Cơ quan nào xác nhận cá nhân qua đời còn tài sản hay không?

Đề xuất xóa nhiều khoản nợ thuế: Có đảm bảo tính nghiêm minh?

Nhiều đề xuất của Bộ Tài chính về xóa nợ thuế với các các nhân đã chết, mất tích hay với các khoản nợ thuế trên 5 năm đều nhận được cái “lắc đầu” từ phía Bộ Tư pháp.
Đề xuất xóa nhiều khoản nợ thuế: Có đảm bảo tính nghiêm minh? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nhiều đề xuất của Bộ Tài chính về xóa nợ thuế với các các nhân đã chết, mất tích hay với các khoản nợ thuế trên 5 năm đều nhận được cái “lắc đầu” từ phía​ Bộ Tư pháp.

Xoá nợ chỉ làm “đẹp” sổ sách

Một trong những ý kiến đáng chú ý đã được Bộ Tài chính nêu lên trong dự thảo trước đó là đề xuất: Cá nhân được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự còn nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp sẽ được xoá nợ tiền thuế. Quy định hiện hành có thêm điều kiện là: các cá nhân trên phải “không có tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ.”

Việc bỏ điều kiện trên, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, là bởi không có cơ quan Nhà nước nào chịu trách nhiệm về việc xác nhận cá nhân chết còn tài sản hay không.

Ngoài ra, khi cá nhân còn nợ thuế đã chết, nếu còn tài sản thì tài sản này còn thuộc quyền sử dụng của gia đình người đó. Cơ quan thuế không thể thực hiện kê biên, bán đấu giá tài sản sử dụng chung của gia đình để thu hồi tiền thuế nợ được, nếu thực hiện sẽ gây phản cảm trong dư luận xã hội.

Thừa nhận xoá nợ với các đối tượng trên là cần thiết nhưng đại diện Bộ Tư pháp cho rằng, cần phải đảm bảo những đối tượng này không có tài sản để nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp.

Điều này nhằm tránh trường hợp các đối tượng trên còn tài sản mà lại không phải thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách Nhà nước. Từ đó, phía Bộ Tư pháp đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành.

Một đề xuất khác cũng không nhận được sự đồng thuận từ phía Bộ Tư pháp là xoá nợ thuế đối với trường hợp người nộp thuế ngừng kinh doanh, giải thể quá 5 năm (quy định hiện tại là 10 năm).

Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, đề xuất trên không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, khuyến khích người nộp thuế chây ỳ để qua 5 năm được xóa nợ sau đó lại tiếp tục nợ thuế.

“Việc xóa nợ này chỉ làm đẹp sổ sách của cơ quan thuế mà không có chế tài đối với người nộp thuế,” ý kiến của Bộ Tư pháp nêu lên.

Tiếp thu những ý kiến trên, lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay, cơ quan này sẽ giữ nguyên quy định như hiện tại.

Cưỡng chế thuế: Có nên gửi thông báo trước?

Ở hướng khác, dự thảo trước đó của Bộ Tài chính có nêu đề xuất bỏ chính sách gửi trước quyết định cưỡng chế cho đối tượng bị cưỡng chế.

Theo quy định hiện tại, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế phải được gửi cho đối tượng, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thời hạn 5 ngày làm việc trước khi thực hiện cưỡng chế. Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, quy định trên làm giảm hiệu quả thu nợ của cơ quan thuế do người nộp thuế sẽ rút tiền, xuất hóa đơn trước khi quyết định cưỡng chế có hiệu lực.

[Bộ Tài chính tính toán 'dọn đường' để xóa nhiều khoản nợ thuế]

Bởi vậy, lãnh đạo Bộ Tài chính đề xuất bỏ việc gửi trước quyết định cưỡng chế, thay vào đó, cơ quan chức năng gửi quyết định bằng phương thức điện tử và cập nhật trên cổng thông tin điện tử ngành thuế. Quyết định cưỡng chế có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Góp ý, đại diện Bộ Tư pháp nhấn mạnh, để tăng hiệu quả thu nợ của cơ quan thuế trong trường hợp trên, cơ quan thuế có thể áp dụng các biện pháp như phong tỏa tài khoản, hóa đơn của đối tượng bị cưỡng chế trước khi ra quyết định cưỡng chế. Ngoài ra, việc quy định gửi bằng phương thức điện tử theo đánh giá sẽ không đảm bảo tính khả thi do không phải mọi đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế đều sử dụng giao dịch điện tử với cơ quan thuế.

Phía Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần có nghiên cứu, đánh giá thêm về chính sách này nhằm đảm bảo tính khả thi.

Không đồng tình với ý kiến trên, lãnh đạo Bộ Tài chính lại cho rằng: Phong tỏa tài khoản, hóa đơn của đối tượng bị cưỡng chế trước khi ra quyết định cưỡng chế là “không thuyết phục.” Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của người nộp thuế và khi đã phong tỏa thì coi như quyết định cưỡng chế đã có hiệu lực.

Ngoài ra, về ý kiến quyết định cưỡng chế có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và gửi theo phương thức điện tử, phía ngành tài chính nêu quan điểm, hiện tại, việc khai thuế, đăng ký nộp thuế điện tử của các doanh nghiệp đã được áp dụng phổ biến.

Cơ quan này cũng dẫn thống kê đến ngày 30/11/2017, cả nước đã có trên 631.000 doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt 99,82% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Số doanh nghiệp đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử với cơ quan thuế là 616.985 doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 97,57.

“Theo đó, cần thiết sửa đổi Luật quản lý thuế hướng tới mục tiêu tạo khung pháp lý để áp dụng phổ biến quản lý thuế điện tử phục vụ có hiệu quả sự phát triển của hoạt động kinh tế trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của giai đoạn mới,” cơ quan soạn thảo phản biện.

Đại diện Bộ Tài chính qua đó vẫn giữ quan điểm sửa đổi nội dung như đề xuất trước đó của cơ quan này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục