Đem lại hạnh phúc cho nhân dân - cái gốc của một đất nước hùng cường

Mục tiêu của cách mạng, lý tưởng phấn đấu của Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt 13 nhiệm kỳ qua luôn là độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Đem lại hạnh phúc cho nhân dân - cái gốc của một đất nước hùng cường ảnh 1Trẻ em vui chơi tại Hồ Gươm. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã minh chứng “dân là gốc,” trọng dân, gần dân, sát dân và thấu hiểu dân sẽ quy tụ được nhân dân, tạo nên sức mạnh to lớn. Mang lại ấm no, hạnh phúc cho dân là cái gốc vững bền cho một đất nước hưng thịnh.

“Mọi việc lợi nên làm cho dân, mọi mối hại nên bỏ”

Trong một lần tuần du ngoại thành, vua Lê Thánh Tông bỗng gặp một cụ già mặc áo rách, đang run cầm cập. Sẵn lòng nhân từ, vua liền cởi áo long bào đang mặc định đưa cho cụ già mặc. Quan hộ giá vội can ngăn. Nhà vua khoát tay nói: “Trẫm biết rồi, trẫm thương dân như chính thương con của trẫm.” Thế rồi, nhà vua liền truyền lệnh mở kho phát chăn chiếu, đồ mặc ấm cùng với lương thực cho dân nghèo khó, cùng các cụ già neo đơn.

“Đế vương phải nuôi dưỡng bằng lòng dân, để đức trùm khắp tám phương, để dân sống no đủ, không còn đói rét, lưu vong nữa. Thương yêu dân là trách nhiệm của quan lại, mọi việc lợi nên làm cho dân, mọi mối hại nên bỏ,” quan niệm ấy theo suốt 37 năm trị vì của vị vua suốt đời vì dân Lê Thánh Tông.

Quốc triều hình luật (Bộ luật Hồng Đức) dưới thời vua Lê Thánh Tông có nhiều quy phạm mang tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc, bảo vệ quyền lợi của người dân, những người yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội, chống lại sự ức hiếp, sách nhiễu của cường hào, quan lại, thể hiện đậm nét tư tưởng “dân là gốc.”

["Dân là gốc" tiếp tục là tư tưởng, phương châm hành động của Đảng]

Lo cho dân, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay, là một trong những kinh nghiệm quý báu trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

Đại hội XIII của Đảng cũng xác định “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân.”

Đem lại hạnh phúc cho nhân dân

Nhìn từ thời Hồng Đức để thấy ở thời nào cũng vậy, an dân, chăm lo cho dân, đem lại hạnh phúc cho nhân dân là điều căn cốt, là cái gốc vững bền cho một đất nước hùng cường. Mục tiêu của cách mạng, lý tưởng phấn đấu của Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt 13 nhiệm kỳ qua luôn là độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân Pháp cũng là bởi để mang lại hạnh phúc cho nhân dân.

Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Lần đầu tiên trong lịch sử nhân dân ta được hoàn toàn giải phóng: Đã phá tan cái xiềng xích nô lệ thực dân, đã đập đổ cái chế độ thối nát của vua quan phong kiến, đã lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ đó dân ta làm chủ nước ta.”

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, từ kiếp sống nô lệ, tủi nhục, lầm than, trong cảnh “Non sông thẹn với nước nhà, vua là tượng gỗ, dân là thân trâu,” Cách mạng Tháng Tám không chỉ hồi sinh số phận vốn có của nhân dân trong lịch sử của nhà nước Việt Nam độc lập, mà còn đưa nhân dân lên vị thế chủ nhân thật sự của đất nước, làm chủ vận mệnh của mình, được hưởng các quyền con người, quyền tự do, công bằng như bất kỳ một dân tộc văn minh, tiến bộ nào khác.

Đem lại hạnh phúc cho nhân dân - cái gốc của một đất nước hùng cường ảnh 2Nhân viên y tế thôn bản hướng dẫn bà mẹ chăm sóc sơ sinh tại xã Cà Tạ, huyện miền núi Kỳ Sơn, Nghệ An. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Từ cuộc hồi sinh sau Cách mạng Tháng Tám, nhân dân Việt Nam cùng đất nước mình đã bước lên vũ đài chính trị thế giới với một vị thế mới đầy tự hào, vẻ vang.

Chỉ bốn tháng sau ngày Cách mạng thắng lợi, lần đầu tiên, nhân dân được thực hiện quyền làm chủ của mình, cầm lá phiếu để tự tay bầu ra Quốc hội của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cử ra chính quyền từ cấp xã đến Trung ương.

Từ đây, trên đất nước Việt Nam, “bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân."

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gần dân, trọng dân, tất cả vì nhân dân phục vụ.

Với quan điểm mọi quyền lực, lợi ích đều thuộc về nhân dân, Người luôn hướng về nhân dân, đến với dân, hòa mình với nhân dân để hiểu dân, kịp thời có những chủ trương, quyết sách hợp với lòng dân, giải quyết những bức xúc của dân.

Người là tấm gương mẫu mực của người lãnh đạo suốt đời làm công bộc tận tụy, làm đầy tớ trung thành của nhân dân, thấu hiểu cuộc sống của dân và luôn thấu cảm lòng dân.

Từ Hiến pháp đến các văn bản pháp quy, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đều thể hiện nhất quán quan điểm đề cao quyền làm chủ của nhân dân, nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Điều 2 Hiến pháp năm 2013 quy định "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức."

Tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc,” tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng.”

Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.

Bảo đảm hạnh phúc cho nhân dân, trong Văn kiện đã xác định thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân; xây dựng các cơ chế, chính sách, phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam; phát huy tối đa nhân tố con người - coi con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển.

Nghị quyết Đại hội XIII nhấn mạnh tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa, thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”; đề cao khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, đặc biệt coi trọng chỉ số hạnh phúc của người dân để đánh giá về sự tiến bộ, ưu việt của quốc gia.

Định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 đều hướng đến chỉ số hạnh phúc: đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700-5.000 USD; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 70%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5% hằng năm; có 10 bác sỹ và 30 giường bệnh/vạn dân; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; tuổi thọ trung bình đạt khoảng 74,5 tuổi...

Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao (GDP bình quân đầu người ước đạt khoảng 7.500 USD/năm).

Đem lại hạnh phúc cho nhân dân - cái gốc của một đất nước hùng cường ảnh 3Các gia đình tham gia kéo co - một trò chơi dân gian mang đậm tính đoàn kết tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Việc xác định các mục tiêu cụ thể theo các tiêu chí mới thể hiện bước tiến nhận thức của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Muốn an dân thì phải làm cho dân an. Muốn nhân dân hạnh phúc thì phải mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Hạnh phúc giờ đây không chỉ là cơm no, áo ấm, ai cũng được học hành, mà đa chiều, bao gồm cả vật chất lẫn tinh thần.

Nhìn vào các chỉ số thu nhập bình quân đầu người tăng lên hằng năm, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm dần qua từng nhiệm kỳ, hệ thống an sinh xã hội phát triển theo hướng toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân để “không ai bị bỏ lại phía sau,” quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân được bảo vệ, có thể thấy, đây là những minh chứng sinh động cho sự quan tâm của Đảng, Nhà nước.

Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 hai năm qua, tư tưởng “dân là gốc,” quan điểm “vì dân” một lần nữa được thể hiện rõ khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều lần khẳng định bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết.

Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, đánh giá: "Qua quá trình phòng, chống đại dịch COVID-19, chúng ta càng hiểu rõ không phải cứ thu nhập cao, tốc độ tăng trưởng nhanh là sung sướng, mà quan trọng nhất là cuộc sống bình yên và hạnh phúc."

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng."

Hạnh phúc của nhân dân luôn là mục tiêu phấn đấu của Đảng từ khi thành lập cho đến khi đạt được những thành tựu đặc biệt quan trọng của ngày hôm nay. Và trong tương lai, mục tiêu này tiếp tục là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cho sự nghiệp xây dựng Đảng và phát triển đất nước. Bởi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục