Đề xuất về tư cách thường trú của người nước ngoài gây tranh cãi tại Nhật Bản

Chính phủ Nhật Bản đã bổ sung vào dự luật việc cố tình không nộp thuế và phí bảo hiểm có thể là lý do để thu hồi giấy phép thường trú vì dự đoán số lượng người muốn sống lâu dài sẽ tăng lên.

Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Nhật Bản tại thủ đô Tokyo. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Nhật Bản tại thủ đô Tokyo. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Đề xuất của chính phủ sửa đổi luật nhằm mở đường cho việc thu hồi giấy phép thường trú nếu cư dân nước ngoài ở Nhật Bản cố tình không nộp thuế và phí bảo hiểm xã hội đã trở thành điểm gây tranh cãi trong các cuộc thảo luận của Quốc hội hiện nay.

Nguyên nhân là do chính phủ chưa thể trả lời câu hỏi của các nghị sỹ của phe đối lập đặt ra.

Các đảng đối lập đã nhiều lần chỉ trích quy định về việc thu hồi tư cách thường trú.

Các nghị sỹ đang thảo luận về dự luật sửa đổi các luật liên quan nhằm tạo ra một hệ thống đào tạo lao động nước ngoài mới để thay thế Chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ thuật hiện tại.

Hệ thống mới nhằm tiếp nhận lao động nước ngoài không có tay nghề trong các lĩnh vực đang thiếu hụt lao động.

Trong bối cảnh này, chính phủ đã bổ sung vào dự luật việc cố tình không nộp thuế và phí bảo hiểm có thể là lý do để thu hồi giấy phép cư trú thường trú vì dự đoán số lượng người muốn sống lâu dài ở Nhật Bản sẽ tăng lên.

Các biện pháp này dự kiến sẽ được giới hạn trong phạm vi các trường hợp có ý đồ xấu và sẽ không được áp dụng với các trường hợp không thanh toán do tình huống bất khả kháng mà không phải lỗi của cá nhân.

Chính phủ lập luận rằng ngay cả khi giấy phép cư trú thường trú bị thu hồi, nhiều người vẫn có thể được cấp một tư cách lưu trú khác.

Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải sự chỉ trích của một số đảng đối lập, cho rằng không có cơ sở để sửa đổi luật vì không có số liệu thống kê cụ thể thường trú nhân không nộp thuế và phí bảo hiểm.

Để đáp lại, ngày 8/5, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Nhật Bản đã đưa ra kết quả của một cuộc khảo sát mẫu.

Dựa trên đơn đăng ký thường trú cho trẻ em là con thường trú nhân, cơ quan này đã kiểm tra 1.825 trường hợp được hoàn tất sàng lọc trong 6 tháng đầu năm 2023 và phát hiện 235 trường hợp thường trú nhân không trả tiền cấp dưỡng cho những đứa trẻ đó.

Trong khảo sát mẫu, tỷ lệ không đóng phí bảo hiểm hưu trí quốc gia là hơn 10%.

Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tỷ lệ không chi trả cuối cùng cho kế hoạch lương hưu của cả nước trong năm tài chính 2020 chỉ là dưới 20%.

Vấn đề này đã được nêu ra tại các cuộc họp của Ủy ban Tư pháp Hạ viện, Ủy ban Y tế, Lao động và Phúc lợi của Hạ viện.

Hạ nghị sỹ Yasushi Adachi của Nippon Ishin (đảng Đổi mới Nhật Bản) yêu cầu chính phủ nắm bắt chính xác tình hình liên quan đến tỷ lệ không thanh toán chứ không chỉ đơn thuần tiến hành khảo sát mẫu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục