Mới đây, tập đoàn sản xuất máy tính Dell của Mỹ đã gây chấn động cả thế giới khi chính thức "thâu tóm" công ty đồng hương chuyên lưu trữ và xử lý dữ liệu EMC với giá trị hợp đồng lên tới 67 tỷ USD.
Đây được coi là khoản tiền cao kỷ lục trong lịch sử các thương vụ mua bán và sáp nhập của làng công nghệ toàn cầu.
Bước đi táo bạo của Dell được đưa ra trong bối cảnh thị trường công nghệ thông tin đang bước vào một cuộc cách mạng đổi mới với những biến chuyển không ngừng, từ đó đặt ra thách thức không nhỏ cho những hãng điện tử mà bấy lâu chỉ quen với các sản phẩm công nghệ truyền thống như máy tính bàn, laptop...
Trong những năm gần đây, sự ra đời của dịch vụ điện toán đám mây (cloud computing) đã mở ra một kỷ nguyên mới trong cấu trúc máy tính và phát triển phần mềm cũng như phương thức lưu trữ, phân phối và sử dụng thông tin, từ đó mang lại sự tiện lợi chưa từng có cho người sử dụng.
Với sáng kiến này, các “thượng đế” có thể tiếp cận dữ liệu thông tin mọi lúc mọi nơi từ một nhà cung cấp nào đó "trong đám mây" thay vì phải vận hành riêng một trung tâm dữ liệu như trước.
Điều này đã khiến những hãng công nghệ truyền thống như Dell hay HP điêu đứng khi họ buộc phải nhường lại khách hàng và thị phần cho đối thủ là các công ty cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin trên nền điện toán đám mây công cộng (public cloud) như Google Cloud Platform hay Amazon Web Services.
Do đó, với thương vụ thế kỷ trị giá 67 tỷ USD, Dell đang “ôm mộng” sẽ có thể chuyển mình từ một hãng chế tạo máy tính cá nhân đơn thuần sang một nhà cung cấp các dịch vụ IT đa dạng cho doanh nghiệp để bắt kịp xu hướng hiện đại.
Trao đổi với báo giới, Giám đốc điều hành Michael Dell cho biết thương vụ trên sẽ giúp Dell thúc đẩy tăng trưởng vững chắc trong các lĩnh vực chiến lược nhất của ngành công nghệ gồm chuyển đổi kỹ thuật số, trung tâm dữ liệu phần mềm, hạ tầng liên kết, điện toán đám mây hỗn hợp, di động và bảo mật nhằm giành lấy lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực lưu trữ dữ liệu trước các đối thủ.
Đây cũng được đánh giá là một bước đi mang tính chiến lược của hãng này trong bối cảnh mảng kinh doanh máy tính đang ngày càng suy giảm.
Với việc "kết nạp" EMC, Dell sẽ đẩy mạnh hoạt động kinh doanh máy chủ lưu trữ dữ liệu nhằm vào khối khách hàng doanh nghiệp.
Dịch vụ lưu trữ và xử lý dữ liệu của EMC khi kết hợp với trung tâm dữ liệu của Dell được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều lựa chọn thiết thực hơn dành cho khách hàng.
Bên cạnh đó, bằng việc mua lại EMC, Dell cũng sở hữu cả VMware đang thuộc quản lý của EMC.
VMware chuyên cung cấp các giải pháp ảo hóa phần mềm và sẽ rất tốt khi kết hợp với nhu cầu lưu trữ và máy chủ của khách hàng doanh nghiệp đang muốn triển khai các trung tâm dữ liệu cao cấp.
Trong một bài phát biểu, nhà sáng lập Dell Michael Dell cho hay: “Sự kết hợp giữa Dell và EMC sẽ tạo ra một giải pháp hoàn hảo cho các khách hàng doanh nghiệp đồng thời giúp hãng đón đầu những xu thế và chiến lược mới nhất của ngành công nghệ thông tin toàn cầu.”
Trong khi đó, mặc dù không thể phủ nhận rằng việc mua lại EMC sẽ mang đến cho Dell nhiều cơ hội trong những thị trường mới song, cũng có ý kiến cho rằng Dell đang tự “hại mình” với thương vụ thế kỷ này.
Thứ nhất, vụ thâu tóm này sẽ không giải quyết triệt để thách thức mà Dell đang đối mặt đó là sự lan rộng của dịch vụ điện toán đám mây khi ngày càng có nhiều công ty lựa chọn sử dụng hạ tầng của Amazon Web Service hay Google Cloud Platform để tiết kiệm chi phí vào máy chủ. Thứ hai, theo hãng tin Bloomberg, việc mua lại EMC sẽ khiến núi nợ của Dell tăng thêm 50 tỷ USD lên mức 60 tỷ USD.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành HP Meg Whitman thì cho rằng Dell sẽ phải trả 2,5 tỷ USD chỉ tính riêng tiền lãi hàng năm cho khoản nợ khổng lồ này đồng thời sẽ không có đủ thanh khoản để đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D).
Thêm vào đó, giờ đây Dell sẽ phải chịu trách nhiệm với cấu trúc doanh nghiệp phức tạp của EMC, điều đòi hỏi rất ở nhiều bản lĩnh và kinh nghiệm của hãng công nghệ Mỹ này./.