Đêm Văn hóa Việt Nam-Sắc màu Việt tỏa sáng tại trụ sở UNESCO

Chương trình “Đêm Văn hóa Việt Nam-Sắc màu Việt” để lại ấn tượng đậm nét bạn bè quốc tế tại UNESCO, về hình ảnh một Việt Nam luôn coi di sản văn hóa là động lực cho hòa bình, tự cường và phát triển.
Các Đại sứ, đại diện các nước thành viên và lãnh đạo UNESCO chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Thu Hà/Vietnam+)

Đêm 6/11 tại trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ở thủ đô Paris của Pháp, các đại sứ, đại diện các nước bên cạnh tổ chức này của Liên hợp quốc đã có dịp thưởng thức một bữa tiệc đậm màu sắc văn hóa Việt Nam, gồm âm nhạc dân tộc, múa rồng và võ thuật cổ truyền, tranh dân gian và ẩm thực truyền thống.

Với chủ đề “Di sản văn hóa là động lực cho hòa bình, tự cường và phát triển bền vững,” Đêm Văn hóa Sắc màu Việt Nam đã được tổ chức theo sáng kiến của Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO nhằm quảng bá và tôn vinh văn hóa dân tộc, đồng thời bày tỏ quyết tâm của Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trong nước và quốc tế.

Diễn ra trước thềm Khóa họp 42 của Đại Hội đồng UNESCO, sự kiện đã thu hút sự tham gia đông đảo của gần 200 đại sứ, đại diện các nước thành viên và lãnh đạo UNESCO.

Về phía Việt Nam có Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân; Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng.

Về phía UNESCO có Phó Tổng Giám đốc UNESCO Xing Qu, Chủ tịch Hội đồng chấp hành Tamara Rastovac Siamashvili, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới Lazare Assomo Eloundou...Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã nêu bật ý nghĩa của sự kiện, là hoạt động tiếp nối “Hội nghị quốc tế về phát huy vai trò các danh hiệu UNESCO vì phát triển bền vững ở Việt Nam” (7/2023), để chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam với UNESCO trong việc thúc đẩy vai trò các danh hiệu, di sản, văn hóa vì phát triển bền vững và tự cường; khẳng định hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO đã trở thành hình mẫu vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.

Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Thu Hà/Vietnam+)

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc chia sẻ: “Với hàng nghìn năm lịch sử và truyền thống văn hóa độc đáo, 8 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới và 15 Di sản Văn hóa Phi Vật thể của nhân loại, Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể vào sự đa dạng và phong phú của kho tàng di sản thế giới.”

Thứ trưởng nhấn mạnh vai trò của di sản văn hóa là nguồn cảm hứng cho sự sáng tạo, cầu nối giao lưu và hiểu biết giữa các dân tộc, nền tảng để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Tôn trọng và bảo vệ di sản văn hóa của mỗi quốc gia sẽ tăng cường sự đoàn kết, giảm bạo lực và xung đột, thúc đẩy hòa bình và phát triển bền vững.

Qua đó, Việt Nam tái khẳng định cam kết thực hiện trách nhiệm quốc gia thành viên trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở cấp quốc gia và quốc tế, đóng góp nhiều hơn nữa vào công việc chung của UNESCO thông qua việc ứng cử vào Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027.

Thay mặt UNESCO, phát biểu tại buổi lễ, Phó Tổng Giám đốc Xing Qu đánh giá sự kiện văn hóa này góp phần tôn vinh vẻ đẹp và sự phong phú của phong tục và truyền thống, chiều sâu di sản phi vật thể của Việt Nam.

Ông hoan nghênh quan hệ đối tác tốt đẹp gần 50 năm qua giữa Việt Nam và UNESCO, đề cao những đóng góp cụ thể và thiết thực của Việt Nam trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản, nổi bật là Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước Bảo vệ Di sản Thế giới tại Ninh Bình năm 2022 với sự tham dự của Tổng Giám đốc UNESCO, Hội nghị quốc tế về phát huy giá trị danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam, việc mới ghi danh Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà vào danh mục Di sản Thế giới và công nhận Hội An và Đà Lạt là hai thành phố sáng tạo mới của Việt Nam.

Trình diễn làn điệu dân ca các vùng miền tại Đêm Văn hóa Sắc màu Việt Nam. (Ảnh: Thu Hà/Vietnam+)

Ông cũng nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của sự kiện văn hóa này, tiếp tục thể hiện tinh thần của Hội nghị Mondialcult 2022 để “văn hóa trở thành tài sản công toàn cầu” và hướng đến mục tiêu đưa văn hóa trở thành Mục tiêu Phát triển Bền vững trong tương lai.

Trong khuôn khổ Đêm Văn hóa Việt Nam, các bạn bè quốc tế có dịp thưởng thức những nét đặc sắc về văn hóa, nghệ thuật dân gian truyền thống Việt Nam như múa rồng, những làn điệu dân ca, nghệ thuật làm tranh dân gian Đông Hồ, trình diễn võ thuật Vovinam, cùng tinh hoa ẩm thực của dân tộc…, góp phần quảng bá hình ảnh một Việt Nam năng động trong đổi mới, hội nhập, song cũng đậm đà bản sắc dân tộc, qua đó khẳng định nỗ lực, quyết tâm và trách nhiệm của Việt Nam trong bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thế giới ở tầm quốc gia và quốc tế.

[“Đêm Văn hóa Việt Nam” thu hút đông đảo người dân Hungary tham gia]

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp những ấn tượng tốt đẹp về bữa tiệc âm nhạc, ẩm thực và võ cổ truyền, bà Anne Lemaistre - Giám đốc Văn phòng UNESCO tại La Habana (Cuba), cho rằng Đêm Văn hóa Việt Nam là một minh chứng rất rõ về sự đa dạng của nghệ thuật truyền thống.

Bà cho biết: “Chúng tôi đã được chứng kiến nhiều màn trình diễn tuyệt vời từ võ cổ truyền đến âm nhạc, múa rồng. Chủ đề mà các bạn chọn cho buổi tối nay là hòa bình, tự cường và phát triển bền vững cũng là những giá trị mà UNESCO đang bảo vệ và cùng chia sẻ với đất nước của các bạn. Thú thực tôi rất mê các di sản văn hóa của đất nước Việt Nam và tôi thực sự rất mong muốn được đến thăm lại.”

Màn trình diễn múa rồng gây ấn tượng với nhiều quan khách. (Ảnh: Thu Hà/Vietnam+)

Cùng chung cảm xúc của bà Anne Lemaistre, ông Jonathan Barker, sẽ đảm nhiệm Giám đốc Văn phòng UNESCO tại Việt Nam từ tháng 1/2024 tới, cho biết buổi diễn đã giúp khán giả khám phá sự đa dạng của văn hóa Việt Nam, từ các làn điệu dân ca miền Bắc, miền Trung tới miền Nam. Những món ăn Việt nổi tiếng trên thế giới cũng góp phần tạo nên sự tuyệt vời của sự kiện.

Chương trình “Đêm Văn hóa Việt Nam-Sắc màu Việt” đã khép lại. Tuy nhiên, những dư âm của sự kiện sẽ còn đọng mãi trong ký ức của bạn bè quốc tế, những sứ giả văn hóa của Liên hợp quốc, về hình ảnh một Việt Nam luôn coi “Di sản văn hóa là động lực cho hòa bình, tự cường và phát triển bền vững”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục