Đề xuất ưu đãi xuất khẩu để "cứu" ngành mía đường

Với lượng tồn kho lên đến 500.000 tấn, Hiệp hội mía đường đã đề xuất Bộ Công Thương gia hạn xuất khẩu đến hết tháng 12 để "cứu" DN.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tính đến cuối tháng 6/2013, lượng đường tồn kho tại các nhà máy đường trong nước hiện đã lên đến 500.000 tấn.

Trong bối cảnh cung vượt cầu như hiện nay, Hiệp hội mía đường Việt Nam đã đề xuất Bộ Công Thương tiếp tục gia hạn xuất khẩu đến hết tháng Mười Hai (thay vì đến tháng Bảy như hiện nay) nhằm giảm áp lực cho niên vụ sắp tới.

Đây chính là nội dung chính của cuộc họp giao lưu trực tuyến về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mía đường vừa diễn ra tại Hà Nội, ngày hôm nay (10/7).

Vòng luẩn quẩn

Theo ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng, Cục Chế biến thương mại nông lâm sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vụ ép 2012 và 2013 diện tích mía đạt 298.200 ha; trong đó diện tích mía ký hợp đồng trực tiếp với nông dân là 278 ngàn ha, năng suất bình quân 63,9 tấn/ha, có những vùng đạt trên 200 tấn/ha.

Khảo sát của ngành nông nghiệp cho thấy, giá mía niên vụ 2012 - 2013 bình quân từ 750 đến 800 đồng/kg. Còn giá mua mía của các nhà máy đã lên tới 50 USD/tấn (cao hơn giá mía của Thái Lan là 30,7 USD/tấn), nhưng đời sống người nông dân hiện vẫn khá bấp bênh.

Ông Hòa cho biết, đây là mức giá cao nhất trong khu vực, nhưng nếu không mua với giá này thì người dân sẽ không trồng mía nữa và nhà máy đường sẽ không có nguyên liệu sản xuất.

Làm rõ hơn, theo ông Nguyễn Văn Lộc, Phó chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, chi phí để sản xuất đường trong nước hiện quá cao, trong khi người trồng mía phải gánh thêm các chi phí mua vật tư nông nghiệp như phân bón, xăng dầu… liên tục tăng cao.

Cùng chung hoàn cảnh với người trồng mía, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà máy đường cũng đối mặt với muôn vàn khó khăn, vì phải cạnh tranh gay gắt với đường nhập khẩu, nhất là đường nhập lậu từ Thái Lan tràn vào, bán với giá rất thấp.

Ông Nguyễn Văn Lộc ước tính, với mức giá hiện nay nếu mua mía tận gốc là 1 triệu đồng/tấn nhưng về đến nhà máy thì các chi phí cộng vào lên đến là 1,1 triệu đồng/tấn, do vậy tất cả chi phí đó sẽ tính vào giá bán, làm giá đường của Việt Nam luôn cao hơn so với Đường của Thái Lan từ 3.000-3.500 đồng/kg.

"Bản thân các doanh nghiệp mía dường cũng phải gánh lãi suất vay Ngân hàng bình quân 10-11%/năm khiến năng lực cạnh tranh của ngành mía đường trong nước rất thấp," ông Lộc nói.

Kéo dài thời gian xuất khẩu

Đánh giá bức tranh ngành mía đường trong nước hiện nay, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho hay, lượng cung đường trong nước đã vượt xa so với nhu cầu tiêu thụ, bằng chứng là giá đường đã giảm từ 2.000-3.000 đồng/kg.

Trong khi đó, lượng tồn kho hiện nay đã lên đến 500.000 tấn khiến đầu ra cũng khá căng thẳng. Theo ông Long, trong thời gian trước Tết, giá đường tăng cao nhưng nhiều doanh nghiệp trong nước lại chưa có giấy phép xuất khẩu đường, vì vậy thời cơ để bán được giá không còn và giá đường liên tục bị các nhà nhập khẩu ép giá.

Trước thực trạng khó khăn của ngành mía đường, Chủ tịch Hiệp Hội mía đường Việt Nam đã kiến nghị với Bộ Công Thương nên kéo dài thời gian xuất khẩu đường đến hết tháng Mười Hai, thay vì tháng Bảy như hiện nay nhằm giảm áp lực hàng tồn kho và giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.

Về giải pháp lâu dài, ông Long cũng kiến nghị Chính Phủ cần có giải pháp mạnh; trong đó tập trung vào việc quy hoạch lại vùng nguyên liệu mía đường theo hướng tập trung, giảm chi phí và tăng sức cạnh tranh của đường trong nước.

"Khi giá thành sản xuất đường nội địa thấp thì bài toán chống buôn lậu đường cũng tự mất đi," ông Long nói.

Tại  buổi giao lưu trực tuyến, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường cũng cho biết, để chống buôn lậu đường hiệu quả, giải pháp cơ bản, lâu dài vẫn phải phát triển sản xuất trong nước. Do vậy, các doanh nghiệp sản xuất cần nghiên cứu, cải tiến quy trình sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo cạnh tranh được với hàng nhập lậu.

Bên cạnh đó, Cục sẽ tăng cường công tác điều tra, trinh sát; làm rõ phương thức thủ đoạn của đối tượng buôn lậu, từ đó có phương thức xử lý đồng thời phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng khi xây dựng cơ chế chính sách trong xử lý vi phạm, có hình thức xử lý răn đe kịp thời./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục