu đến từ 11 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng của Transerco. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Các tuyển thủ tham dự Hội thi năm nay đều phải trải qua 2 phần thi là lý thuyết và thực hành. Đối với phần thi lý thuyết, các tuyển thủ tiến hành thi bằng phương pháp trắc nghiệm trên máy tính theo bộ đề do Tổng cục đường bộ biên soạn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Đối với phần thi thực hành, mỗi tuyển thủ phải trải qua 10 bài thi liên hoàn theo sơ đồ do Ban tổ chức bố trí. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Trong phần thi tay lái, các lái xe sẽ phải vượt qua một sa hình phức tạp trong khoảng thời gian ngắn nhất mà không để xảy ra sai sót kỹ thuật. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Lực lượng trọng tài sẽ bấm giờ đồng thời giám sát các phần phi của tài xế nhằm đảm bảo các tài xế tham gia cuộc thi an toàn, đúng luật và nhanh nhất. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Phần thi thực hành thực hành lái xe bao gồm10 bài liên hoàn trên sa hình như: Ghép xe vào nơi đỗ (ghép ngang); Lùi chuồng (ghép dọc); Lái xe tiến, lùi qua hình chữ chi; Quay đầu xe trong sân hẹp; Đi xe qua đường vòng quanh; Đi xe qua hàng đinh,... (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Các bài thi đều rất khó nhằm thử thách khả năng xử lý tình huống của các tài xế xe buýt Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Hội thi lái xe giỏi, an toàn năm 2020 là một sự kiện truyền thống, được tổ chức 2 năm/lần. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Hội thi là dịp để đội ngũ lái xe buýt có điều kiện nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ và tay nghề; vừa là dịp để giao lưu, trau dồi học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Hội thi cũng góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức trong lao động với mục tiêu đem tới cho hành khách, nhân dân một hình ảnh mới về người lái xe buýt văn minh, lịch sự, thân thiện và nhiệt tình. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Đây là yếu tố có tác động rất lớn tới hiệu quả công tác nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt của Thủ đô, nhằm thu hút người dân tham gia nhiều hơn vào việc sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, xây dựng văn minh đô thị. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Tài xế Lê Quang Đức đang tập trung hoàn thành bài thi của mình. Anh Đức đã có 15 năm kinh nghiệm lái xe buýt tại Hà Nội. Hiện tại anh Đức đang lái tuyến xe buýt 110 từ Sơn Tây đi Đá Chông. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Bài thi đi qua hai hàng đinh khiến nhiều tài xế 'toát mồ hôi hột'. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Bài thi đi qua các chướng ngại vật cũng làm giảm tốc độ của cuộc đua tài giữa các tài xế. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Kết thúc Hội thi, đã có 6 tuyển thủ đạt giải. Giải nhất thuộc về anh Trần Anh Dân (Xí nghiệp xe buýt 10-10), hai giải nhì thuộc về anh Nguyễn Tiến Anh (Trung tâm Tân Đạt) và anh Phạm Đức Dũng (Công ty Cổ phần xe điện Hà Nội). Ba giải 3 gồm: Anh Nguyễn Đức Đạt (Xí nghiệp xe buýt Thăng Long), anh Nguyễn Văn Cường (Xí nghiệp xe khách Nam Hà Nội) và anh Nguyễn Văn Thuyết (Xí nghiệp xe buýt Hà Nội). (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao giải cho 3 tập thể xuất sắc nhất: Giải nhất thuộc về Xí nghiệp xe buýt 10-10, giải nhì thuộc về Trung tâm Tân Đạt và giải ba thuộc về Xí nghiệp xe buýt Thăng Long. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục