Chiều 29/7, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các quận huyện, sở ngành để triển khai các biện pháp không để dịch bệnh lây lan.
Lịch trình cụ thể 2 ca nhiễm COVID-19 tại Hà Nội
Mở đầu cuộc họp, nhấn mạnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết: “Thông tin mới nhất mà tôi vừa nhận được từ anh Bùi Thế Duy - Thứ trưởng bộ Khoa học và Công nghệ - người đang chỉ đạo toàn bộ truy vết các đối tượng có liên quan đến từ Hà Nội đi vào các vùng tâm dịch của Đà Nẵng và Quảng Nam, thì Hà Nội đã xuất hiện 2 ca mắc COVID-19.”
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố nhấn mạnh, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan chức năng cần xác minh nhanh chóng, khẩn trương những trường hợp đi du lịch, thăm quan tại Đà Nẵng cần phải được rà soát, xét nghiệm.
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, theo thông báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, trong ngày 29/7, Hà Nội ghi nhận 1 trường hợp nghi nhiễm (Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 xét nghiệm dương tính, đang chờ thông báo từ Bộ Y tế).
Đó là bệnh nhân nam, 76 tuối ở số 1 ngõ 466 Hoàng Hoa Thám (Tây Hồ, Hà Nội). Bệnh nhân vào Đà Nẵng du lịch từ từ giữa tháng 7. Ngày 21-22/7 bệnh nhân có đến Viện C Đà Nẵng thăm khám. Khi về Hà Nội không có biểu hiện gì, và ngày 29/7, sau khi đọc các khuyến cáo trên báo chí, bệnh nhân đến BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương xét nghiệm và cho kết quả dương tính.
Bệnh nhân ở với vợ, người giúp việc và cháu trai. Quận Tây Hồ đã cho xe đưa đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để cách ly. Ngõ 466 Hoàng Hoa Thám đã được phong tỏa và thực hiện các biện pháp phòng dịch cần thiết.
Đối với trường hợp đã được xác nhận là ca bệnh 447 (BN447) là bệnh nhân nam, 23 tuổi, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Từ ngày 12-15/7/2020 bệnh nhân đi du lịch tại thành phố Đà Nẵng. Ngày 23/7/2020, bệnh nhân bị sốt, ho, mệt. Ngày 25-28/7/2020, bệnh nhân tự cách ly ở nhà.
Kết quả điều tra dịch tễ của bệnh nhân 447 cụ thể như sau, từ ngày 12-15/7/2020, bệnh nhân cùng gia đình (đi cùng khoảng 29 người) du lịch tại thành phố Đà Nẵng; Ngày 12/7/2020, bệnh nhân ở tại Khách sạn Huỳnh Gia Hưng (Địa chỉ: 169 đường Nguyễn Văn Thoại, quận Sơn Trà, Thành phố Đà Nẵng) không đi đâu ra ngoài, ăn uống tại khách sạn.
Ngày 13/7/2020, bệnh nhân cùng gia đình đi du lịch Bà Nà Hills; chiều ngày 13/7/2020, quay trở lại Khách sạn Huỳnh Gia Hưng. Ngày 14/7/2020, bệnh nhân đi mua đồ tại Chợ Hàn 119 Trần Phú, quận Hải Châu; chiều ngày 14/7/2020, bệnh nhân cùng gia đình đi chơi tại Hội An, Quảng Nam; buổi tối gia đình về khách sạn.
Ngày 15/7/2020, bệnh nhân cùng gia đình ra sân bay trở về Hà Nội (máy bay hạ cánh tại Sân bay quốc tế Nội Bài lúc 12h30 ngày 15/7/2020). Sau đó đoàn đi 2 xe ôtô về nhà tại Mễ Trì, Nam Từ Liêm (đi xe đặt trước).
[Thêm 4 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có ở Hà Nội, Đắk Lắk]
Chiều 15/7/2020, bệnh nhân đến phòng trọ của bạn tại địa chỉ số 1/59/68 Mễ Trì Hạ, Mễ Trì, Nam Từ Liêm.Từ ngày 16/7-24/7/2020, bệnh nhân làm việc tại cửa hàng Alfresco (Địa chỉ 106 Trần Thái Tông, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy), hàng ngày tiếp xúc với hầu hết nhân viên tại cửa hàng là khoảng 13-14 nhân viên, không đeo khẩu trang khi tiếp xúc.
Ngày 23/7/2020, bệnh nhân xuất hiện sốt, ho, mệt nhưng vẫn đi làm và có đến gặp bạn tại địa chỉ số 1/59/68 Mễ Trì Hạ, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Ngày 25/7-28/7/2020, bệnh nhân nghỉ ở nhà, tự cách ly, không tiếp xúc với người khác.
Ngày 28/7/2020, bệnh nhân đi xe taxi của anh trai (là Nguyễn Đình Hiếu) đến khám tại Phòng khám Thái Hà (Địa chỉ: 178 phố Thái Hà, Đống Đa) (có đeo khẩu trang). Kết quả chụp XQ được chẩn đoán có hình ảnh nốt mờ ở phổi và được người nhà tư vấn chuyển Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Chiều ngày 28/7/2020 (khoảng 13h30), bệnh nhân đến khám tại tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 xã Kim Chung, huyện Đông Anh và có chỉ định nhập viện cách ly.
Với trường hợp này, ngay sau khi nhận được thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội và các đơn vị liên quan gồm Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm, Cầu Giấy và Đống Đa để tiến hành bao vây xử lý dịch các khu vực có liên quan đồng thời tổ chức cách ly, lấy mẫu bệnh phẩm với những người có tiếp xúc và những người liên quan.
Lãnh đạo quận Cầu Giấy thông tin, quận đã chỉ đạo, điều tra các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân 447 nhiễm COVID-19. Kết quả, tiếp xúc gần (F1) có 23 nhân viên nhà hàng Alfresco, 4 nhân viên nhà hàng bên cạnh (hút chung thuốc lào).
Quận cũng đã cho lấy mẫu xét nghiệm nhanh tại thời điểm khoanh vùng cho 22 trường hợp F1, trong đó có 3 người có biểu hiện ho, đau họng và được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Hà Đông; 19 trường hợp được cách ly tập trung.
Ngoài ra, có 27 trường hợp F1, trong đó, 8 trường hợp trên địa bàn quận, các trường hợp còn lại đã được thông báo về địa phương để điều tra dịch tễ; 469 trường hợp F2; qua trích xuất camera, mỗi ngày, nhà hàng Alfresco có từ 30 đến 40 đơn hàng giao tại nhà.
Quận đã tiến hành phun khử khuẩn tại nhà hàng Alfresco và các nhà hàng liền kề. Đồng thời, chỉ đạo Y tế, đội phản ứng nhanh tiến hành hoạt động phòng, chống dịch; ban hành văn bản cần thiết yêu cầu nhân viên các nhà hàng đeo khẩu trang, giữ vệ sinh; cách ly 1 trường hợp F1 ở phường Mai Dịch do có tiếp xúc với trường hợp F0 ở Đà Nẵng…
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Ngô Văn Quý cho biết Hà Nội đang ở mức 3 (nguy cơ thấp) theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng, vì các ca của Hà Nội đều lây thứ phát từ Đà Nẵng, chưa xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng.
Hà Nội đề ra 7 biện pháp, tiếp tục khẩn trương xác định F1, F2 các trường hợp của 2 ca nhiễm. Đối với những người đi qua 20 điểm dịch theo thông báo của Bộ Y tế thì cách ly tại nhà và xét nghiệm PCR. Người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như Bộ Y tế đã khuyến cáo tự trước đến nay.
Trước mắt thành phố tạm dừng các hoạt động tôn giáo, văn hóa thể thao tập trung đông người cũng như các sự kiện lớn. Không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng. Sử dụng các biện pháp phòng chống dịch trong cơ quan, đơn vị; khuyến khích họp trực tuyến, nếu họp trực tiếp thì phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch.
Về công tác mua sắm, nâng cao năng lực xét nghiệm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Ngô Văn Quý đề nghị để CDC tiếp mua 38.000 test còn lại theo kế hoạch. Giao Sở Y tế rà soát tất cả năng lực các cơ sở xét nghiệm nằm trên địa bàn thành phố gồm cả Trung ương, thành phố, tư nhân và nhà nước nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm khi có tình huống xảy ra; Tiếp tục mua sắm vật tư, hóa chất và đồ bảo hộ theo chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố.
Đối với việc chuẩn bị cho kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia, đề nghị lên phương án cụ thể ở các điểm thi như: giãn cách, đo thân nhiệt… theo đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sở Y tế yêu cầu các Bệnh viện thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng, chống dịch trong bệnh viện để đảm bảo không lây chéo và diễn ra tình trạng như Bệnh viện Bạch Mai hay các Bệnh viện ở Đà Nẵng…
Đến 1/8, hoàn thành xét nghiệm 21.000 người về từ Đà Nẵng
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Đức Chung đánh giá, các đơn vị đã thực hiện nghiêm túc Công điện 05 của thành phố về triển khai công tác phòng chống dịch COVID-19. Thành phố đã rà soát, sơ bộ phát hiện 21.063 người đi về từ Đà Nẵng.
Với ca bệnh mới phát hiện trên địa bàn thành phố, các trường hợp F1, F2 đã khẩn trương được xác định, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm “Các đơn vị đã vào cuộc nhanh, quyết liệt,” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố ghi nhận.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố nêu diễn biến dịch bệnh COVID-19 trên thế giới hiện vô cùng phức tạp với nhiều biến thể mới của virus, sau 1 tuần có 1,8 triệu người nhiễm, 43.00 người chết và khẳng định: “Chúng ta không chủ quan, lơi là, mất cảnh giác nhưng cũng không nên quá hoang mang lo lắng, bởi 24h qua thành phố ghi nhận 2 ca bệnh mới nhưng đều là đi từ vùng dịch về. Thành phố đã quản lý chặt chẽ người nhập cảnh 105 ngày qua.”
Căn cứ vào Chỉ thị 19, Hà Nội ở mức nguy cơ thấp, nhưng Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố đặc biệt lưu ý, nguy cơ lẫy nhiễm hiện nay rất cao ở diện rộng bởi chủng virus nguy hiểm hơn, lây nhiễm cao hơn, không phụ thuộc vào thời tiết…
Với các địa điểm ở Đà Nẵng và Quảng Nam đã được Bộ Y tế khuyến cáo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu các quận huyện phải cập nhật các địa điểm này, công khai để người biết, tự dối chiếu so sánh để thông tin đến lực lượng y tế bởi “không ai làm tốt hơn tự mình bảo vệ mình.”
Khẳng định, Hà Nội có nguy cơ lây nhiễm cao, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu các đơn vị khởi động tất cả các ban chỉ đạo phòng dịch từ thôn, tổ dân phố, đảm bảo trực 24/24/7 để kịp thời xử lý thông tin về dịch bệnh.
Các đơn vị, cơ quan trên địa bàn phải có nước sát khuẩn, tổ chức rà soát rộng hơn người về từ Đà Nẵng, tất cả trường hợ phải cách ly tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm ngay CDC chuyển ngay 80.000 mẫu test nhanh cho các quận huyện để tổ chức test nhanh đúng quy trình.
“Đến thứ 7 này các đơn vị phải hoàn thành test nhanh hơn 21.000 người về từ Đà Nẵng. Trường hợp nào dương tính thì xét nghiệm khẳng định bằng PCR. Các trường hợp F1, phải cách ly ngay lập tức ở Trường cao đẳng ngề kỹ thuật cao, Các trường hợp F2, cách ly tại nhà, giám sát y tế hàng ngày; khi có nhu cầu cần xét nghiệm thì các quận huyện phải đáp ứng ngay.
“Tính từ hôm nay, nếu chúng ta 'canh' tốt sau 14 ngày nữa đến 12/8 nếu kiểm soát tốt sẽ yên tâm,” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố nói.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cũng yêu cầu các quận huyện phải kiểm tra lại vật tư tiêu hao phòng dịch, các trường hợp tham gia vận chuyện bệnh nhân phải trang bị đủ đồ bảo hộ, chống giọt bắn.
CDC phải chuẩn bị đủ test, đảm bảo sẵn sàng khi cần thiết; CDC kiểm tra lại tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn; các bệnh viện trên địa bàn tổ chức tiếp nhận khám chữa bệnh nhân theo đúng quy trình phòng dịch không để bài học như ở Đà Nẵng khi cả 3 bệnh viện trên thành phố đều có ca nhiễm.
Nêu việc bệnh nhân 76 tuổi hoàn toàn không có triệu chứng gì, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố khẳng định: “Chúng ta không chủ quan lơ là, khẩn trương, phát hiện nhanh chóng, xét nghiệm kịp thời. Công tác xét nghiệm là đặc biệt quan trọng để phát hiện ngay ca bệnh.”
Đề cập đến việc tổ chức các Hội chợ, Hội nghị xúc tiến cung cầu, lễ hội, quán bar… trên địa bàn thành phố, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Đức Chung đề nghị tạm dừng hoạt động theo đúng kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 tại thông báo số 262/TB-VPCP ngày 29/7/2020./.