Tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, Bộ Y tế đã đề xuất xử phạt vi phạm quy định phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Cụ thể, phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Đưa tin không chính xác hoặc không kịp thời hoặc không trung thực về tình hình sau khi dịch được công bố bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về thời điểm hoặc thời lượng phát sóng hoặc dung lượng hoặc vị trí đăng tải thông tin về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
[Cứu sống một bệnh nhân bị suy hô hấp cấp do hẹp khí quản]
Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi thực hiện việc thu tiền đối với việc thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm trên phương tiện thông tin đại chúng, trừ trường hợp có hợp đồng riêng với chương trình, dự án hoặc do tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài tài trợ.
Theo dự thảo, phạt từ 1-3 triệu đồng đối với cơ sở giáo dục không được xây dựng ở nơi cao ráo, sạch sẽ, xa nơi ô nhiễm, đủ nước sinh hoạt, công trình vệ sinh; cơ sở giáo dục không thực hiện việc giáo dục cho người học về vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm bao gồm vệ sinh cá nhân, vệ sinh trong sinh hoạt, lao động và vệ sinh môi trường; đơn vị y tế của cơ sở giáo dục không thực hiện việc tuyên truyền về vệ sinh phòng bệnh; kiểm tra, giám sát vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Dự thảo đề xuất cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; không chấp hành yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền về việc lấy mẫu xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A để giám sát; không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế khi phát hiện môi trường có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, người mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A…
Xử phạt sai phạm trong sử dụng vắcxin, sinh phẩm y tế
Theo dự thảo, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không thực hiện hoặc cản trở việc sử dụng vắcxin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng; không thực hiện việc tư vấn đầy đủ cho người được tiêm chủng hoặc gia đình trẻ được tiêm chủng về lợi ích và những rủi ro có thể gặp phải khi tiêm chủng; không thực hiện việc hướng dẫn người được tiêm chủng hoặc gia đình trẻ được tiêm chủng cách theo dõi, xử trí phản ứng sau tiêm chủng.
Phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không sử dụng vắcxin, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắcxin, sinh phẩm y tế phòng bệnh trong trường hợp có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; không cấp và ghi sổ theo dõi tiêm chủng cá nhân hoặc sổ tiêm chủng điện tử; không thống kê danh sách các đối tượng được tiêm chủng tại cơ sở; không thực hiện việc khám sàng lọc, tư vấn cho đối tượng được tiêm chủng trước khi tiêm chủng; không thực hiện việc theo dõi người được tiêm chủng ít nhất 30 phút sau tiêm chủng và hướng dẫn gia đình hoặc đối tượng tiêm chủng để tiếp tục theo dõi ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng…
Phạt tiền từ 15-25 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Sử dụng vắcxin, sinh phẩm y tế tại cơ sở không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; thực hiện việc tiêm chủng khi chưa thực hiện việc công bố cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng. Hành vi sử dụng vắcxin không có số đăng ký, vắcxin đã hết hạn sử dụng bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng./.