Đêm nhạc thiện nguyện "Chảy đi sông ơi": "Như đang còn hơi ấm bàn tay"

Hai tiếng hát từng trưởng thành từ Nhạc viện Hà Nội đã có một buổi tối thăng hoa cuồn cuộn xúc cảm trong đêm nhạc "Chảy đi sông ơi" diễn ra tối 29/5 tại Phòng Hòa nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia.
Tùng Dương - Thanh Lam đã có một đêm nhạc nhiều cảm xúc. (Ảnh: Hữu Đức/Vietnam+)

Những xúc cảm cuồn cuộn

Thanh Lam và Tùng Dương - hai giọng ca hàng đầu của nhạc nhẹ Việt Nam, hai hạt mầm ưu tú trưởng thành từ Nhạc viện Hà Nội đã có một buổi tối "trở về" đầy thăng hoa, cuồn cuộn những cung bậc xúc cảm trong đêm nhạc từ thiện "Chảy đi sông ơi" tại Phòng Hòa nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia​ (Hà Nội) vào tối 29/5.​

Ở thời điểm được xem là chín muồi về giọng hát và trải nghiệm, Thanh Lam và Tùng Dương ít khi hát mà không hay. Thậm chí, khi thanh âm của hai giọng hát ấy vang lên trong đêm "Chảy đi sông ơi" - vẻ như, còn hay hơn bình thường.

Có thể, vì hát lên tinh thần thiện nguyện, không bị áp lực bán vé và thương mại bởi nhận được sự ủng hộ từ những người bạn (hơn 800 ghế của phòng Hòa nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia không còn chỗ trống) khiến tiếng hát Lam-Dương cất lên vang vọng và lắng đọng đến thế.

Khán giả đến với đêm ngoài công chúng yêu nhạc, yêu tiếng hát Lam-Dương còn là những người bạn lâu năm, thân thiết muốn "chung tay" với cặp đôi nghệ sỹ, thực sự được hoan hỉ vì lâu lắm rồi họ mới được "thiết đãi" một đêm nhạc tinh tuyền từ Thanh Lam và Tùng Dương.

Lam hát "Em tôi - Đợi chờ" của nhạc sỹ Thuận Yến như giọt mật. "Cho em một ngày" cũng đã đi qua những cung bậc nồng nàn, diễm tình của thời "Lam xưa" nay khắc khoải, bùng cháy, diệu vợi hơn.

Lam của những năm 90 hay 2000 hay Lam bây giờ thì khi cất lời như "Mong anh về" hay "Đá trông chồng" trong đêm qua thì vẫn đầy nỗi niềm, vấn vương không thể đo đếm.

Càng dưới ánh đèn sân khấu, Lam càng đẹp, cả về tiếng hát, hình hài và tâm hồn. Lam - "Người đàn bà hát" dù khắc khoải tình ca, hay ma mị, bùng cháy với tiết tấu rock thì luôn căng tràn tuổi trẻ, tình yêu, khát khao trong từng giọt tiếng hát Lam, khiến lịch sử nhạc nhẹ Việt Nam có một biểu tượng đầy kiêu hãnh.

Bất ngờ nhất có lẽ là "Một mình" - tuyệt phẩm của nhạc sỹ Thanh Tùng qua tiếng hát Thanh Lam, nay được cất lên bởi Dương. Đầy xúc động, bao dung. Trải nghiệm làm cha khiến Tùng Dương hát chắt chiu hơn. Tiếng hát đầy biến báo ấy nay hát về tình cha (Ru con mùa Đông) hay nghĩa mẹ (Mẹ tôi) thấu buốt đến tận cùng và trở thành độc bản.

"Chảy đi sông ơi" với ý niệm "những dòng sông ở Việt Nam sẽ hiền hòa và chảy" trước thiên tai hạn hán, trước biến đổi khí hậu xâm thực, nhiễm mặn ở miền Tây, trước sự ô nhiễm nơi nơi, nhưng "Chảy đi sông ơi" cũng chính là xúc cảm cuồn cuộn trong tiếng hát của Lam và Dương.

Gần ba tiếng trong phòng hòa nhạc là một trải nghiệm vô cùng lạ lẫm bởi sự ngẫu hứng. Những giai điệu thân quen lại được khoác lên một phong cách mới cứ sau một lần Thanh Lam và Tùng Dương hát.

Thanh Lam và Tùng Dương. (Ảnh: Hải Bá)

Ngày "trở về" với những nốt kết đặc biệt

Trong những nốt nhạc cuối cùng, khán giả được sống trong cuồn cuộn những cung bậc xúc cảm vừa dữ dội, cuồng nhiệt, vừa sâu lắng, thiết tha của hai người nghệ sỹ.

"Kiếp nào có yêu nhau" rồi "Chảy đi sông ơi" không còn ủy mị mà bùng cháy, khát khao được thể hiện qua phần trống mạnh mẽ và giọng hát thênh thênh, chói sáng của Lam-Dương.

Ngoài tiếng hát Thanh Lam và Tùng Dương, đêm nhạc "Chảy đi sông ơi" còn có sự tham gia của những tài năng khí nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Khán giả được thưởng thức một cách trọn vẹn những thanh âm du dương của những nghệ sỹ violin nhí đầy tài năng, hay màn trình diễn của tứ tấu Aurora đầy triển vọng của âm nhạc giao hưởng Việt Nam.

Đặc biệt, làm mới ca khúc "Để gió cuốn đi" của Thanh Lam và Tùng Dương cùng Dàn hợp xướng Sol art của Đặng Châu Anh thực sự in dấu dư âm đẹp, mát lành cho đêm Hè.

Sự mới mẻ của âm nhạc "Chảy đi sông ơi" ngoài tiếng hát Thanh Lam và Tùng Dương tối 29/5 phải ghi nhận công rất lớn của ban nhạc do Dương Cầm phối khí, dàn dựng đã mang đến một không gian đậm đầy tính thính phòng thăng hoa và đầy xúc cảm.​

Nhạc sỹ Dương Cầm. (Ảnh: Hải Bá)

"Để gió cuốn đi" từ trong tiếng hát của hai nghệ sỹ và thế hệ tài năng tương lai như mạch nguồn tinh thần len lỏi lòng trắc ẩn và sự bao dung tới trái tim những người có mặt tối qua.

Hơn 1,3 tỷ đồng tiền ủng hộ bán đấu đấu giá 4 bức tranh trực tiếp trên sân khấu cho "Nhà chống lũ" đã minh chứng cho sức lay động của âm nhạc

"Chảy đi sông ơi" - Như chân lý, những dòng sông thì luôn chảy, giấc mộng đêm Hè mà Thanh Lam và Tùng Dương cùng những người bạn khởi xướng đã khép lại, minh chứng những điều tốt đẹp vẫn còn hiện hữu, giống như câu hát của Lam "Như đang còn hơi ấm bàn tay. Như đang còn tiếng háy mê say..."

Giả dụ, nếu có điều gì chưa hài lòng về đêm nhạc, có lẽ điều đó cũng không quan trọng nữa khi mà lúc ra về, nhiều người lớn và em bé đã cùng hát "Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng..." như dư âm ngân dài cùng niềm hy vọng của đêm nhạc "Chảy đi sông ơi" sẽ được tiếp nối./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục