Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ của Mỹ Joe Manchin ngày 11/11 phản đối đề xuất cấp khoản ưu đãi thuế trị giá 4.500 USD cho ôtô điện (EV) do các nhà máy có công nhân tham gia nghiệp đoàn sản xuất trong dự luật chi tiêu xã hội và khí hậu trị giá 1.750 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden.
Ông Manchin đưa ra bình luận trên tại một sự kiện mà hãng sản xuất ôtô của Nhật Bản Toyota Motor Corp thông báo đầu tư 240 triệu USD vào nhà máy sản xuất động cơ và hộp số ở Tây Virginia, để sản xuất ôtô lai (hybrid).
Theo tờ Automotive News (Tin tức ô tô), thượng nghị sỹ cho rằng khuyến khích cho xe do các nhà máy có công nhân tham gia nghiệp đoàn sản xuất là “sai lầm” và “không phải kiểu Mỹ.” Ông nói: “Chúng ta không nên dùng tiền thuế của người dân để chọn người thắng và kẻ thua.”
Hãng Toyota vận động hành lang mạnh mẽ để phản đối khoản tín dụng ưu đãi thuế 4.500 USD cho xe EV do các nhà máy có công nhân tham gia nghiệp đoàn sản xuất.
Dự luật chi tiêu xã hội và khí hậu đang được Quốc hội Mỹ xem xét còn bao gồm khoản ưu đãi thuế lên tới 12.500 USD cho những chiếc xe EV hoàn toàn sản xuất tại Mỹ sau năm 2027.
Nhận được sự ủng hộ từ Tổng thống Mỹ Joe Biden, Nghiệp đoàn Công nhân ngành ôtô (UAW) và nhiều nghị sỹ đảng Dân chủ, đề xuất về chương trình ưu đãi thuế sẽ mang lại lợi ích không cân xứng cho các nhà sản xuất ô tô “Bộ Ba” (Big Three) của Detroit, gồm có General Motors Co, Ford Motor Co và Chrysler (công ty con của Stellantis NV), nhờ những chiếc xe do các nhà máy có công nhân tham gia nghiệp đoàn sản xuất tại Mỹ.
[Các nhà sản xuất ôtô mạnh tay đầu tư cho sản xuất pin và xe điện]
Tuy nhiên, chương trình ưu đãi trên lại vấp phải sự chỉ trích từ các nhà sản xuất ôtô quốc tế lớn như Toyota Motor Corp, Volkswagen AG, Daimler AG, Honda Motor Co, Hyundai Motor Co và BMW AG.
Hãng sản xuất ôtô điện của Mỹ Tesla Inc và các nhà sản xuất ô tô quốc tế như Toyota không có đại diện nghiệp đoàn tại nhà máy ở Mỹ.
Cùng ngày, Toyota cho biết nhiều nơi trên thế giới chưa sẵn sàng cho các loại xe không phát thải và đó là lý do nhà sản xuất ôtô hàng đầu của Nhật Bản đã không ký cam kết về việc sẽ loại bỏ ôtô sử dụng nhiên liệu hóa thạch đến năm 2040.
Các hãng ôtô tham gia ký kết Tuyên bố Glasgow về Không phát thải cho ôtô và xe tải, được đưa ra tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP26) ở Vương quốc Anh, gồm có Volvo (Thụy Điển), Ford và General Motor (đều của Mỹ) và Mercedes-Benz của Daimler AG (Đức), BYD (Trung Quốc) và Jaguar Land Rover - một thương hiệu thuộc hãng Tata Motors (Ấn Độ). Đáng chú ý, Volvo đã cam kết chuyển hoàn toàn sang động cơ điện vào năm 2030.
Trong khi đó, hãng sản xuất ôtô lớn thứ tư thế giới Stellantis cùng với nhiều hãng khác, gồm có Honda Motor Co Ltd và Nissan Motor Co Ltd của Nhật Bản, BMW của Đức và Hyundai Motor Co của Hàn Quốc, không đưa ra cam kết về việc cắt giảm phát thải carbon bằng 0./.