Đêm Giao thừa hy vọng

Đêm Giao thừa hy vọng của công nhân Việt xa xứ

Đêm 30 là đêm anh chị em lao động tụ họp bên nhau, quên đi nhọc nhằn của một năm vất vả và cùng nhau đón một năm mới đầy hy vọng.
Đêm 30 Tết là thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, là thời điểm linh thiêng trong mỗi con người Việt Nam.

Tại Malaysia, nơi có hàng chục nghìn lao động Việt Nam, đêm 30 cũng là đêm để anh chị em lao động tụ họp bên nhau, quên đi nhọc nhằn của một năm vất vả và cùng nhau đón một năm mới đầy hy vọng.
 
Rộn ràng khâu chuẩn bị
 
Những ngày cuối năm, khi không khí Tết đã lên lỏi trong lòng những người con xa xứ, thì cũng là lúc anh chị em công nhân tại Malaysia vừa tất bật tăng ca nhưng cũng vừa tranh thủ thời gian để sắm sang cho một đêm giao thừa sắp tới. Trong hoàn cảnh xa gia đình, xa bè bạn người thân, tình đồng hương, và tính cộng đồng đã kéo những người Việt lại với nhau, họ tụ tập cùng góp sức, góp của để đón tết chung.
 
Theo lời của Thể, một công nhân lao động đã ở Malaysia 8 năm, dù có khó khăn gì đi nữa thì tết của người Việt cũng phải có được cặp bánh chưng và cân giò lụa. Và không khí Tết đã thật sự ập vào khi chiều 30, mọi người đổ về nhà trọ của Thể để gói bánh chưng.
 
Những chiếc lá dong xanh xin được từ vườn cây cảnh của những người Malaysia tốt bụng, những hạt nếp tròn đều gửi từ Việt Nam sang dưới bàn tay khéo léo của anh em lao động đã dần thành hình vuông của bánh chưng và hình trụ của bánh tét. Và nồi nấu bánh chưng cũng được anh em làm nghề cơ khí cắt và hàn từ những chiếc thùng phuy.
 
Trong lúc đội gói bánh chưng đang chuẩn bị thì ở một góc khác, đội phục vụ cho mâm cổ tất niên cũng tất bật. Những chàng thanh niên lúc ở nhà vốn chưa quen nấu nướng bỗng trở thành khéo tay hơn khi phải tự lập nơi đất khách. Đặc biệt hơn, họ lại chế biến ra những món ăn “rất tết”, “rất Việt Nam” ngay trên miền đất lạ, đó là những giò lụa, giò xào, thịt nấu đông, cá hấp, bò xào mướp đắng…
 
Phác, một “đầu bếp” tâm sự: “Cả năm làm ở công trường toàn ăn cơm bụi người Mã, nhiều khi thèm được ăn một vài món mang hương vị Việt mà không có thời gian chế biến anh ạ! Thôi thì Tết đến xuân về, có dịp anh em tụ tập đông đủ, em cũng cố gắng làm vài món quê hương vừa để nguôi ngoai cơn thèm, vừa bày tỏ tấm lòng lên bàn thờ gia tiên.”
 
Các chị em công nhân ngoài việc lo cỗ tết, thì cũng tranh thủ để sửa sang lại nhan sắc trước khi sang năm mới. Thời gian thì cứ vô tình trôi qua và kết hợp với sự cực nhọc trong những buổi tăng ca, những giờ làm thêm đã bào mòn nhan sắc của những nữ công nhân ở độ tuổi hai mươi này. Biết rằng Tết mang đến là một sự khởi đầu, một sức sống mới, nhưng phía sau nó là sự lo toan của nhiều chị em khi tuổi xuân cứ dần trôi qua nơi đất khách.
 
Giao thừa ấm tình đồng hương
 
Và khi mọi sự chuẩn bị đã xong, thời khắc đón Giao thừa cũng đến. Khi chiếc đồng hồ trên tường chỉ vào thời đểm 1 giờ sáng (giờ Kuala Lumpur) cũng là lúc tràng pháo đỏ của những công nhân Việt Nam được đốt lên để đón giao thừa theo giờ Hà Nội.

Tiếng pháo vang lên, nhiều tiếng vỗ tay phụ họa kèm theo, những khó nhọc của một năm lao động vất vã dường như tan theo tiếng pháo. Dường như mọi thứ trên đời đã biến đi để nhường chỗ cho tình đồng hương, tình người nơi đất khách. Những cái bắt tay, những lời chúc mừng cho một năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc và được tăng lương được trao cho nhau.
 
Sau những lời chúc, mọi người cũng nhau nâng ly và thưởng thức những món ăn Việt Nam do anh chị em vừa chế biến. Và những bài hát, xuân do chính các chủ nhân kiêm ca sĩ không chuyên trình bày. Mọi người cảm thấy vui vẻ hơn, ấm áp hơn khi sống ở xứ lạ quê người.
 
Năm mới đã sang, tràng pháo đầu xuân nổ giòn tan không sót một viên như báo hiệu một năm tốt đẹp sắp đến với anh chị em lao động tại Malaysia. Mong rằng, những câu chúc phúc đầu năm sẽ thành hiện thực với những người con đi tìm tương lai nơi đất khách này./.

Xuân Triển/Kuala Lumkpur (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục